Chuyện gia đình của một trưởng thôn

(PLVN) - Trong chuyến công tác đến xã Phú Cường, huyện Ba Vì, Hà Nội là một trong 24  xã, phường trên toàn quốc được chọn để triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, phóng viên đã có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Khắc Thiện, 43 tuổi (Trưởng thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường). Câu chuyện của anh cho thấy, tầm quan trọng của những giá trị truyền thống trong gia đình, dòng họ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, cũng như xã hội.
Trưởng thôn Nguyễn Khắc Thiện.
Trưởng thôn Nguyễn Khắc Thiện.

Theo lời anh Thiện, thôn Thanh Chiểu có 800 hộ gia đình với hơn 3.000 nhân khẩu, trong đó 30% là gia đình “tứ đại đồng đường” (bốn thế hệ cùng chung sống một nhà), còn lại phổ biến là “tam đại đồng đường”. Sống chung nhiều thế hệ như vậy nhưng cuộc sống của các gia đình vẫn rất êm ấm, hạnh phúc và tôn trọng.

“Chúng tôi nhận thức được rằng, bình đẳng giới không phải là ở đâu xa mà ở trong chính mỗi gia đình, vì thế tuy sống chung nhiều thế hệ trong cùng một nhà nhưng nhìn chung sự bình đẳng giữa các thành viên luôn có. Ví dụ như họ tộc nhà tôi là họ tộc to thứ ba ở thôn với hơn 200 hộ, nhưng mọi mối quan hệ trên dưới đều êm ấm, mọi người biết bảo ban, yêu thương và tôn trọng nhau” – anh Thiện nói. 

Chia sẻ kỷ niệm về ông nội và bố của mình, anh Thiện nói: “Ông tôi là công an và bố tôi làm nghề giáo. Người ta cứ hay nói đàn ông nông thôn gia trưởng chứ tôi thấy ông và bố tôi không hề vậy. Ngày bé tôi nhớ, ông khó ngủ nên cứ tầm 3h sáng là ông trở dậy và rất khẽ khàng tự đun nước pha trà chứ không đánh thức ai dậy phục vụ.

Đến 5h sáng ông mới đánh thức mọi người dậy lo chuyện đồng áng. Còn bố tôi, tuy tôi là con trai, con trưởng nhưng vẫn dạy tôi làm việc nhà. Từ bé tôi đã biết nấu cơm bằng rác đồng rất giỏi. Bây giờ có đủ cả trai cả gái nhưng tôi vẫn yêu cầu con trai phải biết làm việc nhà, nấu cơm, rửa bát giúp mẹ”. 

Được biết, ở xã Phú Cường vẫn gìn giữ một truyền thống đẹp là, cứ 7h sáng ngày mùng một Tết, tất cả mọi người trong thôn tập hợp nhau để chào cờ Tổ quốc, mở đầu cho một năm mới hạnh phúc. 

Theo lời anh Thiện, khi anh còn bé, cứ tầm 5h sáng là ông và bố anh đánh thức cả nhà dậy để chuẩn bị trang phục, đầu tóc. Dù buồn ngủ lắm nhưng anh vẫn phải dậy.

“Đến giờ, ý thức được việc làm đó có ý nghĩa trong việc giáo dục lòng yêu nước cho con trẻ nên tôi cũng áp dụng cho các con tôi như vậy. Con trai tôi học lớp 5 nhưng cũng đã rất ý thức, cứ đến giờ là dậy, không phải gọi nữa” – anh Thiện kể. 

Trong gia đình Việt truyền thống có ba giá trị, chuẩn mực đạo được đề cao, bao gồm “gia đạo”, “gia phong” và “gia lễ”. “Gia đạo” là đạo đức gia đình, tức là những chuẩn mực, quy tắc đạo đức được gia đình coi trọng.

“Gia phong” được hiểu là thói nhà, tập quán và giáo dục trong một gia tộc. Trong một gia tộc, gia phong được hình thành từ ông bà, cha mẹ và giáo dục cho thế hệ con cháu. Đó là việc xây dựng gia đình và tái tạo cho các con cháu sau này những chuẩn mực văn hóa đạo đức. “Gia lễ” là những nghi lễ, tập tục trong một gia đình, được thể hiện qua cung cách ăn nói, đi đứng, cách ứng xử trở thành truyền thống gia đình mà ông bà, cha mẹ truyền lại cho con cháu.

Qua câu chuyện gia đình của anh Thiện có thể thấy, từ gia đình, những giá trị đạo đức, các giá trị truyền thống được lan tỏa ở những cấp cao như làng xã, Tổ quốc… Chính tại gia đình là nơi gieo mầm những tình cảm tốt đẹp như lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường. Vì thế, giá trị truyền thống gia đình là sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, là động lực để xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Đọc thêm