Cảm giác sợ bị bỏ lỡ
Ít ai biết đến và nhận ra rằng mình đang mắc FOMO (Fear of missing out - cảm xúc sợ hãi bản thân sẽ bỏ lỡ một thứ gì đó). Đó là cảm giác tiềm ẩn mơ hồ, khiến chúng ta luôn bị ám ảnh những người xung quanh sẽ đạt được hay có điều gì đó còn mình thì không. Cảm giác này càng lúc càng có ảnh hưởng lớn đến giới trẻ.
Luôn trong trạng thái sẽ bỏ lỡ tin mới mẻ hoặc “nóng hổi”, sẽ trở nên “lạc lõng” giữa bạn bè trong một cuộc trò chuyện, bàn tán nên T.D (HV Báo chí và Tuyên truyền) cập nhật tin tức mọi lúc, mọi nơi. Điện thoại của D cả ngày luôn kết nối 3G, thậm chí vào facebook khoảng 5 phút 1 lần, kể cả những giờ trên lớp.
D chia sẻ: “Chỉ cần không lên mạng một lúc thôi, mình đã cảm thấy có thể bỏ lỡ một cái gì đó, đặc biệt là các lời mời, thông báo đăng ký tham gia buổi tiệc nào đó giới hạn số lượng. Hay có khi là những thông tin của bạn bè, lời giới thiệu vài bộ phim, địa chỉ quan trọng “độc” đã được giới thiệu trên một số fanpage mà nếu không lướt nhanh, sẽ bị trôi đi mất trên cột hiển thị”.
Người trẻ và chứng lo “sợ bỏ lỡ”
Tâm (trường ĐH Công nghệ Sài Gòn) mỗi lần mở máy tính lên là lập tức mở hàng chục tab Internet: mail, facebook, báo, trang tin… Trong lúc ấy, mặc dù vẫn xem trang khác, T vẫn quay trở lại liên tục với Facebook nhằm kiểm tra có gì mới được đăng tải lên không.
“Mình cảm thấy bứt rứt nếu không online và biết được mọi người đang làm gì, cuộc sống xung quanh đang diễn ra như thế nào...Cuộc sống hiện nay mặc dù có công nghệ phát triển nhưng nhịp sống quá nhanh, quá gấp và nhiều điều mới mẻ mà nếu không chú ý, mình sẽ là người tụt hậu”, T nói.
Nghiêm trọng hơn, Thu (trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội) thậm chí một lúc hoạt động đa công suất về các giác quan và trí não để có thể thu thập một mức tối đa về thông tin. Cô bạn vừa theo dõi game show trực tuyến (tivi), xem phim trên laptop, lại thỉnh thoảng cầm điện thoại lên để lướt facebook...
“Có lần theo gia đình đến địa điểm không bắt được sóng, sau hai ngày trở lại nhịp sống cũ, đã ngơ ngác và thấy mình là kẻ lạc loài, không ở cùng một thế giới với mọi người vậy. Cảm giác như bị bỏ rơi và mất mát khi mình đã bỏ qua rất nhiều thứ hay ho, quan trọng”, Thu cho biết.
Có nguy cơ dẫn đến trầm cảm
D làm việc gì cũng thiếu tập trung, thậm chí lên lớp cũng không có tâm trí nghe giảng. “Lúc nào trong đầu mình cũng nghĩ: Mọi người đang làm gì vậy? Mình có đang bỏ lỡ điều gì không? Mọi đang/đã vui vậy, sao lại không có mình chứ? Tại sao? Lúc nào cũng thấp thỏm, văng vẳng câu đó nên cả ngày không làm gì ra hồn”.
Mỗi một tháng, chi phí Tâm mạng 3G khá tốn kém vì đăng ký liên tục. Sau khi dùng hết dung lượng miễn phí hằng tháng của sinh viên, cô bạn đăng ký thêm gói cước sinh viên nhà mạng. Nhưng vì mạng ì ạch, do hết dung lượng tốc độ cao, khiến T sốt ruột cập nhật thông tin, phải đăng ký thêm khá nhiều.
Thu hoạt động hết ban ngày và thức khuya, cho đến 1, 2h sáng vẫn thao thức bên chiếc điện thoại. Chính vì vậy, cô bị ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý, thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực, âu sầu vô cớ: “Mình rất buồn, tủi thân khi lên mạng thấy bạn bè đăng ảnh đi chơi nhưng không rủ mình theo.
Mình cảm thấy đang bị gạt ra ngoài, ghét bỏ và coi thường nên không chỉ có những phản ứng thái quá, trách móc bạn bè mà còn tách bản thân ra khỏi đám đông”. Bởi vậy, từ một người kết giao tốt với bạn bè, N ngày càng trở nên cô độc, lầm lũi.
|
Đừng để hội chứng FOMO hành hạ bạn. |
Trên đây là những ví dụ nhỏ nhưng dễ bắt gặp của chứng FOMO ở bạn trẻ. Mặc dù, FOMO cũng được cho rằng nó góp phần thúc đẩy sự phát triển các phương tiện truyền thông xã hội – thông qua việc cập nhật thông tin. Bên cạnh đó, FOMO cũng có tác dụng tăng cường kết nối mọi người với nhau, tham gia nhiều hoạt động xã hội, giao tiếp bạn bè…
Tuy nhiên, hại nhiều hơn lợi khi một số nghiên cứu đã cho rằng FOMO không chỉ làm mất thời gian, ảnh hưởng đến sự tập trung trong học tập mà còn dễ dẫn đến các trạng thái suy nghĩ “tự kỷ”, thậm chí dẫn đến trầm cảm.