Chộn rộn lễ hội xuống đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ hội Lồng Tồng, Tết Doi (lễ hội xuống đồng) là lễ hội mùa xuân gắn liền với đời sống sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc. Họ cùng nhau rộn ràng tổ chức nghi lễ và các hoạt động để khởi đầu cho một năm cày cấy, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, thóc lúa đầy nhà. Trải qua ngàn năm, bà con dân tộc vẫn gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa, tín ngưỡng cổ truyền, thu hút khách thập phương đến trảy hội.
Phần thi cày trong lễ hội Lồng Tồng.
Phần thi cày trong lễ hội Lồng Tồng.

Rước nước, cúng cây còn tại Lễ hội Lồng Tồng

Theo thông lệ, tháng Giêng hằng năm, trong tiết trời mùa xuân ấm áp, lòng người phấn chấn, bà con dân bản tại các bản Tày (Lào Cai) nô nức cùng nhau tập trung tại thửa ruộng được bản chọn để tổ chức hội Lồng Tồng. Tại phần lễ của lễ hội Lồng Tồng là nghi thức cúng thần linh. Mâm lễ được đặt trang trọng trên bàn giữa khu đất bằng ngay trên bờ ruộng, nơi có sân khấu lễ hội. Các nghi lễ được các bậc cao niên trong bản tiến hành như rước nước, cúng thần bản, thần suối, thần núi, cúng cây còn... Với mong muốn thần linh sẽ ban cho con người, cho dân bản nguồn nước để tưới cho những cánh đồng, ban cho mưa thuận gió hòa để mùa màng được bội thu, cho con người sức khỏe để cày cấy. Sau phần lễ, phần hội được tổ chức ngay sau đó. Muốn tổ chức phần hội, người làm lễ phải xin phép Thành hoàng làng bằng cách dâng lễ tại chân cột còn, sau khi chủ nhang làm lễ và tiến hành tung quả còn ba lần thì dân làng bắt đầu vào hội.

Mở đầu phần hội là nghi thức đi đường cày đầu tiên của năm mới. Chọn người khỏe mạnh trong bản, cày tốt, trâu tốt, người nông dân đại diện sẽ thắng trâu vào cày và bắt đầu cày thửa ruộng được dân bản chọn. Mọi người đứng xung quanh trên bờ cổ vũ, khích lệ. Sau khi cày xong, nước được đưa về ruộng là nghi thức cấy những cây mạ đầu tiên của năm.

Trong lễ hội Lồng Tồng, nhiều trò chơi dân gian được các bản Tày tổ chức như hội thi cấy giữa các bản, thi ném còn, chọi gà bằng hoa chuối, chọi trâu bằng măng vầu, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh yến... Ngoài ra, trong lễ hội còn có các tiết mục văn nghệ của đồng bào Tày biểu diễn như hát múa, hát then, hát yếu, giao duyên, múa xòe xuống đồng, múa khăn...

Hội thi cấy là hoạt động thu hút sự chú ý của dân bản nhất. Mọi người đứng trên bờ hò reo cổ vũ, người đứng cấy vừa nhanh tay vừa chú ý đường thẳng của hàng. Phần thắng sẽ thuộc về đội nào có đường cấy thẳng nhất. Nếu thắng cuộc, đồng bào Tày quan niệm năm đó, lúa của bản Tày sẽ tươi tốt, không bị sâu bệnh, mùa màng được bội thu.

Với bà con người dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên, Sông Lô (Vĩnh Phúc) thì lễ hội Lồng Tồng từ bao đời nay đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc. Hàng năm, lễ hội Xuống đồng được bà con người Cao Lan tổ chức từ ngày 10-16 tháng Giêng (âm lịch). Buổi sáng sớm ngày hội chính, các gia đình đều chuẩn bị lễ vật để mang ra đình góp lễ. Lễ vật thường là thủ lợn, xôi gà, bánh mứt, hoa quả... Từ sáng sớm, trên khắp các nẻo đường hướng ra đình làng, bà con trong xã đã tấp nập đi trảy hội, địa điểm tổ chức hội thường ở giữa cánh đồng hay trên một bãi đất rộng. Phần lễ được diễn ra tại các đình làng, trong không khí tưng bừng, phấn khởi của những ngày đầu Xuân, bà con trong xã cùng vào Đình để làm lễ cầu mong Trời Đất, Tổ Tiên cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, no ấm đến mọi nhà.

Thông thường, Lễ hội mở đầu bằng những âm thanh vang rền của dàn trống như thúc giục người xem nhanh chân về vui hội. Trong lễ hội, bà con và du khách đến tham quan cũng được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm nét truyền thống của người Cao Lan như hát ví sịnh ca, hát đối giao duyên với chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới hoặc những ca khúc về tình yêu đôi lứa; những điệu múa tái hiện lại cảnh lao động, sinh hoạt thường ngày của bà con như: múa lên nương, múa phát rẫy, múa xúc tép...

Một phần không thể thiếu trong lễ hội Lồng Tồng là việc bà con cầm nắm thóc vãi xuống đất và vẩy ít nước lên Trời với lời khấn cầu mong cuộc sống no đủ, hạnh phúc cho nhân dân. Đây cũng là một trong những nghi lễ chính của lễ hội, phản ánh rõ nét nhất lễ tiết nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước.

Phần hội được diễn ra với các trò chơi dân gian đặc sắc như: ném còn, đi cà kheo, kéo co, bắn nỏ và một số môn thể thao khác; nét đặc sắc riêng có trong lễ hội Xuống đồng ở xã Quang Yên là trong trò chơi ném còn. Theo tục truyền khi lễ hội diễn ra, bà con dân làng sẽ dựng một cây còn trước đình làng, khi bắt đầu thi ném còn ông Thủ từ sẽ làm lễ cúng cây còn, dưới chân cây còn sẽ bày 1 mâm lễ vật gồm có 1 con gà và một mâm xôi; các thanh niên trai tráng thi ném còn, nếu ai ném thắng thì sẽ được thưởng mâm lễ vật đó (không thưởng bằng tiền). Ai được thưởng mâm lễ sẽ gặp may mắn cả năm...

Rước vía lúa tại lễ hội Tết Doi

Lễ hội xuống đồng (Tết Doi) của người Mường ở Phú Thọ cũng đặc sắc không kém. Trong tiết trời se lạnh đầu xuân, người dân tại xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, nô nức trẩy hội Tết Doi. Tết Doi còn được gọi là hội cầu mùa, hội xuống đồng của người Mường được tổ chức ngày 7 tháng Giêng hằng năm. Nét đặc sắc nhất của lễ hội là nghi thức rước vía lúa có từ ngàn đời nay để cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, thóc đầy bồ, lợn, gà đầy chuồng, con người được bình an, mạnh khỏe.

Lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày Dao ở SaPa.

Lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày Dao ở SaPa.

Bao đời nay, người Mường vẫn sống dựa chủ yếu vào nghề trồng lúa. Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, họ tin vạn vật đều có linh hồn, có cuộc sống riêng như con người. Cây lúa là cây lương thực chính nuôi sống người Mường, nên được bà con đặc biệt coi trọng, tôn sùng và “vía” hóa (thần thánh hóa). Đây chính là cơ sở để hình thành nên tín ngưỡng thờ vía lúa cũng như hệ thống những nghi lễ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trước đây, vào các năm tháng mất mùa, người Mường coi là điềm báo dân làng ăn ở không tốt nên vía lúa bỏ đi Mường khác. Muốn mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ, dân bản phải tổ chức rước vía lúa.

Theo truyền thuyết, thời xưa có người con gái nhà Ngài thông minh, nhanh nhẹn, giỏi nghề nông, xinh đẹp nức tiếng cả vùng. Năm đó, hạn hán kéo dài, đồng ruộng khô cạn. Cây lúa héo rũ trên ruộng đồng nứt nẻ. Dân bản chìm trong thiếu đói. Thương bà con, cô gái đã tình nguyện lên đường tìm giống lúa, vía lúa. Vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm, cô đã tìm được giống lúa, gọi mời được vía lúa từ Mường Cang Ó, Cun U Lang Theng về đến cửa Mường thì bị hãm hại chỉ còn lại đôi dép và bó lúa quý hiếm. Từ bó lúa giống đó, ruộng đồng của người Mường lại xanh tươi, sai bông trĩu hạt. Ghi nhớ công ơn của cô gái, dân làng đã lập miếu thờ và gọi cô là Nàng Cúc. Trong các lễ rước vía lúa, dân bản và thầy mo vẫn đến miếu Nàng Cúc xin vía lúa về chia cho các chòm xóm lấy khước cầu may. Rước vía lúa là nét đẹp truyền thống thể hiện khát vọng của người Mường Thu Cúc về một vụ mùa bội thu, cuộc sống thanh bình sung túc.

Trong nghi lễ rước vía lúa, đoàn rước khởi hành từ trung tâm xã qua hơn 5km đến Miếu thờ vía lúa ở cửa Mường làm lễ tế thần linh, sau đó rước vía lúa về trung tâm xã làm lễ cúng rồi phân phát lúa cho các bản, các Mường, mở đầu cho mùa sản xuất trong năm. Đi đầu đoàn rước là thầy mo, người am hiểu những luật tục, thuộc lòng các bài khấn được người dân giao trách nhiệm là sứ giả để giao tiếp với thần linh và thực hiện nghi lễ cúng tế rước vía lúa. Đi sau là đội chiêng trống, kiệu rước và đội đâm đuống, chạm ống.

Những cụm lúa to, hạt chắc mẩy cùng lễ vật được rước trên kiệu về địa điểm hành lễ. Thầy mo ra hiệu cho đội nhạc lễ tấu ba hồi chiêng trống vang vọng núi rừng, trời đất, rồi thực hiện nghi lễ cúng. Thầy khấn mời vía lúa, chia lúa giống cho dân bản rồi rước vía lúa về đền thờ vía lúa để thờ. Trong suốt thời gian tổ chức lễ rước và lễ cúng vía lúa, nhà Lang nổi chiêng trống và dân bản khua đuống rộn ràng mời gọi vía lúa.

Thầy mo Hoàng Văn Tạch cho biết: “Theo quan niệm của người Mường Thu Cúc “vía lúa” là nàng cơm, nàng gạo từ Mường Trời về lo cho mùa màng ở Mường Người được no đủ. Hồn lúa ở lại với người thì thóc sẽ đầy bồ, ngô sẽ đầy thúng và năm đó sản xuất sẽ thuận lợi, đời sống sẽ no ấm. Vì thế, người Mường Cúc làm Tết Doi, mở hội xuống đồng ra cửa Mường mời gọi nàng cơm, nàng gạo về với Mường người”.

Trong tiết trời xuân ấm áp, hàng ngàn người dân địa phương và du khách thập phương đã đến chung vui và khám phá nét văn hóa đặc sắc của đồng bào trên triền núi. Những tiết mục diễn xướng dân gian như: Chạm ống, đâm đuống, múa mỡi, múa sạp của người Mường; múa chuông, múa lập tĩnh của người Dao; múa khèn của người Mông… và các tiết mục văn hóa, văn nghệ, thắp ngọn lửa trại… đã được các khu dân cư lựa chọn đem đến biểu diễn nhằm giao lưu văn hóa và tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc.

Đọc thêm