"Ta đã vượt qua đỉnh dịch là giai đoạn khó khăn nhất, nhưng tình hình dịch vẫn phức tạp nên không lơ là, chủ quan mà phải theo dõi, cảnh báo để ổn định sinh hoạt đời sống mở dần hoạt động kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ", Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nói.
Với tinh thần đó, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 TP đang xây dựng kế hoạch trên 3 trụ cột: Phòng chống dịch; phục hồi kinh tế và an sinh xã hội.
Còn tình trạng “lọt lưới” F0
Về phòng chống dịch, rút kinh nghiệm từ đợt dịch vừa qua, TP củng cố lại hệ thống, lực lượng, phương pháp để theo dõi hàng ngày diễn biến dịch, đánh giá tình hình dịch hàng tuần trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn và nhỏ hơn là khu phố, ấp. Các biện pháp theo dõi, giám sát phòng chống dịch phải thường xuyên, xem việc kiểm soát là yếu tố quyết định trong đảm bảo sinh hoạt đời sống, xã hội.
Chủ tịch TP nhận thấy sự phối hợp giữa doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh với địa phương, ngành Y tế trong quản lý F0 "có sự chuệch choạc". Nhiều trường hợp F0 được phát hiện ở nhà máy, xí nghiệp không được thông tin đến chính quyền địa phương kịp thời. TP đã yêu cầu ngành Y tế khép kín "kẽ hở" này, đảm bảo sự phối hợp thông suốt, nhuần nhuyễn giữa các bên.
Về phục hồi kinh tế, ông Mãi nhắc lại thời gian giãn cách xã hội kéo dài đã khiến chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế - xã hội cũng như sinh kế người dân. Việc phục hồi không chỉ tạo ra doanh thu, tăng trưởng mà còn là công ăn việc làm, giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
Đến nay, TP đã cơ bản phục hồi dần. Cụ thể, gần 100% DN trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã hoạt động, quy mô tùy nơi trong khoảng 70-90%. Tuy nhiên, cơ sở ngoài khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là khối dịch vụ thì chưa đạt công suất tối đa như mong muốn. Ông Mãi nhìn nhận việc này phụ thuộc vào thị trường, đầu vào, lao động và các điều kiện khác như vốn để tổ chức sản xuất.
Cùng với các chính sách của Trung ương, TP đang triển khai chương trình hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh sớm tái hòa nhập thị trường. TP cũng đang hoàn thiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chia làm hai giai đoạn, từ nay đến giữa 2022 và 2022-2025.
Mở lại trường học là vấn đề lớn, rất khó, rất quan trọng
Tại Hội nghị, cử tri Phan Thị Tuyết Anh, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, cho rằng hiệu quả vaccine giảm theo thời gian nên mong Nhà nước sớm có kế hoạch tiêm vaccine mũi 3 cho người dân. Bà đề xuất người yếu thế, khó khăn được tiêm miễn phí; còn lại thì tiêm dịch vụ để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Cử tri cũng cho rằng Bộ Y tế Bộ GD&ĐT nên có giải pháp để sớm đưa học sinh trở lại trường học do học trực tuyến bộc lộ nhiều bất cập. Học sinh tiểu học khá năng động, khó tập trung lâu; học sinh các cấp lớn hơn thì nguy cơ bị nghiện trò chơi trên mạng. Bà cảnh báo rằng khi đi học trực tiếp, học sinh có thể có nhiều lỗ hổng kiến thức, dẫn đến tâm lý chán học, bỏ học.
Về vấn đề vaccine, ông Mãi cho biết TP là một trong những nơi được ưu tiên vaccine sớm, đạt tỷ lệ cao. Hiện còn một bộ phận bà con chưa tiêm vaccine vì nhiều lý do. BCĐ TP đã yêu cầu các địa phương tiếp tục vận động người dân chưa tiêm vaccine đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm.
Về việc tiêm vaccine mũi 3, ông Mãi cho biết TP đã chuẩn bị và đăng ký với Bộ Y tế. Tuy nhiên, ông nhìn nhận độ phủ vaccine của TP cao nhưng nhiều địa phương khác tỷ lệ tiêm chưa cao. Việc tiêm mũi 3 là cần thiết nhưng cần tính toán trên tương quan chung.
Nếu có đủ vaccine, TP sẽ tiêm hết cho bà con, nhưng nếu chưa đủ, TP sẽ cân nhắc tiêm mũi 3 cho đối tượng ưu tiên như lực lượng tuyến đầu, nhóm có nguy cơ cao (người trên 50 tuổi, có bệnh nền, phụ nữ mang thai...).
Ông Mãi cho biết TP có 1,7 triệu học sinh nên việc mở lại trường là vấn đề lớn, rất khó, rất quan trọng. Thời gian qua, học sinh ở nhà học trực tuyến gây ra nhiều khó khăn, hệ lụy.
Dù chưa có nghiên cứu đầy đủ, ông so sánh việc học trực tuyến nôm na với sản xuất "3 tại chỗ", chỉ phù hợp trong thời gian ngắn, quy mô vừa phải. Nếu kéo dài thì hiệu quả không cao, chi phí lớn.
Với thực trạng đó, TP đã thí điểm đi học trở lại tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ và đang rút kinh nghiệm. "Đề nghị địa bàn vùng xanh của huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn có thể là những địa bàn tổ chức lại trường học trước", ông Mãi nói. Trong tuần này, TP sẽ làm việc với ngành Giáo dục, Y tế để hoàn thiện kế hoạch mở cửa trường học với quy trình an toàn.
Về y tế, ông Mãi thừa nhận thời gian qua nổi lên bất cập là quy mô tổ chức bộ máy của y tế cơ sở chưa tương xứng với quy mô dân số.
TP đang hoàn thiện kế hoạch gồm 3 trụ cột là y tế dự phòng, y tế điều trị và y tế phục hồi. Trong đó tập trung vào y tế dự phòng, cách tiếp cận của TP là biên chế sẽ tỷ lệ với quy mô dân số. TP cũng củng cố trạm y tế lưu động với sự tham gia của các bác sĩ làm nòng cốt, sau đó tuyển thêm tình nguyện viên, cán bộ y tế hưu trí...