Chuyện ít biết về Miếu Ông - Miếu Bà ở chợ tình Khâu Vai

(PLVN) -  Cứ vào những ngày cuối của tháng 3 âm lịch hàng năm, khi cây ngô đang mơn mởn xanh trên các sườn núi cũng là lúc các chàng trai, cô gái Tày, Nùng, Giáy… dập dìu xiêm y đến chợ tình Khâu Vai. Ít ai biết, trước khi tới chợ tình Khâu Vai, muốn kết dây tơ hồng, các chàng trai, cô gái đều tới cầu duyên tại Miếu Ông, Miếu Bà linh thiêng.
Các chàng trai, cô gái cùng tâm sự và vui chơi tại chợ tình Khâu Vai.

Ngôi miếu được xây từ chuyện tình dang dở

Theo tiếng địa phương, Khâu Vai có nghĩa là song mây, hàm ý về tình cảm của đôi trai gái gắn bó, quấn quýt như cây song, cây mây trên các ngọn núi quanh vùng. Bắt nguồn từ sự tích chợ tình Khâu Vai, gắn với chuyện tình lãng mạn giữa nàng Út và chàng Ba yêu nhau say đắm nhưng không lấy được nhau vì đường đời trắc trở.

Chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khâu Vai, khôi ngô, tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nhà nghèo. Nàng Út xinh đẹp, là con một tộc trưởng người Giáy. Chuyện tình của họ đẹp như hoa đào nở rộ trên triền núi. Nhưng rồi một ngày, chuyện tình đang đẹp ấy bất chợt tan vỡ bởi sự cấm của gia đình nàng Út vì chàng trai nghèo và khác dân tộc.

Tuy hai người đã cùng nhau trốn lên hang núi Khâu Vai sinh sống nhưng họ vẫn không thể đến được bên nhau khi gia đình, họ tộc hai nhà mang gậy gộc, súng kíp, cung nỏ sang nhà nhau, đâm chém nhau, máu chảy, lệ rơi. Thương cha, thương mẹ, thương bản làng, hai người đành chia tay nhau trong đau xót, thề nguyền kiếp sau sẽ trở thành vợ chồng. Họ hẹn nhau hằng năm vào ngày chia tay này sẽ trở lại núi Khâu Vai để gặp lại nhau. Ngày họ chia tay là ngày 27 tháng 3 âm lịch, nên từ đó người dân địa phương lấy ngày này là ngày họp chợ tình hàng năm.

Và chính nơi đây - nơi họ khuất núi - được dân bản dựng lên đôi miếu thờ, nay được gọi là Miếu Ông và Miếu Bà. Cũng theo truyền thuyết, Miếu Ông, Miếu Bà đều rất linh thiêng, nhất là đối với tình yêu đôi lứa, khi những đôi trai gái gặp trắc trở đường tình duyên chỉ cần đến thắp hương cầu nguyện là mọi việc có thể được trở nên thuận buồm, xuôi gió.

Tại Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà của các gia tộc vào ngày diễn ra chợ tình, đồ lễ được chuẩn bị đặc trưng với con số 27, như: Lợn 27kg, gà 27kg, xôi 27 bò... đều được thể hiện trên con số 27 có sức mạnh kỳ diệu với những nguồn gốc truyền thuyết sâu sắc. Đó là 7 sao và cây gươm 7 sao dùng trong nghi lễ đạo Lão, tượng trưng cho sức mạnh đẩy lùi ma quỷ trong một sự bài trí 7 món đồ vật được ban cho một sức mạnh kỳ bí và một cảm giác của sự bất khả xâm phạm. Số hai tượng trưng là một cặp, một đôi, một con số hạnh phúc (song hỷ) và điều hành thuận lợi cho những sự kiện, như cưới hỏi, hội hè. Số hai tượng trưng sự cân bằng âm - dương kết hợp tạo thành thái lưu hay là nguồn gốc của vạn vật.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải chỉ có ngày chợ tình Khâu Vai, người dân Khâu Vai mới tổ chức Lễ dâng hương. Hằng năm, cứ vào những ngày mùng 2 Tết Nguyên đán, mùng 2.2 và 2.8 âm lịch, tất cả các hộ dân sinh sống xung quanh khu vực chợ tình, không ai bảo ai, họ tự nguyện rủ nhau làm những mâm cỗ đem đến dâng hương tại Miếu Ông, Miếu Bà để cúng tổ tiên và cầu may. Mâm cỗ chủ yếu gồm các món xôi, gà, thịt lợn, đĩa trứng tráng, canh xương, canh miến và hoa quả... Thông thường, khi tổ chức làm các mâm lễ cúng được diễn ra bắt đầu vào 14 giờ chiều hôm đó đến khi thầy cúng hoàn thành các thủ tục, tất cả người dân trong xóm tập trung lại ngay dưới sân thờ cúng Miếu Ông để thưởng thức các món ăn do mình nấu. Họ vui vẻ, sảng khoái, chúc tụng nhau từng chén rượu ngô, tay nắm tay tâm sự chan chứa tình cảm.

Người dân thôn Khâu Vai dâng lễ tại Miếu Ông, Miếu Bà. (Ảnh: Hoàng Tuyến - Bình Nguyên)

Lễ dâng hương và xơi cỗ thường diễn ra hết một buổi chiều. Chỉ khi ánh mặt trời đã xuống núi, màn đêm buông xuống thì bắt đầu tan cuộc. Mọi người trở về gia đình mang theo niềm tin, hy vọng về một ngày mới tràn đầy sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc..

Phiên chợ chất chứa nỗi nhớ thương, giận hờn

Trước đây người đến chợ không nhiều, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, họ yêu nhau nhưng không lấy được nhau vì những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, những tập tục lạc hậu. Tuy mỗi người đã có một mái ấm gia đình, có người đã thành ông, thành bà, xa nhau 3 năm, 5 năm, 10 năm hoặc vài chục năm, nhớ nhau đến chợ gặp nhau tâm sự, kể cho nhau nghe về những vui buồn của mình, gia đình, sự trưởng thành của con cháu. Họ hát cho nhau nghe những làn điệu dân ca quen thuộc như muốn gửi gắm tình thương, nỗi nhớ và giận hờn vào câu hát.

Tập quán xã hội và tín ngưỡng chợ tình Khâu Vai hay còn gọi chợ Phong Lưu tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người đến chợ chủ yếu là các cặp tình nhân các dân tộc: Tày, Nùng, Giáy từ các xã Nậm Ban, Niêm Sơn, Tát Ngà, Lũng Pù, Sơn Vĩ, Thượng Phùng, từ các xã của huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) sang. Từ chiều 26/3 âm lịch, trên các nẻo đường chênh vênh uốn lượn, dòng người bắt đầu rộn ràng xuống chợ. Có những người ở xa, cách chợ tình đến vài quả núi vẫn không quản ngại. Chân họ vượt núi cao, lô nhô đá tai mèo để tìm về bến đợi yêu thương. Cả khu chợ như khoác lên mình chiếc áo rực rỡ sắc màu của các cô gái dân tộc xúng xính trong trang phục thổ cẩm truyền thống, cùng nét mặt hớn hở của các chàng trai.

Những người ở bản xa đến chợ từ chiều hôm trước, họ tìm đến ngủ trọ ở nhà người quen ở gần chợ, đôi bạn tìm thấy nhau có thể ngồi tâm sự với nhau suốt đêm 26, cả ngày 27/3, họ mời nhau uống rượu, ăn cơm nắm, cơm lam, mèn mén, thắng cố, tậu chúa, lẩu dê, thịt bò khô, thịt lợn hun khói, lạp sườn, rượu ngô mà họ chuẩn bị chu đáo trước khi tới chợ. Họ cùng nhau cưỡi ngựa “Về với người xưa trên cung đường tình yêu” cùng trò chơi dân gian: tung còn, đánh yến, đẩy gậy.

Đêm xuống, chợ tình trở nên thơ mộng bởi những điệu hát phưn, hát lượn, tiếng khèn Mông gọi bạn tình da diết. Những chàng trai chuyện trò, đợi bạn bên bát rượu ngô chếnh choáng; các cô gái sặc sỡ váy hoa, thẹn thùng, e ấp. Những ánh mắt kiếm tìm mải miết, vẫn nghe tiếng kèn lá nỉ non hòa trong tiếng gió vi vu, vẫn thấy khoảnh khắc ấm áp, hạnh phúc của những đôi lứa gặp lại nhau sau bao ngày xa cách.

Trong dòng người tấp nập, có cả những gương mặt đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, vẫn đều đặn đi chợ tình để gặp lại người xưa, để cùng nhau trò chuyện đến khi mặt trời lên cao sau dãy núi, để hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Điều thú vị của chợ tình Khâu Vai, có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ. Đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng. Họ không ghen tuông, không bực bội mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình. Họ coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời. Tình cảm của họ đối với “bạn tình” hoàn toàn trong sáng. Nhưng sự cho phép đó, những phút giây “ngoài chồng, ngoài vợ” đó chỉ có và được phép diễn ra trong ngày chợ, trọn vẹn hết ngày 27/3 âm lịch mà thôi. “Cửa lòng” phải đóng lại, mọi hành vi tương tự đều bị coi là vi phạm luật tục và pháp luật, đều có thể bị trừng phạt tùy theo mức độ vi phạm.

Chiều ngày 27/3 chợ tan, đôi bạn tình bịn rịn chia tay hẹn gặp lại vào phiên chợ năm sau. Và như thế, nét văn hóa sâu sắc ẩn sau phiên chợ tình, là giá trị nhân văn trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

Ngày nay, chợ tình Khâu Vai ở Hà Giang không chỉ là nơi tìm về của trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau mà đã trở thành một không gian hò hẹn của tình yêu, của những tâm hồn đang kiếm tìm hạnh phúc.

Chuyện tình Khâu Vai huyền thoại cũng như Miếu Ông - Miếu Bà linh thiêng đã tạo thêm sức lôi cuốn kỳ lạ về cao nguyên đá Đồng Văn. Và đâu đó bên lưng chừng núi, thoảng nghe lời mời gọi tâm tình “Chàng ơi xuống núi cùng em/Nhớ mang theo ngựa và đi một mình/Em đây tuy chẳng còn xinh/Có ô che nắng chợ tình “Phong lưu”.

Đọc thêm