Chính quyền buông lỏng để nhà xưởng xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tự ý san gạt, xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, đất trồng lúa... là những cách thức lấn chiếm đất công khá phổ biến hiện nay tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Thực tế này đặt ra câu hỏi cấp bách đối với các cấp chính quyền, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai về công tác quản lý đất công, đất nông nghiệp hiện nay.
xây dựng trái phép và xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và cuộc sống người dân đang sinh sống tại thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
xây dựng trái phép và xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và cuộc sống người dân đang sinh sống tại thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Phúc.

Theo phản ánh của rất nhiều người dân trên địa bàn thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, có hàng trăm mét vuông đất nông nghiệp quỹ 2 tại khu vực ao Đình, thôn Trung thị trấn Yên Lạc bị một số hộ dân lấn chiếm, xây dựng nhà tạm, lán trại để làm xưởng gỗ dẫn đến đơn thư vượt cấp và ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn V - một người dân sinh sống tại thị trấn Yên Lạc bức xúc: Việc một số hộ dân đổ đất, thuê người đến xây dựng nhà xưởng trên đất không được phép xây dựng đã làm ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự tại địa phương. Bên cạnh đó việc xả thải ra môi trường làm ô nhiễm nặng khu vực người dân sinh sống. Người dân rất bức xúc và có gửi rất nhiều đơn thư để giải quyết tình trạng trên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Việc lấn chiếm đất, chủ yếu là đất nông nghiệp và sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích gây bức xúc dư luận, khi sự việc diễn ra khá nghiêm trọng mà chính quyền cơ sở khi vào cuộc thì đã trở thành... chuyện đã rồi.

Một nhà xưởng xây dựng trái phép và xả thải bừa bãi tại thị trấn Yên Lạc.

Một nhà xưởng xây dựng trái phép và xả thải bừa bãi tại thị trấn Yên Lạc.

Ông Dương Đức Quyền - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc cho biết: “Trên địa bàn có khoảng 40 trường hợp lấn chiếm đất đai, tự ý san gạt để xây nhà xưởng. Đặc biệt với các hộ lấn chiếm với diện tích lớn như nhà ông Dũng Tho, Ngọc Thế, Yến Hùng…, cán bộ thị trấn sẽ tuyên truyền vận động đến các hộ dân để tháo dỡ. Sau thời gian tuyên truyền các hộ không tự tháo dỡ địa phương sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.”

Ông Quyền cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, thị trấn đã xử lý được 8 trường hợp vi phạm đất đai, và sẽ xử lý với các hộ còn lại trong thời gian tới. Để xảy ra tình trạng trên, trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền cấp cơ sở. Cụ thể, công tác quản lý đất đai, xây dựng ở cơ sở còn yếu, thậm chí có tình trạng buông lỏng, thiếu quyết liệt trong xử lý những vi phạm. Đây cũng là hệ lụy từ việc cán bộ chuyên môn cấp cơ sở vừa yếu, vừa thiếu, thậm chí có tình trạng bao che cho sai phạm.

Thiết nghĩ, tình trạng lấn chiếm để xây dựng các nhà xưởng đã làm ảnh hưởng lớn đến mỹ quan và gây ô nhiễm nặng nề trong khu dân cư từ rất nhiều năm như vậy mà chính quyền cấp cơ sở vẫn làm ngơ cho các hoạt động này. Vì năng lực quản lý không đủ hay là sự tiếp tay phía sau cho các hộ gia đình để làm trái với quy định của pháp luật, rất cần sự chỉ đạo và làm quyết liệt từ lãnh đạo các cấp để giảm tải ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp.

Đọc thêm