Chọi trâu Hải Lựu: Lễ hội cổ xưa mang nhiều khát vọng

(PLVN) - Đến nay, Lễ hội chọi trâu Hải Lựu vẫn giữ được nét riêng là nơi thể hiện khát vọng lớn lao của người dân vùng trung du Vĩnh Phúc.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỷ II trước công nguyên

Lễ hội cổ xưa nhất Việt Nam

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu vốn đã có từ thế kỷ II TCN, phát xuất từ công cuộc chống giặc ngoại xâm phương Bắc, thời nước Nam Việt của nhà Triệu.

Theo truyền thuyết, vào thế kỷ II TCN, khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia, vị tướng tài gốc xứ Nghệ, lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi được giết để khao quân.

Tương truyền thịt trâu chọi chứa nhiều sinh khí đem lại sự cường tráng và sức mạnh chiến đấu cho quân sĩ. Khi Lữ Gia mất, dân làng tôn ông làm thành hoàng làng thờ ở Đình Bạch Lưu Hạ, quanh vùng cũng có đến 20 đền thờ ông. Thời vua Lê Thánh Tông, Lữ Gia được nhà vua tôn phong là “áp quốc bảo thiên chiêu - ứng chí dâng đại vương”. Từ đó về sau, lễ hội đấu ngưu hay thượng gọi là chọi trâu Hải Lựu tiếp tục được vào ngày 17 tháng Giêng hàng năm để tiếp nối truyền thống anh hùng.

Theo Đại Nam nhất thống chí ghi lại: “Làng Bạch Lưu Hạ, huyện Lập Thạch hàng năm nuôi 20 con trâu, cứ ngày 18 tháng Giêng hoạc ngày 28 tháng Chạp đặt đàn tế thần ở ngoài nội, cho trâu uống rượu rồi lùa vào chuồng có tường đắp xung quanh cho trâu chọi nhau. Con nào bị thua thì giết thịt để tế thần.”

Trâu chọi được chọn lựa kỹ càng, chăm sóc và huấn luyện cẩn thận.

Tới năm 1947, do ảnh hưởng bởi chiến tranh và những lý do đan xen, lễ hội chọi trâu Hải Lựu phải tạm ngưng. Năm 2002, lễ hội chọi trâu được khôi phục sau 55 năm gián đoạn đã đem lại phấn khởi cho người dân Hải Lựu cũng như dân cư các vùng lân cận. Sau nhiều năm hoạt động trở lại, lễ hội chọi trâu Hải Lựu dần đi vào nề nếp, sân chọi được xây dựng khang trang từ nguồn vật liệu đá tại địa phương, thời gian tổ chức lễ hội kéo dài trong 3 ngày tháng Giêng âm lịch, ngày 15 tế lễ tâm linh, ngày 16 thi đấu vòng loại, ngày 17 thi đấu tứ kết, bán kết và chung kết.

Hàng năm vào ngày 15 tháng 10 âm lịch, xã Hải Lựu tổ chức kiện toàn các chức danh gồm: chủ tế, bồi tế, nội tán, chấp sự, đông sướng, tây sướng và các thành phần phục vụ đền. Vào ngày 1 tháng Chạp, xã tổ chức lễ tế thành hoàng làng Lữ Gia và chuẩn bị các công tác phục vụ cho lễ hội.

Trước đó, vào khoảng tháng 7 âm lịch những gia đình được giao đã phải chọn lựa trâu để về chăm sóc nuôi dưỡng chuẩn bị cho lễ hội. Khi mua trâu về, Ban tổ chức lễ hội ở thôn cùng với chủ trâu phải báo cáo với Ban tổ chức lễ hội của xã để ghi vào sổ theo dõi. Ban tổ chức sau đó sẽ sắp xếp để chủ trâu đưa trâu tới đền thờ làm lễ tâm tinh trình báo với Thành hoàng làng việc trâu tham gia lễ hội và từ đây trâu chọi được gọi là ông trâu (ông cầu).

Trên sân chọi, các "đấu sĩ trâu" vung chiêu tung cước một mất một còn.

Việc chăm sóc và huấn luyện trâu chọi cũng không hề đơn giản. Các gia đình trước đó đã phải bỏ ra vài sào đất để trồng cỏ nuôi trâu và phân công người chăm sóc các ông cầu kỹ lưỡng. Người dân Hải Lựu thống kê, hiện tại giá mua một con trâu đủ tiêu chuẩn để chọi phải mất chừng 100 triệu đồng, kinh phí chăm sóc trâu cũng phải dao động trong khoảng 60 – 80 triệu đồng mỗi năm.

PGS. TS Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho biết khái niệm hội truyền thông hay hội cổ truyền là hội có từ lâu đời, gắn với truyền thuyết hay sự tích vị thần được thờ, với di tích thờ cùng, với các lễ thức do công đồng cư dân thực hiện. Từ đó, PGS TS Bùi Xuân Đính khẳng định hội chọi trâu Bạch Lưu Hạ (xã Hải Lựu) là hội cổ truyền, thậm chí là cổ xưa trước cả sự ghi chép của các bộ Quốc chí từ rất lâu.

Những khát vọng lớn lao

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu bắt nguồn từ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong bối cảnh lâm nguy, vị tướng tài người Việt đã khéo léo uyển chuyển trong việc vừa an dân vừa khích lệ quân sĩ. Chọi trâu ra đời vừa đem lại cho người dân và quân sĩ giá trị tinh thần nhất là khát vọng chiến thắng để giữ vững nền độc lập dân tộc, bên cạnh đó thịt trâu chọi có giá trị dinh dưỡng cao giúp quân sĩ có sức khỏe cường tráng thực hiện khát vọng bảo vệ đất nước và đồng bào.

Lễ hội chọi trâu thể hiện cho khát vọng độc lập dân tộc, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu.

Bên cạnh đó, tư duy lưỡng hợp của cư dân nông nghiệp được biểu hiện rất rõ qua các cặp từ đối lập như Dương – Âm, Sống – Chết, Sáng – Tối, Nước – Lửa, Đực – Cái… Trong thực hành tín ngưỡng, tư duy lưỡng hợp được thể hiện bằng các cuộc đấu chọi giữa các con vật như chọi gà, chọi trâu, hay những cuộc đấu trực tiếp như đấu vật hoặc cũng có thể thông qua vật trung gian như đua chải, đua thuyền, đánh phết, tất cả nhằm thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên, cầu cho cuộc sống bình yên và mùa màng bội thu. Chọi trâu Hải Lựu được tổ chức vào trung tuần tháng Giêng vừa là lễ hội thể hiện khát vọng quốc thái dân an, vừa là điểm hẹn để người dân có cơ hội gặp gỡ.

PGS. TS Bùi Xuân Đính đánh giá, hội chọi trâu Hải Lựu được phục hồi không chỉ đáp ứng như cầu vui chơi, giải trí cho các tầng lớp nhân dân mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, củng cố tính cộng đồng làng xã, đặc biệt là góp phần phát triển kinh tế. PGS Đính cũng cho rằng, cần phân định đúng nguồn gốc, giá trị của hội chọi trâu Bạch Lưu Hạ - Hải Lựu, do đó không thể đồng nhất hội chọi trâu này với các hội chọi trâu “ăn theo”.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghị dân gian Việt Nam, cho rằng địa phương cần xây dựng đề án khai thác, phát triển có hiệu quả các loại hình dịch vụ trong dịp lễ hội. TS. Sơn cũng đề xuất địa phương xây dựng lễ hội chọi trâu gắn với một số điểm du lịch lân cận như vường chim Hải Lựu, Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức, Tháp Bình Sơn…

Lễ hội chọi trâu diễn ra vào trung tuần tháng Giêng là điểm hẹn cho người dân vui xuân.

Trước đây, trung tuần tháng Giêng, không khí lễ hội tại xã Hải Lựu tấp nập nhộn nhịp. Các thôn làng trong xã rộn rã tiếng trống, tưng bừng tiếng chiêng tạo nên bầu khi lễ hội truyền thống diễn ra vào 16-17 tháng Giêng thêm nhộn nhịp. Các “hội đồng chủ trâu” tất bật chuẩn bị công phu cho các "ông cầu" tham chiến.

Không chỉ là một lễ hội cổ xưa bậc nhất Việt Nam, lễ hội chọi trâu Hải Lựu còn giữ nguyên được tinh thần và khát vọng nguyên sơ thuở ban đầu. Mặc dù là một lễ hội có quy mô lớn với những trận chiến nảy lửa của các “đấu sĩ trâu” thế nhưng thoạt tiên ở đây không có những toan tính thái quá của con người, không có trâu bị tiêm thuốc kích thích, không có cá cược. Dường như lễ hội chọi trâu là dịp để người dân ăn mừng sau một năm vất vả, là cơ hội để mọi người gặp gỡ mừng đón xuân mới, mọi toan tính dường như nhường chỗ khát vọng mới trổi sinh.

Đáng tiếc, trong 3 năm qua lễ hội chọi trâu Hải Lựu liên tiếp phải tạm ngưng do dịch bệnh COVID-19. Đây là một sự thiệt thòi lớn cho người dân Hải Lựu cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Thời gian gián đoạn làm cho những gia đình nuôi trâu chọi gặp nhiều khó khăn, vì thế hơn bao giờ hết người dân Hải Lựu khát khao sự tái xuất của những “ông cầu” trên sân chọi vào mùa xuân năm sau để “Dù ai đi đâu, ở đâu/ Tháng giêng mười bảy chọi trâu thì về./ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng giêng mười bảy nhớ về chọi trâu”.

Người dân xã Hải Lựu mong muốn lễ hội sẽ trở lại trong mùa xuân tới.

Ông Đào Tiến Trung, chủ tịch UBND xã Hải Lựu, cho biết ngay khi có quyết định tạm ngưng tổ chức lễ hội chọi trâu, UBND xã đã thông tin cho người dân và các hộ có trâu chọi được biết để tiện bề sắp xếp. Về cơ bản, người dân Hải Lựu cũng đã đoán biết được sự việc vì hiện tại dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Ông Trung cũng nhận định, trước tỷ lệ tiêm văc-xin tăng cao và dịch bệnh đang dần được kiểm soát thì khả năng lễ hội được tổ chức trở lại vào đầu xuân 2023 là điều khả thi.

Ông Hán Văn Khanh, nguyên chủ tịch UBND xã Hải Lựu, người đã gắn bó mật thiết với việc phục hồi lại “xới chọi trâu” Hải Lựu, cho rằng lễ hội chọi trâu truyền thống làng Bạch Lưu Hạ xưa (nay là xã Hải Lựu) đã có từ lâu đời, không phải lễ hội “ăn theo”. Lễ hội này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Hải Lựu. Chính vì thế, các cấp chính quyền, ngành văn hóa cần hỗ tợ giúp đỡ xã Hải Lựu hoàn thiền thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận lễ hôi chọi trâu xã Hải Lựu là di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Đọc thêm