Trao đổi tại tọa đàm “Chương trình 9+: Hướng đi mới lập nghiệp 4.0”, ông Đỗ Văn Giang - Vụ phó Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, thực tế Mô hình 9+ đã từng triển khai từ những năm 1980 với tên gọi trung học nghề, nhưng sau đó trầm lắng xuống. Khoảng 5 năm trở lại đây, Mô hình 9+ đang tái khởi động lại nhằm định hướng phân luồng ngay từ trung học cơ sở (THCS) với một số mô hình triển khai trong thời gian qua đã thành công và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
“Hiện nay, một số trường trung cấp, cao đẳng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang thí điểm tuyển sinh và đào tạo học sinh hoàn thành bậc THCS - thường được gọi là Mô hình 9+. Đây được xem như một giải pháp thiết thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng” mà Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra.
Đối với học sinh, việc lựa chọn Mô hình 9+ là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Thay vì mất thêm 3 năm theo học THPT, ngay từ khi học xong lớp 9, học sinh học hệ trung cấp, cao đẳng và sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này”, theo ông Đỗ Văn Giang.