Chùa Thầy sẽ được quy hoạch thành di tích Quốc gia đặc biệt.

(PLO) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, lập Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
Chùa Thầy sẽ được quy hoạch thành di tích Quốc gia đặc biệt.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo UBND thành phố Hà Nội, di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, huyện Quốc Oai đã được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2408/QĐ-TTgngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, hiện do UBND huyện Quốc Oai quản lý theo phân cấp của UBND TP Hà Nội.

Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách là quần thể di tích gồm 16 điểm di tích nằm trên địa phận 3 xã, thị trấn gồm xã Sài Sơn, xã Phượng Cách và thị trấn Quốc Oai.

Hiện nay, quần thể di tích này có nhiều bất cập cần khắc phục như không gian cảnh quan của di tích bị xâm lấn, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống dịch vụ sơ sài. Vì vậy, việc lập quy hoạch tổng thể di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy là cần thiết.

Cùng với chùa Tây Phương và Chùa Hương, Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Hà Nội. Nếu như Chùa Láng gắn liền với giai đoạn đầu của cuộc đời Từ Đạo Hạnh thì chùa Thầy lại chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của vị sư thế hệ thứ 12 thuộc dòng Thiền Ti-ni-đa-lưu-chi.

Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự).

Đọc thêm