Chương trình khuyến công tỉnh Vĩnh Phúc: Góc nhìn từ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2020 và 2021, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, nhờ có chương trình khuyến công, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có nhiều cơ sở, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị, máy móc hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại

Năm 2017, Công ty TNHH Bao bì Atlantic, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên đi vào hoạt động với các sản phẩm chủ lực là bao bì nhựa chất liệu HD, PE, PA, PP, OPP, tấm cuộn nilon... phục vụ ngành xây dựng, nông nghiệp và công nghiệp.

Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất của đơn vị tưởng chừng chậm tiến độ. Tuy nhiên, nhờ có chương trình khuyến công, doanh nghiệp đã được phê duyệt và triển khai Đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị trong sản xuất bao bì nilon”.

Công ty TNHH Bao bì Atlantic được hỗ trợ 255 triệu đồng mua 1 máy thổi màng cao tốc dùng cho nhựa PE (khổ 800mm). Đây là thiết bị hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, có ưu điểm tự động duy trì, điều chỉnh trọng lượng, độ dày của sản phẩm; có hệ thống xoay tự động, tăng cường độ phẳng cho màng nilon; hệ thống nâng, hạ tự động và giúp giảm tiêu hao điện năng khoảng 20% so với máy cũ.

Chất lượng sản phẩm được làm ra từ máy thổi màng cao tốc có độ bóng, trong, ổn định và tính thẩm mỹ cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe trong lĩnh vực màng nilon công nghiệp, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Cũng trong năm 2021, cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Tiến, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc được hỗ trợ 230 triệu đồng mua sắm gói trang thiết bị tiên tiếnvới tổng trị giá 630 triệu đồng phục vụ sản xuất mộc.

Thông qua chương trình khuyến công, cơ sở sản xuất có điều kiện tiếp cận nhiều loại thiết bị mới, hiện đại như máy đục CNC nhiều đầu đục, máy dán cạnh thẳng tự động đa chức năng, máy ép nhiệt hút chân không, máy ép nguội…

Theo chủ cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Tiến, việc đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp vận hành sản xuất theo quy trình khép kín, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động gắn, giảm chi phí nhân công và giá thành sản phẩm, sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh của cơ sở……đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiếng ồn xung quanh.

Đây là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước đưa sản xuất nghề mộc phát triển bền vững, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương…

Thực hiện chương trình khuyến công, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phát triển công thương, Sở Công thương đã tiến hành khảo sát, tư vấn nghiệm thu đề án hỗ trợ kinh phí đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị tiên tiến cho 17 cơ sở, doanh nghiệp. Từ nguồn kinh phí được hỗ trợ, các cơ sở, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại đưa vào sản xuất, từng bước khôi phục kinh tế hướng đến mục tiêu bền vững hơn trong tương lai cho đơn vị và địa phương.

Cơ hội phát triển cho các làng nghề

Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh phê duyệt nguồn kinh phí hơn 38 tỷ đồng cho chương trình khuyến công, trong đó có hoạt động chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ KHKT vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Đối tượng áp dụng chương trình là các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; tổ chức cá nhân tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công…

Năm 2021, trên cơ sở kế hoạch đã được thẩm định, phê duyệt, mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ từ 70 đến 255 triệu đồng để mua từ 3-20 máy phục vụ sản xuất. Điển hình như Công ty TNHH Ong Việt, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên được hỗ trợ 180 triệu đồng mua 20 loại máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất mật ong đóng chai.

Hay như Công ty TNHH Tam Phúc Đạt, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo được hỗ trợ 235 triệu đồng mua sắm 16 máy phục vụ sản xuất dây cáp sạc, cáp kết nối và tai nghe điện thoại…

Việc thực hiện hiệu quả chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua tạo cơ hội thúc đẩy cho 25 làng nghề phát triển. Trong đó có 19 làng nghề truyền thống, 6 làng nghề mới với các lĩnh vực sản xuất mộc, gốm, đan lát, mây tre, rèn, chế tác đá và nông - lâm - thủy sản. Các làng nghề này đã và đang tạo việc làm cho trên 55.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/tháng.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2021, Trung tâm Phát triển công thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường tư vấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu; xây dựng thương hiệu... nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Đọc thêm