Chứng kiến cuộc khảo sát lòng hồ thủy điện Rào Trăng 4 bằng đường thủy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Chúng tôi đã triển khai khảo sát lòng hồ thủy điện Rào Trăng 4. Việc làm này nhằm mục đích xem có vật dụng hoặc có thi thể nạn nhân sót lại bị vùi lấp hoặc ở trên bờ không sau khi hồ đã được xả đến mực nước chết, cây cối lồi lên trên các bãi bồi. Chúng tôi mong đánh giá lại khu vực lòng hồ với những thứ có thể bãi bồi giữ lại được để tìm kiếm tiếp nhưng mọi thứ nhìn chung vẫn… không có tín hiệu gì…”.
Lực lượng chức năng chuẩn bị cho việc khảo sát tìm kiếm nạn nhân mất tích bằng đường thủy.
Lực lượng chức năng chuẩn bị cho việc khảo sát tìm kiếm nạn nhân mất tích bằng đường thủy.

Ngày 12/7, ông Trần Văn Lâu, phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế thật tình chia sẻ sau buổi khảo sát lòng hồ thủy điện Rào Trăng 4 (xã Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) để tìm nạn nhân mất tích .

Với 9 ngày tìm kiếm tại bãi bồi Tam Dần, kết thúc tìm kiếm bãi bồi số 2 và mở đường vào khu vực cửa xả thủy điện Rào Trăng 3, lực lượng tìm kiếm càng nỗ lực càng nhận thấy hành trình này sẽ còn lắm gian nan.

Chiều nay, đoàn khảo sát bằng đường thủy gồm 11 người, trong đó có Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế và các kiểm lâm viên trạm Kiểm lâm 71 thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đã sử dụng xuồng, ca nô tiến vào lòng hồ thủy điện Rào Trăng 4 để xác định “dự phòng” thêm phương án tìm kiếm.

Lực lượng được chia làm hai mũi khảo sát dọc theo hai bên bờ hồ thủy điện Rào Trăng 4. Nếu “cánh cửa hi vọng” ở cửa xả nhà máy thủy điện đóng lại mà vẫn không thấy gì, theo nguyện vọng của những người thân của các gia đình nạn nhân đã khẩn thiết mong chính quyền, lực lượng tìm kiếm tiếp tục hỗ trợ để có thể tìm thêm ở khu vực này.

Ngồi trên xuồng, ca nô tròng trành con nước, mắt đăm đắm nhìn quanh bờ, thỉnh thoảng những “ma trận” cây chết khô gục khắp bãi mà công ty thủy điện Rào Trăng 4 đã vệ sinh không sạch để lại khiến thuyền bị va vào những bụi cây vì rẽ lái không kịp. Anh Nguyễn Tấn Thắng, phó tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh liên tục phát hiện những vật dụng trôi nổi ở khu vực này.

“Kia là cái thùng phi”, “Hình như ở đây có bạt”, “cái cây đằng kia có treo áo người”, anh Nguyễn Tấn Thắng liên tục thông tin cho những người trong đoàn tìm kiếm. Từ những phát hiện đó, đoàn đã dừng lại ở một vài bãi bồi và lật lên từ dưới lớp bùn đất đang còn nửa khô nửa ướt những chiếc quần, manh áo không lành lặn.

Tìm thấy áo của công nhân mất tích bên bờ hồ thủy điện Rào Trăng 4.

Tìm thấy áo của công nhân mất tích bên bờ hồ thủy điện Rào Trăng 4.

Theo ông Trần Văn Lâu, “những chiếc áo này có thể là những chiếc áo đang có người mặc bị trôi dạt, bởi nếu là quần áo đang phơi bị cuốn lấp hầu như sau khi bị cuốn theo dòng nước đều vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng những mảnh áo này đều bị thủng lỗ như thấm mồ hôi người”.

Tìm thấy tấm chăn của công nhân.

Tìm thấy tấm chăn của công nhân.

Sau khi khảo sát lòng hồ, lực lượng tìm kiếm sẽ báo cáo với ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn triển khai đánh giá lại địa hình khu vực thủy điện Rào Trăng 4, xem có thể tiếp cận được hay không, tiếp cận như thế nào từ đó có những giải pháp tiếp theo. Nếu tiếp tục lật xới ở đây, lực lượng tìm kiếm cần có thời gian dài, huy động thêm đông đảo nhân lực vì ở đây có đến hàng ngàn m3 bùn đất.

Bên cạnh đó, theo dự báo thời tiết, ngày 15-16/7 khu vực Rào Trăng có mưa nên sẽ rất ảnh hưởng đến quá tình tìm kiếm. “Để tiếp cận khu vực thủy điện Rào Trăng 4 cần tính toán kỹ. Quan trọng nhất vẫn là xem xét tính khả thi trong việc tiếp cận địa hình. Làm mà không có tín hiệu gì anh em ai cũng buồn cả”, ông Lâu người có kinh nghiệm trong quá trình tìm kiếm cứu nạn và đã theo sát hoạt động tìm kiếm từ khi xảy ra thảm nạn sạt lở Rào Trăng 3 cho hay. Ông đưa những vật dụng còn lấm bùn lên, quan sát tỉ mỉ rồi chia sẻ những hiểu biết của mình để phân biệt đâu là vật dụng mới bị trôi dạt do bị mưa gió xé, đẩy đến khu vực này và đâu là những vật dụng có thể từ vụ sạt lở.

Cũng trong ngày tìm kiếm thứ 9 này, các lực lượng đã ra sức tập trung việc chở đất san đường, lấp suối để mở đường tiếp cận bãi bồi số 3 (tức là khu vực cửa xả nhà máy thủy điện Rào Trăng 3). Với lượng đá lớn, đường vào trơn trượt, lực lượng tìm kiếm để qua suối phải bám chặt vào những tảng đá lớn hoặc men theo vách đá làm đường đi.

Ông Hoàng Hải Minh (mặc áo trắng), Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế men theo vách đá vào kiểm tra việc tìm kiếm công nhân mất tích tại khu vực cửa xả nhà máy thủy điện Rào Trăng 3.

Ông Hoàng Hải Minh (mặc áo trắng), Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế men theo vách đá vào kiểm tra việc tìm kiếm công nhân mất tích tại khu vực cửa xả nhà máy thủy điện Rào Trăng 3.

Cũng ngày hôm nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hoàng Hải Minh đã đến kiểm tra công tác tìm kiếm tại Rào Trăng 3. Ông Hoàng Hải Minh cũng chia sẻ với lực lượng tìm kiếm cũng như lực lượng máy múc đang phải làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt của Rào Trăng. Yêu cầu lực lượng tìm kiếm liên tục cập nhật tình hình, đánh giá các phương án tìm kiếm một cách chặt chẽ, không bỏ sót khu vực nào đã nghi ngờ với sự chứng kiến của thân nhân người bị nạn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định cấp ủy chính quyền địa phương sẽ làm hết tinh thần, trách nhiệm đẩy nhanh hơn nữa công tác tìm kiếm trong những ngày tới để đưa được các nạn nhân trở về với gia đình, quê hương.

Địa hình ở khu vực cửa xả nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 rất khó khăn đang được lực lượng tìm kiếm nỗ lực mở đường.

Địa hình ở khu vực cửa xả nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 rất khó khăn đang được lực lượng tìm kiếm nỗ lực mở đường.

Cũng như nhiều người, hai vợ chồng bà Trần Thị Nhung (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) thở dài trong đêm khi ở lại Rào Trăng đợi tin tìm kiếm con trai Đặng Hữu Nam. Bà Nhung, khuôn mặt không thể có được một nụ cười đã nhiều ngày tháng tâm sự: “Giờ nếu cửa xả nhà máy không có hi vọng, chúng tôi mong muốn được tiếp tục tìm mở rộng hạ lưu ngã ba Tam Dần. Chúng tôi ở đây bao lâu cũng được miễn được tìm thấy con”. Bà Nhung buồn bã nói.

Kể từ ngày xảy ra sự cố này, chồng bà Nhung đã lên Rào Trăng mỗi lần mười lăm ngày, lần này là 1 tháng ròng thẫn thờ đi lại ở Rào Trăng 3. Nhà có hai đứa con, người con trai đầu đã nằm lại đây không thấy thi thể. Nhà bỏ không, đồng áng bỏ không… chỉ ngóng mong lực lượng chức năng sẽ tìm được con về.

Đến 17h chiều nay, lực lượng chức năng tiếp tục một ngày phải ra về trong khi vẫn chưa tìm thấy thêm thi thể nào.

Đọc thêm