Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi nói gì về tốc độ tăng trưởng kinh tế và những hạn chế của địa phương năm 2021?

(PLVN) - Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021- 2026 diễn ra vào sáng 10/12 , Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã những thông tin đánh giá về tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh năm 2021
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói về tình hình kinh tế xã hội địa phương năm 2021

Theo ông Đặng Văn Minh, trong năm, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường; nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ tư xảy ra trên cả nước với biến chủng mới nguy hiểm nên đã tác động trực tiếp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển KTXH, hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tâm lý lo sợ, e dè, co cụm của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, công chức do bị xử lý kỷ luật sau các đợt thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua nên phần nào đã làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Các khó khăn này đã đặt ra không ít thách thức trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.

Về lĩnh vực kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 53.501 tỷ đồng, tăng 6,05% so với năm 2020; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,96%. So với mục tiêu đặt ra ngay từ đầu năm thì tốc độ tăng trưởng không đạt mục tiêu.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận, trong bối cảnh của năm 2021 như đã nêu trên, tốc độ tăng trưởng 6,05% là khá cao so với cả nước nói chung và các tỉnh, thành trong khu vực nói riêng (Cả nước dự kiến tăng khoảng hơn 2%; Thừa Thiên Huế tăng 3,99%; Đà Nẵng tăng trưởng âm 1,5%; Quảng Nam tăng 3,82%; Bình Định tăng 4,09%; Phú Yên tăng 0,03%; Khánh Hòa tăng trưởng âm 6,23%.)

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 22.366 tỷ đồng, tăng 50,4% so với năm 2020 và bằng 131,8% dự toán HĐND tỉnh giao. Theo đó, phần ngân sách tỉnh hưởng sẽ tăng thu so với dự toán HĐND tỉnh giao khoảng 1.629 tỷ đồng. Đây là kết quả rất tích cực trong quá trình phục hồi kinh tế của tỉnh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả khá cao so bình quân chung của cả nước; dự kiến đến hết niên độ ngân sách năm 2021, giải ngân đạt 99,7% kế hoạch thuộc nguồn ngân sách Trung ương và 99,8% kế hoạch thuộc nguồn ngân sách tỉnh, là năm có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong những năm qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Đặng Văn Minh chỉ ra, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2021 còn có những hạn chế nhất định

Cụ thể, về phát triển kinh tế, có 8/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2021 không đạt kế hoạch đề ra; trong đó, có 5/7 chỉ tiêu về kinh tế, 2/9 chỉ tiêu về văn hóa, xã hội và 1/6 chỉ tiêu về môi trường; tăng trưởng ở hầu hết các ngành bị chậm lại, trong đó các ngành thuộc khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nhất.

Số thu của một số lĩnh vực không đạt dự toán giao như: Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (chỉ đạt 88,6% dự toán), thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (chỉ đạt 65,2% dự toán), thu thuế bảo vệ môi trường (chỉ đạt 84,5% dự toán);…. Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, các cơ sở nhà, đất dôi dư còn chậm....

Đáng chú ý, “điểm nghẽn” trong đầu tư ngoài ngân sách chưa được khơi thông; vướng mắc về cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án chưa được tháo gỡ nên đã hạn chế việc huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển. Việc triển khai thực hiện các quy định của Trung ương về lựa chọn nhà đầu tư còn lúng túng, chưa kịp thời, ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, theo Chủ tịch Đặng Văn Minh là có lúc, có nơi chưa kịp thời, còn lơ là, chưa nghiêm túc; việc quản lý người từ vùng dịch trở về chưa chặt chẽ, có trường hợp làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; việc tổ chức mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế còn nhiều lúng túng, chậm thực hiện, có lúc thiếu sinh phẩm xét nghiệm, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh…

Ngoài ra, việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của một số lĩnh vực còn hạn chế, như công tác thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất chưa kịp thời để xử lý các vi phạm việc chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất kém hiệu quả, để đất bị lấn chiếm, sử dụng đất chưa đúng mục đích, việc chuyển quyền sử dụng đất chưa phù hợp với quy định pháp luật; việc tách thửa đối với khu vực quy hoạch, thực hiện dự án tại một số địa phương vẫn còn diễn ra. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm trễ, vướng mắc kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của nhiều dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Đặc biệt, Chủ tịch Đặng Văn Minh cũng nói đến hệ quả của những tồn tại, hạn chế từ những năm trước cần phải khắc phục như trong tổ chức thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng có một số dự án UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện trước đây không căn cứ vào khả năng cân đối nguồn vốn, và cũng không thực hiện bố trí đủ vốn nên dẫn đến nợ đọng vốn xây dựng cơ bản; thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ cũng như xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án nên nhiều dự án chậm tiến độ, nhất là các dự án thuộc ngành nông nghiệp, các dự án trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất, các dự án giao cho QISC làm chủ đầu tư.

Nhiều dự án ngoài ngân sách nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư không phù hợp với Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch sử dụng đất,… làm phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện... Nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc không được quan tâm xử lý dứt điểm làm phát sinh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân và đến nay khi xử lý thì cần phải bố trí kinh phí rất lớn để thực hiện, nên gây áp lực chi cho ngân sách nhà nước.

Đọc thêm