Chỉ là chuyện mâm cơm?

(PLVN) - Mấy ngày nay dân mạng xôn xao vì lời thở than của một cô gái vừa bị người yêu chia tay với lý do khá phũ phàng. Theo lời cô gái nọ kể lể thì cô đã mất công nấu một mâm cơm nhiều món đợi người yêu về ăn cùng. Nào ngờ về đến, nhìn mâm cơm anh người yêu phán một câu xanh rờn: “Sao em chả có tí văn hóa nào trong ăn uống cả, nhìn kém lịch sự quá, mất cả ngon!”. Hai bên cãi vã rồi họ chia tay.
Hinh minh họa.

Cư dân mạng hóng chuyện của cô gái xong cũng ngả theo hai phía bình luận. Bên này cho rằng múc canh ra bát không phải chuyện nặng nhọc. Để nguyên cả nồi canh khiến mâm cơm trông thiếu thẩm mỹ, làm người ăn mất hứng thú khi ăn. Bên kia lại ngỏ ý tiếc cô gái và người yêu nóng tính quá, chuyện chả có gì mà bé xé ra to để rồi đi đến kết cục buồn là chia tay, giá như một bên biết góp ý khéo léo hơn và một bên biết lắng nghe hơn… 

Câu chuyện của cô gái nọ khiến tôi bất chợt nhớ đến một chuyện khác, cũng có tình tiết liên quan là… cái nồi. Số là tôi có chị bạn vốn rất kỹ tính trong nữ công gia chánh. Một hôm gặp chị, thấy chị sắc mặt có vẻ không vui. Gặng hỏi được biết tối qua chị vừa có cuộc tranh luận nho nhỏ với hàng xóm.

Cô hàng xóm nhà chị bạn tôi có thói quen đến bữa dọn mâm lên toàn nồi. Nồi cơm, nồi canh, nồi thức ăn mặn sánh vai đứng cùng như trong mâm. Hôm nào có thêm món xào thì sẽ thêm sự góp mặt của anh bạn chảo. Nhìn mâm cơm chướng mắt, dù chơi với nhau đã lâu, nhưng biết tính cô bạn hàng xóm hay dỗi nên chị bạn tôi cũng không dám góp ý.

Cho đến một ngày, vào nhà chơi đúng bữa cơm, thấy sự hiện diện của ba cái nồi trên mâm cùng một khoanh giò nguyên lá và cái dao để cạnh ăn đâu cắt đó, thì chị bạn tôi chịu không thấu đành gọi cô hàng xóm ra to nhỏ. Nghe chưa thủng lời, cô hàng xóm đã dẫy lên như đỉa phải vôi: “Chồng em có nói gì đâu, anh ấy cũng ủng hộ kiểu đó mà”. 

Cái kiểu mà cô hàng xóm của chị bạn tôi khẳng định chồng luôn ủng hộ, đó là đến bữa cơm, mâm cơm của gia đình sẽ toàn nồi. Lượng bát ăn cũng được giản tiện tối đa, thậm chí bố mẹ ăn sau sẽ ăn tiếp luôn vào bát cũ của hai đứa con đã ăn trước đó để học bài. Làm thế cho người rửa bát đỡ khổ, đó là lý lẽ của vợ chồng họ.

Với ý định khuyên nhủ cô hàng xóm, chị bạn tôi đưa ý kiến thăm dò: “Em cứ dọn mâm bát bình thường rồi đến công đoạn rửa bát thì vợ chồng cùng làm với nhau cho vui, chồng rửa, vợ úp, chia sẻ nhau công việc, ai cũng làm việc, không ai phải chịu vất vả một mình”.

Không nằm ngoài dự đoán, cô hàng xóm cong môi: “Sao chị nói năng bất bình đẳng thế, em cũng đi làm, lại thêm chợ búa, chăm con, anh ấy chỉ mỗi đi làm, tối về rửa bát là phải rồi”. “Ừ thì thế, nhưng em cũng phải tạo điều kiện bằng cách dọn trước “chiến trường nấu nướng” cho chồng chứ, ai lại để bày bừa thế này, đàn ông họ ngại cũng phải” – chị bạn tôi ướm lời tiếp. “Ô chị hay nhỉ, thế thì việc của anh ấy đâm nhẹ quá à. Không được!”- cô hàng xóm vẫn cứng cỏi tranh luận.

Biết rằng khó thuyết phục, chị bạn tôi quyết định tung ra chiêu cuối cùng: “Này chị hỏi em nhé. Em có đủ cả trai, gái đúng không, nghĩa là mai này sẽ có đủ dâu, rể. Vậy, nếu suốt những năm tháng ấu thơ, chúng được ăn những bữa cơm mà mâm bát chỉ toàn nồi với chảo như vậy, thì liệu sau này chúng có biết dọn mâm bát cho gia đình riêng của mình hay không? Thức ăn ngon bằng mấy mà hình thức không đẹp, thì cũng mất giá trị, phí công người nấu. Từ bữa cơm gia đình tưởng giản đơn mà cũng đi đến nhiều chuyện lắm em ạ …”. 

Nghe đến đây thì cô hàng xóm im lặng không tranh luận nữa. Chị bạn tôi cũng chào ra về mà vắng người tiễn đến tận thang máy như mọi hôm…

Đọc thêm