Chúng tôi có một thời như thế…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhớ về chiến thắng làm nên mùa Xuân lịch sử năm 1975 là nhớ về những chiến công hào hùng, sự hy sinh anh dũng của lớp lớp thế hệ cha anh đã ngã xuống vì màu cờ đỏ tươi. Và ở đó, ta cũng thêm tự hào với tinh thần đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp thống nhất đất nước với câu chuyện về những người lính năm xưa “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có chuyến thăm và trò chuyện với hai cựu chiến binh (CCB) ở tỉnh Nam Định, từng xung phong lên đường bảo vệ tuyến đường Trường Sơn huyết mạch, chi viện cho tiền tuyến miền Nam, chờ ngày giải phóng.

“Xẻ dọc Trường Sơn, mở đường thắng lợi”

Trong ký ức của ông Phạm Xuân Ngữ, một cán bộ cấp tá, người từng là Trung đội trưởng Pháo cao xạ, Đại đội 4, Tiểu đoàn 21, Trung đoàn Pháo phòng không Tô Vĩnh Diện (trung đoàn 224), những ngày tháng chiến đấu, bảo vệ trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, chi viện cho miền Nam đều là những ngày tháng không thể quên.

Trong căn nhà nhỏ tại đường Trần Nhân Tông (P. Phan Đình Phùng, TP Nam Định), vị CCB già dành hẳn một góc trang trọng để lưu giữ những kỷ vật ngày làm lính cụ Hồ. Gặp chúng tôi, ông mừng lắm, mừng vì được kể chuyện thời chiến, mừng vì được sống lại cái không khí hào hùng năm xưa.

Cựu chiến binh Phạm Xuân Ngữ xem lại những kỷ vật thời chiến.

Cựu chiến binh Phạm Xuân Ngữ xem lại những kỷ vật thời chiến.

Ông kể: “Ngày đó, chúng tôi đều là những thanh niên trẻ, chỉ biết lên đường chiến đấu, chẳng ai nghĩ tới ngày về lại miền Bắc, cũng không ai sợ cái chết. Sự sục sôi của tuổi trẻ, lòng căm thù giặc Mỹ đã thôi thúc chúng tôi phải đi, đi đến khi toàn thắng mới thôi, vô tư lắm các cô chú ạ”.

Đơn vị của ông Ngữ khi ấy được giao nhiệm vụ bảo vệ không phận tuyến đường vận chuyển đạn dược, vũ khí chi viện cho miền Nam. Trong suốt hơn 10 năm chiến đấu, may mắn sống sót và đến nay đã quá cái tuổi “thất thập cổ lai hy” với hơn 50 năm tuổi Đảng, ông Ngữ vẫn minh mẫn, chậm rãi kể cho chúng tôi nghe từng chi tiết.

Ông bảo, mình và các đồng đội ngày ấy chỉ có lòng quả cảm và ý chí kiên cường làm động lực vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ. “Ngày đó địch đánh ác liệt lắm. Một ngày chỉ có 24 tiếng nhưng cứ đều đặn 27 trận B52 rải xuống chỉ một trọng điểm hoặc một ngã ba đường, mỗi trận mang theo hàng loạt tấn bom nhằm phá hoại, ngăn cản cho xe không chở được pháo, người không chở được đạn. Ta vừa làm đường xong thì địch phá vỡ và ta lại chở đất, làm đường. Cứ theo phương châm "địch đánh đến đâu ta giải quyết đến đó" để tiếp tục đi, địch đánh xong, rà phá từ trường tiếp tục bắt cầu cho xe qua", ông Ngữ kể lại.

CCB Phạm Xuân Ngữ cũng kể cho chúng tôi nghe về những lần kéo pháo bị địch bắn hỏng ra ngoài Bắc để sửa chữa, rồi lại ròng rã kéo vào Nam để kịp thời chi viện. Đường đi gập ghềnh là vậy, gian lao là vậy, nhưng chẳng ai muốn bỏ cuộc, người sau động viên người trước, cứ thế tiến thẳng bước chân đi. Riêng đơn vị của ông Ngữ, một năm bắn rơi được đến 36 máy bay của Mỹ, cùng nhiều chiến công, tiếp động lực bám chiến trường đến cùng.

Mỗi lần bắn phá thành công máy bay địch, ông Ngữ lại tìm và thu lại những tài liệu của chúng.

Mỗi lần bắn phá thành công máy bay địch, ông Ngữ lại tìm và thu lại những tài liệu của chúng.

Rồi ông chợt lặng người khi nhớ về những đồng đội cũ. “Địch thả bom, đánh hỏng pháo, bộ đội ta ngồi ngay đó, nhưng không phải ai cũng chạy kịp, nhiều anh em đã bỏ lại mạng sống nơi đây. Nén cơn đau, chúng tôi được huy động để tìm xác đồng đội. Xót xa lắm, sức tấn công quá lớn khiến đồng đội tôi ngay khi về với đất mẹ cũng chẳng thể còn được thân xác nguyên vẹn.

Tự tay mình “gói” các anh vào những túi nilon, đưa về Quảng Bình để chôn cất. Nhưng ngày đó lấy đâu ra bia đá để khắc tên, anh em lại dùng bảng gỗ nhỏ ghi lại, qua năm tháng, nhiều cái tên bị mờ đi, họ lại thành những liệt sĩ vô danh”, ông Ngữ nghẹn ngào.

Nhiều kỷ vật từ thời tham gia chiến đấu được những người lính già giữ gìn, nâng niu.

Nhiều kỷ vật từ thời tham gia chiến đấu được những người lính già giữ gìn, nâng niu.

Còn đối với CCB Trần Văn Thành (trú tại đường Bạch Đằng, P. Phan Đình Phùng, TP Nam Định), ông từng đảm nhiệm vị trí tại trạm ra-đa phòng không, thuộc Trung đoàn 290. Với nhiệm vụ chính là quan sát bầu trời, phục vụ lực lượng phòng không, đơn vị phối thuộc của Binh đoàn 559, trên 500 máy bay của địch đã bị bắn rơi, bảo vệ tuyến đường huyết mạch. Đơn vị ông còn từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho cái tên “Mắt thần Tổ quốc” vì những phát hiện kịp thời, chính xác, xa nhất là phạm vi 200 cây số, góp công lớn cho chiến dịch.

Cựu chiến binh Trần Văn Thành.

Cựu chiến binh Trần Văn Thành.

Nhắc về kỷ niệm thời chiến, ông Thành kể: “Ngày ngày ngồi trên đài quan sát, có những lúc nóng trên 40 độ, căng thẳng vô cùng. Nhưng tôi vẫn nhớ, hồi đó, bên cạnh cái chết do bom của địch, còn có nguy hiểm từ căn bệnh sốt rét. Trong một lần hành quân, chúng tôi phát hiện một chiếc võng được mắc cao chừng gần 20m, thấy lạ nên đã cho chiến sĩ leo lên cây để kiểm tra. Đưa xuống mới biết trên đó là hài cốt một chiến sĩ của bộ đội ta, có lẽ trên đường nghỉ lại đã bị sốt rét mà hy sinh nhưng không ai biết. Theo thời gian hai cái cây lớn dần, chiếc võng được đẩy lên cao khiến anh cứ mãi nằm đó cỡ chừng 5-7 năm”.

Trong gian khổ, ngày ngày cận kề với cái chết, nhưng tinh thần của những người lính, những thanh niên xung phong (TNXP) khi ấy chưa giây phút nào lung lay sợ hãi. Họ vẫn có những buổi gặp gỡ, cùng hát, cùng trò chuyện ngay trên chiếc giường được làm từ tre, nứa; cùng ăn bữa cơm đạm bạc với rau rừng.

Trong hang núi, họ đã cùng nhau đón biết bao cái Tết. Dù thiếu thốn nhưng vẫn có bánh chưng tự gói, chia nhau cái lương khô, cả đại đội túm tụm chung nhau mở đài nghe Bác Hồ đọc thư chúc Tết.

Nơi đây đã trở thành nơi thử thách ý chí, bản lĩnh của những con người lứa tuổi 20 với không quân Mỹ cùng với trang bị hiện đại, tiên tiến nhất. Cùng lực lượng phòng không chốt giữ yếu địa, lực lượng phòng không cơ động và các lực lượng khác có mặt ở Trường Sơn tạo nên lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp để đánh trả có hiệu quả không quân địch.

Nhờ thế trận đó, các lực lượng bộ đội, dân công, TNXP và dân công hỏa tuyến trên tuyến đường đã đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại các cuộc hành quân càn quét, các thủ đoạn phá hoại của địch.

Viết tiếp bài ca người lính

Trở về từ chiến trường, không còn nữa tiếng đạn bom gầm rú, dẫu có mang theo những vết thương, những người lính năm xưa vẫn từng ngày cống hiến, phát huy phẩm chất, xứng danh bộ đội cụ Hồ. Với họ, ngày nào còn sống là ngày đó còn tiếp tục cống hiến, vì xã hội, vì cộng đồng, để sao cho xứng với lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Trước khi nhập ngũ là một giáo viên Tiểu học, trở về địa phương, nhưng CCB Trần Văn Thành lại muốn được công tác trong ngành kiểm sát. Với quan điểm: “Ở chiến trường thì chiến đấu với giặc ngoại xâm, về đời thường ta chiến đấu với cái xấu, cái ác”, ông Thành vốn có bản chất mạnh mẽ của người lính, cùng sự chính trực, kiên định đã đứng lên, bảo vệ và giúp đỡ, đòi lại quyền lợi cho nhiều người yếu thế tại tỉnh Nam Định.

Thấu hiểu những gian khổ từ thời lính, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, gần 30 năm làm kiểm sát viên, ông Thành tự rút ra được nhận định mà làm điều răn dạy các thế hệ con cháu rằng: Cuộc sống tự do là cuộc sống biết trân quý những giá trị đạo đức và tôn trọng pháp luật.

Hai CCB già cùng ôn lại kỷ niệm thời chiến.

Hai CCB già cùng ôn lại kỷ niệm thời chiến.

Tại Nam Định, CCB Phạm Xuân Ngữ đang là Ủy viên BCH Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 của tỉnh và là Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 của thành phố. Đây không chỉ là nơi quy tụ những người lính từng tham gia chiến đấu, để cùng ôn lại kỷ niệm, động viên tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc, mà còn là cầu nối các mạnh thường quân cho các hoạt động từ thiện.

Nổi bật trong số đó là hoạt động xây nhà tình nghĩa “Ấm tình đồng đội” cho những CCB có hoàn cảnh khó khăn, hoặc chịu ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh như chất độc màu da cam. Việc này thể hiện sự tri ân với đồng đội, giúp hội viên nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống.

Cùng với tình yêu Tổ quốc trong trái tim mỗi người, chiến tranh, với sự khốc liệt và gian khổ, đã hun đúc, rèn giũa họ trở thành những người con trung kiên, bất khuất, vì nước quên mình. Nhiều người may mắn sống sót trở về đời thường sau khi bỏ lại một phần thân thể ở chiến trường. Nhiều người mãi nằm lại với đất mẹ ở tuổi đôi mươi. Đổi lại những hy sinh đó là đất nước hòa bình, non sông liền một dải, không còn những hiệp định, những cây cầu, những dòng sông ngăn cách đôi bờ, ngăn cách những tấm lòng…

Những vết thương trên thịt da và cả vết thương lòng qua những cuộc chiến, nhờ sự bao dung, rộng lượng, cũng đã lành. Biết ơn, tự hào, trân trọng quá khứ bao nhiêu, mỗi chúng ta lại càng cố gắng nhiều bấy nhiêu để gìn giữ thành quả mà cha ông phải đánh đổi bằng xương máu, để phát triển đất nước tươi đẹp hơn, để những ngày tháng tư như bây giờ, niềm vui thêm phần trọn vẹn.

Đọc thêm