Chợ Đông Ba xuất hiện dưới thời vua Gia Long, toạ lạc bên ngoài cửa Chánh Đông (cửa Đông Ba). Năm 1885, kinh đô thất thủ nên chợ đã bị thực dân Pháp phá bỏ. Ba năm sau, vua Đồng Khánh cho xây dựng lại và đến năm 1889, vua Thành Thái cho dời khu chợ này về vị trí hiện nay ở bờ Bắc sông Hương, với tổng diện tích mặt bằng là 47.614 m2, trải dài từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền.
Trải qua nhiều thăng trầm với vùng đất Cố đô, chợ Đông Ba không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương, lưu thông hàng hoá của người dân, mà còn trở thành khu chợ truyền thống có giá trị văn hoá lâu đời, là một trong những điểm du lịch nổi tiếng đối với du khách gần xa.
|
Chị em tiểu thương tại chợ Đông Ba đón khách trong tà áo dài. |
Những ngày vừa qua, nếu có dịp đi ngang qua chợ Đông Ba, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh các chị em tiểu thương thướt tha, duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam. Đây là hoạt động hướng đến kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Ban quản lý chợ đã vận động từng gian hàng, từng tiểu thương hưởng ứng việc mặc trang phục truyền thống để mang đến màu sắc tươi mới cho ngôi chợ hơn 120 tuổi. Đồng thời, dáng hình chị em phụ nữ trong tà áo dài duyên dáng bên gian hàng của mình phần nào đưa chúng ta trở về với những hoài niệm xưa cũ – hình ảnh buôn thúng, bán bưng của các mẹ, các o ngày trước.
Ngoài ra, tà áo dài tại chợ Đông Ba còn mang ý nghĩa sâu xa hơn, khởi đầu cho sự đổi mới về văn hoá ứng xử trong hoạt động kinh doanh, hạn chế tình trạng nói thách giá, chèo kéo khách hàng, góp phần xây dựng chợ trở thành trung tâm thương mại theo phương châm “Văn minh, thân thiện là người Đông Ba”. Từ đó, lưu giữ hình tượng con người Huế nói chung và phụ nữ Huế nói riêng nhẹ nhàng, giản dị trong lòng du khách thập phương khi dừng chân tại xứ sở kinh kì.