Chiêm ngưỡng bộ sưu tập cây me cổ lớn nhất Việt Nam ở “vương quốc” cây cảnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với niềm đam mê cây cảnh, ông Nguyễn Hoàng Tuấn (44 tuổi, ngụ phường 2, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã cất công sưu tầm, chăm sóc nhiều loại cây kiểng cổ, có giá trị. Đến nay, ông đã sở hữu 23 cây me cổ với những thế dáng độc, lạ hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân văn. Đặc biệt, mới đây, bộ sưu tập cây me cổ của ông được Xác lập kỷ lục Việt Nam.
Chiêm ngưỡng bộ sưu tập cây me cổ lớn nhất Việt Nam ở “vương quốc” cây cảnh

Là đứa con của vùng đất được mệnh danh là “vương quốc” hoa và cây cảnh Sa Đéc, từ nhỏ ông đã gắn bó với những công việc quen thuộc của nghề hoa kiểng. Từ năm 16 tuổi, ông đã làm nghề sửa kiểng và dần dần được nhiều người biết đến với “ngón nghề” và kỹ thuật khéo léo điêu luyện. “Lúc đó tôi thấy những cây me cổ tự nhiên khi được chỉnh sửa tàn, chi…thì có dáng thế đẹp, giá trị được nâng cao gấp nhiều lần nên tôi sưu tầm về “làm đẹp” lại. Từ đó đến nay, gần 20 năm tôi vẫn miệt mài sưu tầm. Hiện tôi đã sở hữu được 23 cây me cổ. Hầu hết là giống me chua, tuổi đời đều đến vài trăm năm. Me nổi u nần; thân, cành nhiều đoạn hóa lũa với dáng thế không cây nào giống cây nào”, ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn bên tác phẩm đạt kỷ lục Việt Nam

Ông Tuấn bên tác phẩm đạt kỷ lục Việt Nam

Ông có có sở thích sưu tầm những loại cây có kích thước lớn, dáng độc lạ như cây sộp, vú sữa, khế… nhưng nhiều nhất là cây me. “Tiêu chí để tôi liệt vào bộ sưu tập là những gốc me lớn có tuổi thọ ít nhất 200 năm. Ngoài ra hình dáng của chúng phải độc đáo như một cốt nhiều thân, dáng nằm ngang hoặc dáng như con thú…”, ông Tuấn chia sẻ.

Để có được bộ sưu tập khủng này, ông Tuấn đã chi hàng tỷ đồng và đi khắp cả nước, có nhiều lúc qua tận Campuchia để tìm mua và sưu tầm. Mỗi cây me mua về đều được ông chỉnh sửa theo cách thức riêng để làm cho cây đẹp hơn khi trưng bày. Vì vậy, việc chọn lựa từ phần đế, rễ, thân… đều rất kỹ lưỡng. Hễ ở đâu có người nhắn thì anh sẽ lặn lội để đi xem cây. Có những lúc đi khắp các tỉnh thành trong nước, địa điểm mỗi cây cách nhau hàng trăm cây số nhưng không mua được cây nào. Tuy nhiên, những điều đó không làm chùn bước sở thích mãnh liệt của ông mà niềm đam mê đó ngày càng được khẳng định.

Mỗi cây có nét đẹp và độc đáo riêng, một dáng thế riêng. Từ nền tảng đó, mỗi cây me đều được ông Tuấn đặt tên và mang một ý nghĩa nhân văn, triết lý riêng biệt. Điển hình như: “Song lão trường thọ”, “Thất hiền”, “Nhất trụ kình thiên”…Nói về cây kiểng “Song lão trường thọ”, ông Tuấn chia sẻ, sở dĩ tôi chọn đặt tên này là vì bẩm sinh cây có tuổi thọ mấy trăm tuổi, u nần, xù xì, 2 thân trên cùng 1 gốc như đôi bạn già”. Cây này được xác lập kỷ lục cây có 2 thân cùng 1 gốc đạt giá trị độc bản tại Việt Nam. Cây này hơn 200 năm tuổi, chiều cao 4,5m, bề hoành gốc 4,8m. Thân và rễ cây nổi lên những u nần, gồ ghề trông rất độc đáo. “Tôi mua cây me này ở miền ngoài, vận chuyển hơn 1.200 km mới đưa về tới vườn. Sau đó tiến hành uốn, nắn tàn, chi để cho ra tác phẩm hoàn chỉnh”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn tâm đắc chia sẻ về những “đứa con” mà mình đã tận tâm chăm sóc trong nhiều năm qua.

Ông Tuấn tâm đắc chia sẻ về những “đứa con” mà mình đã tận tâm chăm sóc trong nhiều năm qua.

Ông Tuấn cũng đang sở hữu cây me mang tên “Rừng cây” hay còn gọi là “Ngũ phúc lâm môn”. Được biết cây này được anh sưu tầm trong năm 2021 ở Quảng Trị. “Cây me này có một thân nhưng đến tận 5 gốc. Thân me nằm ngang, thân ngã đến đâu rễ bò lan đến đó giống như cây sộp, cây gừa. Chiều dài thân hơn 5m, bề hoành gốc hơn 2m, cây có bề hoành 3,7 m. Thông thường với cây me người ta chỉ thấy nó mọc thẳng đứng hoặc mọc nghiêng rất hiếm có cây nào mọc ngang và dài đến thế. Vì độc lạ như thế nên tôi quyết phải sở hữu cho được nó”, ông Tuấn nói.

Ngoài bộ sưu tập me cổ, ông Tuấn còn sở hữu cây sộp kiểng cổ mang tên "Đại long kỳ mộc” hiếm có. Vườn kiểng của ông hiện là địa điểm thu hút khách du lịch ở nhiều nơi đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Đọc thêm