Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản là xu hướng tất yếu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 17/6, tại TP Đà Nẵng, Báo Công Thương phối hợp với Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức hội thảo “Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số".
Toàn cảnh hội thảo “Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số".
Toàn cảnh hội thảo “Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số".

Tham dự hội thảo có ông Trần Xuân Đính - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam; ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam; ông Trần Quốc Bảo - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Kiến trúc Đô thị Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Tiến sĩ Đinh Việt Hoà - Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia.

Các chuyên gia, diễn giả, gồm có Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế cao cấp; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Hữu Hạnh – Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện sáng tạo chuyển đổi số Việt Nam; Chuyên gia truyền thông, nhà báo Lê Quốc Vinh; Luật sư Lê Đình Dũng – Chủ tịch Công Ty CP Reesoft.

Ngoài ra, còn có hơn 300 đại biểu là đại điện các Sở, ngành, các doanh nghiệp bất động sản, môi giới bất động sản,... cùng tham gia hội thảo.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế cao cấp cho biết, thị trường bất động sản đóng vai trò là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị bất động sản. Hiện có 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới thị trường bất động sản. Trong đó, 4 ngành lớn có liên quan nhiều nhất gồm xây dựng, du lịch, lưu trú và tài chính – ngân hàng…

Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định thị trường bất động sản nước ta đang có nhiều tiềm năng.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định thị trường bất động sản nước ta đang có nhiều tiềm năng.

Chuyển đổi số bất động sản mang lại nhiều lợi ích lớn như: tăng cơ hội tăng trưởng, tăng hiệu quả để giao dự án nhanh hơn, dòng doanh thu mới; giảm chi phí, cải thiện tiến độ giao hàng và lợi nhuận dự án, tăng tiết kiệm nguồn cung ứng; tối ưu hóa tác động môi trường, giảm chất thải, tăng tính tuân thủ; cải thiện sự hài lòng của khách hàng, cải thiện tốc độ kinh doanh, giảm rủi ro kinh doanh và công nghệ.

“Cách mạng công nghệ là thay đổi căn bản, là xu hướng tất yếu. Chuyển đổi số mang lại lợi ích nhiều hơn so với rủi ro, bất lợi và trở thành cuộc đua sống còn của doanh nghiệp Việt. Những thách thức trong chuyển đổi số bất động sản Việt Nam hiện nay là nhân lực chất lượng cao, chuyên gia CNTT thiếu và yếu; doanh nghiệp bất động sản thường hoạt động theo hướng truyền thống và ít đầu tư cho hoạt động đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, khung pháp lý chậm thay đổi, cập nhật thiếu đồng bộ và cởi mở; thông tin, dữ liệu thiếu và rải rác...", Tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Minh – Phó Tổng biên tập báo Công Thương, tại Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực như tài chính, du lịch… Tuy nhiên, trong lĩnh vực bất động sản, chuyển đổi số diễn ra chậm hơn.

Hội thảo "Thị trường Bất động sản trong xu thế chuyển đổi số" được tổ chức nhằm góp phần giúp doanh nghiệp bất động sản có thông tin toàn cảnh về "bức tranh" chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản, những tác động và cơ hội mà chuyển đổi số mang lại trong bất động sản; gợi mở các giải pháp, khuyến nghị cho doanh nghiệp bất động sản chủ động thích ứng và chuyển đổi số thành công.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó tổng biên tập Báo Công Thương khai mạc hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó tổng biên tập Báo Công Thương khai mạc hội thảo.

"Hội thảo kỳ vọng sẽ góp một phần nhận diện mức độ chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản hiện nay, giúp doanh nghiệp đánh giá được mức độ chuyển đổi số hiện tại và có chiến lược phát triển phù hợp; từ đó, thúc đẩy nhanh hơn, bền vững hơn tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản", ông Nguyễn Văn Minh nói.


Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. Bất động sản được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng đối mặt với những vấn đề nội tại khi quy mô ngày càng tăng và với tốc độ ngày càng nhanh.


Bất động sản từ lâu đã được coi là một trong những tài sản có tính thanh khoản thấp nhất. Các hệ thống thủ tục pháp lý phức tạp rào cản gia nhập thị trường quá cao với hầu hết mọi người, vì tài sản quá đắt, đang ảnh hưởng tới dòng vốn chảy vào bất động sản. Các dòng tài chính quy mô lớn chủ yếu dựa vào các khoản vay ngân hàng và trái phiếu, làm gia tăng rủi ro hệ thống. Rủi ro của ngành bất động sản đã trở thành một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế, cả về rủi ro tài chính lẫn sự lãng phi tái nguyên đất.

Ông Trương Trí Vĩnh – Phó Tổng Thư ký thường trực Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: "Chuyển đổi số, như quá trình dịch chuyển từ các quyết định tự phát của thị trường sang các quyết định dựa trên nền tảng dữ liệu, được mong đợi sẽ mang lại giải pháp dẫn dắt ngành công nghiệp này vượt qua những vấn đề nội tại".

Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản giúp minh bạch thị trường bất động sản.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản giúp minh bạch thị trường bất động sản.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia công nghệ thông tin và chuyên gia bất động sản đều có chung nhận định chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản là xu hướng tất yếu. Điều này giúp minh bạch thị trường bất động sản, giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Đồng thời, chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tăng trải nghiệm cho khách hàng, mở rộng thị trường, từ đó tăng doanh thu, làm gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chậm chạp và không có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ bị tụt lại và có nguy cơ bị đào thải.

"Nếu được số hóa, có dữ liệu thì dễ dàng quản lý, dễ dàng kinh doanh, kiểm soát tích cực, hiệu quả. Đặc biệt là tính rủi ro, tính gây thiệt hại cho thị trường sẽ bị triệt tiêu…”, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nói.


Đọc thêm