“Chuyện ấy” lần đầu với bạn gái bị bệnh tim

(PLO) - "Chuyện ấy" lần đầu tiên với những người bị bệnh tim quả là...hồi hộp. Nhiều đàn ông trong hoàn cảnh này thực sự bối rối, lo sợ sẽ làm ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe bạn tình.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
 Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Tôi năm nay 25 tuổi, vợ sắp cưới 23 tuổi, cô ấy bị mắc bệnh tim bẩm sinh, nên rất hay đau ốm. Gia đình hai bên đều ngăn cấm không cho 2 đứa lấy nhau vì sợ sau này con cái ảnh hưởng, nhưng tôi rất thương cô ấy, sau nhiều lần chia sẻ và thuyết phục mọi người, gia đình 2 bên đã chấp nhận cho chúng tôi lấy nhau. 
Bọn tôi yêu nhau được gần 3 năm nhưng chưa dám đi quá xa ngoài việc nắm tay và ôm hôn, vì sợ nếu tôi không kiềm chế được mình sẽ khiến cô ấy trở bệnh. Hiện giờ tôi đang rất hoang mang không biết phải làm chuyện ấy thế nào khiến cô ấy hạnh phúc mà không bị phát bệnh ? - Đây là tâm sự đầy bối rối của bạn Nam – TP Nam Định trên một diễn đàn giới tính.
Còn anh Hùng vẫn không thể quên được nỗi ám ảnh khi phải... ngủ với vợ. Chuyện của anh chị éo le nhưng nghe như chuyện cười. 
Hai vợ chồng mới cưới, vợ anh mắc bệnh suy tim, bác sỹ khuyên nên hạn chế quan hệ, nếu không sẽ ảnh hưởng tới tính mạng. Vì thế hai vợ chồng treo biển cấm sex. Chồng ngủ tầng 2, vợ ngủ tầng 1 để tránh gần gũi khiến hai vợ chồng không kìm chế được. 
Nhưng một buổi tối không nhịn được, anh bèn đi xuống cầu thang bỗng giật mình thấy vợ mình đang từ chân cầu thang đi lên, cô run run nói “Em tìm anh để đi tự tử đây..” còn anh gượng cười và nói với vợ rằng : “Anh đang tìm để giết em đây”…
Bác sỹ Hoàng Tuân – Y Khoa Việt Nam cho biết: Với những bạn gái lần đầu quan hệ không tránh khỏi hồi hộp, lo lắng, điều này khiến nhịp tim đập nhanh hơn bình thường. Đặc biệt với bạn gái mắc bệnh tim, việc quá lo âu với bệnh tim, cộng thêm việc hồi hộp, sợ đau trong lần quan hệ đầu thường làm tăng tiết chất Epinephrine trong máu. 
Cộng với sự gia tăng hoạt động của hệ thần kinh thực vật sẽ làm gia tăng nhịp tim và sự co bóp của cơ tim càng làm nặng thêm cảm giác hồi hộp của bệnh nhân. Tình trạng này có thể đưa đến cảm giác khó thở, tức nghẹn vùng ngực làm bệnh nặng lên. 
Tuy nhiên, không có những hạn chế về tình dục áp đặt cho bệnh nhân tim mạch. Nếu như sinh hoạt tình dục không phải là tình trạng gắng sức nặng nề thì sẽ không gây nguy hại gì. Đôi khi, chính sự sợ hãi sẽ làm cản trở đời sống tình dục.

Ngoài ra người mắc bệnh tim cần lưu ý trước khi làm "chuyện ấy":

- Không sử dụng các chất kích thích trước khi yêu. Không lạm dụng  những đồ cay nóng

- Không ăn no trước khi "hành sự", phải để khoảng thời gian 2-3 tiếng sau cho bộ phận tiêu hóa hoạt động.

- Căn chỉnh nhiệt độ trong phòng không quá nóng hoặc quá lạnh, không yêu khi cơ thể cảm thấy chưa sẵn sàng hoặc không khỏe. (có thể sử dụng điều hòa để điều chỉnh nhiệt độ phòng)

- Luôn mang thuốc trợ tim do bác sỹ chỉ định bên cạnh phòng trường hợp cần thiết

"Đương sự" cũng không nên quá nóng vội, hấp tấp khi nhập cuộc vì sẽ gây nên những hệ lụy nguy hại đến tim mạch. Cả hai cần phải có màn dạo đầu kỹ càng tạo hưng phấn, giúp bạn gái chuẩn bị tinh thần giảm thiểu sự đau đớn, sợ hãi , hoang mang trong lần đầu quan hệ. 
Cặp đôi trong tình cảnh éo le này cần tránh những tư thế phức tạp, lựa chọn những tư thế gần gũi dễ thực hiện, không tạo áp lực lên thành ngực gây khó thở và không gây mất sức. Cũng nên loại trừ tâm lý lo lắng, bồn chồn, hồi hộp cho bạn gái bằng cách trò chuyện vui vẻ  trước khi “ân ái” vì tâm lý không ổn định rất bất lợi cho sức khỏe nói chung.

Tất cả những rắc rối gây cản trở “chuyện ấy” đều có thể khắc phục được bằng sự nỗ lực của bản thân người bệnh và sự trợ giúp của bạn tình.