Kêu gọi từ thiện hướng đến người mất việc làm, tạm cư trên địa bàn phường
Ông Đỗ Hà Thanh - Chủ tịch phường Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) không chỉ được biết đến là người có trách nhiệm, nhiệt huyết trong công việc mà còn là người luôn hết lòng với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, ngoài việc trực tiếp chỉ đạo phòng dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn phường, ông Thanh còn đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ cho những người lao động nghèo đang mắc kẹt trên địa bàn phường.
Ông Thanh chia sẻ, Ngọc Hà là phường có nhiều người khó khăn nhất của quận Ba Đình, trên địa bàn phường không có hộ nghèo, nhưng lại có nhiều người lao động, làm thuê tạm trú.
Trao 216 túi quà an sinh cho các hộ ngoại tỉnh khó khăn bị mắc kẹt lại phường Ngọc Hà, mỗi túi quà bao gồm: gạo, rau, trứng, mỳ tôm, dầu ăn, nước mắm, sữa và bánh cho trẻ em. |
“Dịch bệnh, rồi giãn cách xã hội ai cũng bị ảnh hưởng, nhưng những người lao động nghèo mắc kẹt lại trên địa bàn phường như thợ xây, người đi nhặt đồng nát, bán hàng rong… bị tác động nặng nề nhất. Họ phải trả tiền thuê nhà, không có việc làm, không có tiền đi chợ… Chính vì thế, tôi đã đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ cho những đối tượng này”, ông Thanh chia sẻ.
Chủ tịch phường Ngọc Hà cũng cho biết, ông đứng ra kêu gọi với tư cách cá nhân. Tại phường, các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… vẫn có những sự kiện kêu gọi giúp đỡ để giúp các hoàn cảnh khó khăn vượt qua mùa dịch.
Ngoài tiền mặt, nhiều người còn ủng hộ các túi an sinh và nhu yếu phẩm cần thiết khác. |
Chỉ sau 1 ngày kêu gọi, ông Thanh đã nhận được 153 triệu đồng tiền ủng hộ của các mạnh thường quân và bạn bè. “Đa số những người ủng hộ đều là bạn bè quen biết của tôi. Mục tiêu ban đầu tôi muốn kêu gọi ủng hộ 6 tấn gạo, nhưng sau một ngày số tiền quy đổi đã vượt chỉ tiêu nên tôi đã dừng kêu gọi”, ông Thanh chia sẻ.
Khi nhận được sự động viên, giúp đỡ của mọi người, ông sẽ mua các nhu yếu phẩm cần thiết giúp đỡ những người khó khăn, hạn chế hoặc không phát tiền mặt. “Nếu cho tiền họ có thể sẽ đi ra ngoài, hoặc có tiền họ sẽ đi về quê gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh. Vì thế, tôi sẽ giúp đỡ bằng các nhu yếu phẩm cần thiết, để họ ổn định cuộc sống trong lúc giãn cách, để họ ở yên trong nhà theo đúng tinh thần chống dịch”, ông Thanh nói.
Cách làm ngược để hướng đến nhu cầu thực sự của người dân
Ông Thanh chia sẻ, đây không phải là lần đầu tiên ông kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người với tư cách cá nhân. Trước đó, ông cũng đã kêu gọi nước uống cho các chốt kiểm dịch trên địa bàn và tới đây ông còn kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ suất ăn cho 14 trạm y tế trên địa bàn phường.
Đối với việc kêu gọi giúp đỡ cho những người lao động nghèo bị mắc kẹt trên địa bàn phường Ngọc Hà, ông Thanh đang làm ngược so với những người làm từ thiện khác. “Các cá nhân, hoặc các nhóm làm từ thiện thường kêu gọi được tiền hoặc nhu yếu phẩm rồi mới mang đi chia, giúp đỡ những nơi khó khăn thông qua tổ dân phố. Còn với tôi, tôi kêu gọi, giúp đỡ họ bằng cách tìm hiểu nhu cầu họ cần gì, sau đó mới đáp ứng cho họ trong khả năng có thể”, ông Thanh tâm sự.
Trước khi kêu gọi ủng hộ, ông Thanh đã phát phiếu để tìm hiểu nhu cầu của những người đang mắc kẹt lại trên địa bàn phường. |
Trước khi kêu gọi ủng hộ, ông Thanh đã phát ra hơn 1000 phiếu tới tận tay những người thuê trọ, những người lao động nghèo bị mắc kẹt trên địa bàn phường. Trong phiếu này có ghi rõ nơi tạm trú, tên tuổi, quê quán, công việc trước dịch làm gì, nghỉ từ bao giờ và hiện có nguồn thu nhập gì không, đã tiêm vắc xin chưa, có nhu cầu về quê không…
Trường hợp người dân có nhu cầu về quê, phường sẽ tập hợp lại, nếu xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện về quê, phường sẽ báo cáo lên cấp quận, thành phố để làm việc với địa phương người dân cần về, từ đó gom những chuyến xe chở người dân và có phương án cách ly, phòng dịch.
Quan điểm của ông Thanh là phát nhu yếu phẩm thay vì tiền mặt để đảm bảo đời sống cho người dân, hạn chế việc đi lại nhiều. |
“Khi phát ra 1000 phiếu, chúng tôi thu lại được 620 phiếu, trong đó nhiều người dân nhóm nhu cầu nhiều nhất là tiêm vắc xin, xét nghiệm và cần hỗ trợ nhu yếu phẩm. Từ đó, chúng tôi sẽ lên phương án để đảm bảo nhu cầu chính đáng của người dân trong điều kiện cho phép.
Hiện qua rà soát, trong số những người điền vào phiếu khảo sát có 234 gia đình cần túi quà an sinh, trong khi hôm trước kêu gọi đã có tới 300 túi, nên chúng tôi sẽ chuyển đến ngay cho những hộ gia đình này trong thời gian sớm nhất”, ông Thanh chia sẻ.
"Từ thiện cần phải minh bạch tài chính"
Trước những lo lắng về vấn đề từ thiện khi gần đây có nhiều vụ lùm xùm liên quan đến người nổi tiếng, ông Thanh chia sẻ đây đúng là điều bản thân ông lo ngại, nhưng cuối cùng ông vẫn quyết định kêu gọi mọi người. “Tôi nghĩ làm từ thiện ai cũng xuất phát từ cái tâm cả. Là lãnh đạo phường, nhìn dân nghèo mắc kẹt, gặp khó khăn cũng không cam lòng. Dù rằng nhà nước vẫn có những hỗ trợ cho những người khó khăn, nhưng mình kêu gọi được thêm ít nào hay ít đó.
Hơn nữa, sức mình nhỏ làm việc nhỏ, tôi chỉ kêu gọi cho những người khó khăn trên địa bàn phường và có mục tiêu rõ ràng, số tiền không quá lớn và thực tế khi đạt được mục tiêu tôi dừng kêu gọi, dù vẫn có người muốn giúp đỡ”, ông Thanh nói.
Ông Thanh lập bảng liệt kê danh sách các mạnh thường quân |
Vấn đề cốt lõi khi kêu gọi từ thiện, liên quan đến tài chính đó chính là sự minh bạch, vì thế khi bắt đầu công khai số tài khoản nhận hỗ trợ ông Thanh đã chuyển toàn bộ tiền cá nhân ra khỏi tài khoản, để tài khoản 0 đồng.
Khi nhận được ủng hộ, ông Thanh gửi sao kê chi tiết đến các mạnh thường quân, nguồn tiền vào và các khoản thu chi được sao kê chi tiết. Ngoài ra, khi trích tiền mua bất cứ vật dụng, đồ dùng thiết yếu gì ông Thanh cũng công khai để mọi người theo dõi và nắm được.
“Tôi nghĩ mình cứ minh bạch về tài chính sẽ tạo được lòng tin với người ủng hộ, bởi ai khi ủng hộ cũng đều muốn số tiền của mình được đến đúng nơi, không bị rơi rớt”, ông Thanh cho hay.