Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về quản trị truyền thông như ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch tập đoàn Lê Bros; PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi (Hội nhà báo Việt Nam); PGS.TS.Vũ Quang Hào, PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương (Khoa Báo chí và Truyền thông)...
Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của GS.TS. Matthew Hibberd đến từ Đại học Stirling, Vương quốc Anh. Một số vấn đề sẽ được hội thảo thảo bàn luận là“Biến đổi khí hậu và những khủng hoảng truyền thông”, “Xử lý khủng hoảng truyền thông từ tin đồn trên mạng xã hội: Lấy chính trừ tà”, “Quản trị rủi ro Bản tin thời sự truyền hình sản xuất trên nền tảng kỹ thuật số”, “Cơ chế minh bạch thông tin giảm thiểu rủi ro khủng hoảng truyền thông trong kỷ nguyên số”, “Lấp khoảng trống trong đào tạo quản trị truyền thông”….
Các giảng viên của Khoa Báo chí và Truyền thông chia sẻ: Bối cảnh bùng nổ thông tin và sự ra đời của các loại hình truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội, khiến cho các cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt với khủng hoảng. Có thể, đó là sự cố đưa hành khách đi Đà Lạt nhầm sang Nha Trang, hoặc vụ máy bay MH370 mất tích, hay gần đây nhất là sự cố cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung,…
Ngay cả các cơ quan báo chí cũng có thể gặp sự cố trên truyền thông như nghi án dàn xếp kết quả của một chương trình truyền hình thực tế, vụ việc liên quan đến tuổi của một cầu thủ bóng đá U19, việc thí sinh dự thi tài năng uống nhầm axit hay việc một đài truyền hình bị phạt 50 triệu đồng và phải cải chính vụ “Cây chổi quét rau”…
Khủng hoảng đến đột ngột và bất ngờ, với thông tin lan truyền nhanh khiến nhiều doanh nghiệp, đơn vị rơi vào trạng thái thiếu sáng suốt, có những động thái xử lý không chính xác, tạo điều kiện để khủng hoảng lan rộng và dễ dẫn dắt tới các vụ việc tiêu cực khác, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, đơn vị và công chúng trong xã hội.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc quản trị truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông kém hiệu quả là do hạn chế của đội ngũ những người làm truyền thông hiện nay. Những kỹ năng về quản trị truyền thông của các cán bộ lãnh đạo và nhân viên chuyên trách chủ yếu là trải nghiệm từ kinh nghiệm thực tế hơn là tiếp thu từ một hệ thống kiến thức chuyên biệt và một cách tiếp cận dựa trên tri thức khoa học.
Cho đến nay, ở miền Bắc, duy nhất mới có khóa đào tạo liên kết quốc tế Thạc sỹ Quản trị truyền thông tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) do Đại học Stirling (Vương quốc Anh) cấp bằng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia và đại biểu sẽ thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp cho các doanh nghiệp, cơ quan trong việc quản trị truyền thông và ứng phó, xử lý khủng hoảng truyền thông. Đồng thời, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới tính cấp thiết của nhu cầu nhân lực về ngành quản trị truyền thông và các hướng triển khai đào tạo ngành học này tại Việt Nam.
Hội thảo sẽ diễn ra từ 8h30 sáng Thứ 4, ngày 20/7
Địa điểm: Tầng 2, Nhà H, Trường Đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Để biết thêm thông tin về Hội thảo, vui lòng liên hệ:
Khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
ĐT: 0906194152 - 0983414354
Email: danghuong123@yahoo.com; phankien123@gmail.com