Chuyển động mới ở Ninh Thuận từ nguồn vốn chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, cùng với các nguồn lực khác, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Ninh Thuận đã góp phần tích cực giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.
Điểm giao dịch xã ở huyện 30a Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Điểm giao dịch xã ở huyện 30a Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Đến Ninh Thuận đầu mùa thu này, có thể cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ của vùng đất cuối dãy Trường Sơn vốn mệnh danh về khô nóng, gió nhiều, nhưng đã và đang khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nhất là năng lượng, kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển.

Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo giữa năm 2021 chỉ có 5,33%, giảm 9,6% so với cuối năm 2016. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Cảnh thiếu ăn, đốt rừng làm nương rẫy những năm trước của đồng bào dân tộc thiểu số giờ đã đi vào dĩ vãng. Nhiều gia đình người Rag Lai, Cơ Ho, Chăm đã có hàng tấn lương thực dự trữ, cả đàn gia súc béo khỏe trong chuồng.

Không chỉ vậy, cuộc sống của người Rag Lai ở xã Phước Tân, huyện Bác Ái đang ngày thêm no ấm từ đồng vốn tín dụng ưu đãi. Tiêu biểu gia đình chị Ka Tơ Thị Lem trước đây rất khó khăn. Nhà có đất sản xuất rộng hơn 6.000m2 nhưng đành để hoang phí bởi thiếu vốn liếng đầu tư.

Thế rồi, được sự động viên của chính quyền thôn, xã, cùng sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của cán bộ NHCSXH huyện Bác Ái, chị đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi và cấy lúa nước, trồng dưa hồng, chanh leo trên mảnh đất của gia đình để mỗi năm thu nhập dày thêm; trả hết nợ vay của ngân hàng, vẫn có “của để đành”, mở rộng cơ sở sản xuất, xây chuồng trại kiên cố nuôi 9 con bò; vỗ béo đàn cừu 20 con và thâm canh 6 sào rau củ quả xanh tốt.

Cùng giấc mơ thoát cảnh túng thiếu như gia đình chị KaTơr Thị Lem, nhiều hộ dân ở vùng dân tộc miền núi Bác Ái đã tận dụng lợi thế đất đai và tiền vốn vay ưu đãi, khai hoang phục hóa nương đồi, cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi nên đã nằm trong danh sách hộ thoát nghèo bền vững, đồng thời còn đạt danh hiệu thi đua nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Bà Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái kiêm trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện cho biết: "Những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHSCXH đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều gia đình đồng bào DTTS bớt đi cảnh nghèo khó, nâng cao dần cuộc sống, góp phần đáng kể trong việc giảm nghèo nhanh, bền vững theo mục tiêu huyện đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm 6,01% so với tổng số hộ dân toàn huyện, vượt 150% kế hoạch."

Không chỉ có huyện miền núi Bác Ái, tại 6 huyện khác từ vùng cao đến ven biển thuộc tỉnh Ninh Thuận, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã trở thành công cụ hữu hiệu thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Ninh Thuận, trong suốt 19 năm qua, đặc biệt 8 tháng đầu năm 2021, dù gặp phải thời tiết nắng nóng, gay gắt; dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhưng với quyết tâm vượt khó khăn, chủ động bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và Đảng bộ, chính quyền địa phương, toàn đơn vị dốc sức thực thi nhiệm vụ tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính, tạo lập được nguồn vốn lớn; đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả 18 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương và nhân dân.

Toàn bộ nguồn vốn 2.497 tỷ đồng do huy động, tạo lập được (kể cả nguồn vốn ngân sách từ UBND các cấp ở Ninh Thuận ủy thác sang NHCSXH 68 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng so với đầu năm 2020) bởi triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, đã được những cán bộ tín dụng chính sách chẳng quản ngại thiên tai, dịch bệnh, bền bỉ chuyển tải kịp thời, an toàn về các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo 30a và khắp địa bàn Ninh Thuận góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hàng năm của tỉnh bình quân từ 3-4%, riêng các huyện miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống giảm 5-6%/năm.

Thăm hộ gia đình vay vốn hiệu quả ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Thăm hộ gia đình vay vốn hiệu quả ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Dòng vốn tín dụng tín dụng ưu đãi từ NHCSXH luôn chảy đều đặn, đến đúng các đối tượng thụ hưởng ở nơi nổi tiếng về “nắng nóng, gió nhiều” giữa vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Những cán bộ tín dụng trên mảnh đất này đã chung tay góp sức, quyết tâm vượt khó khăn vừa phòng chống dịch bệnh tốt, vừa chuyển vốn nhanh xuống 65 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn và 1.580 Tổ TK&VV ở các thôn, làng, khu phố để cho vay trực tiếp từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào DTTS khó khăn, hỗ trợ người lao động khôi phục sản xuất và người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội bền vững ở tỉnh Ninh Thuận đạt kết quả khả quan. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần quan trọng, trở thành công cụ hữu hiệu thực hiện công cuộc này suốt 19 năm qua.

Thời gian tới, cùng các cấp, các ngành trên địa bàn, NHCSXH Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chỉ thị 40, kết luận 06 của Ban Bí thư và các Nghị quyết, chính sách mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến công cuộc xóa đói, giảm nghèo và tín dụng chính sách xã hội, tập trung huy động các nguồn lực, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có đủ điều kiện và nhu cầu đều được tiếp cận thuận lợi với tất cả sản phẩm dịch vụ do NHCSXH cung cấp, đồng thời phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội gắn với giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững ở tỉnh Ninh Thuận.

Đọc thêm