Có một “cuộc sống Suối Hoa”
Theo ông Trịnh Lữ, bố ông là họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông lập gia đình với hai người vợ và mở xưởng gỗ nội thất mang thương hiệu MÉMO để mưu sinh (chính thương hiệu gỗ nội thất này đã làm nội thất cho căn nhà 48 phố Hàng Ngang nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và viết Bản Tuyên ngôn Độc lập; Lễ đài Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình cũng được thi công bằng gỗ và thợ của xưởng MÉMO).
Với khát khao xây dựng một “cuộc sống Suối Hoa”, hòa hợp với thiên nhiên, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã mua lại mảnh đất ở code 1.000 (độ cao 1.000m so với mực nước biển) từ một doanh nhân và đưa cả gia đình mình lên đó sinh sống, về phần ông vì vướng công việc điều hành xưởng nội thất nên cuối tuần ông lại đạp xe về Ba Vì, để lại xe dưới chân núi rồi đi bộ lên.
Lúc đầu lên núi ở, gia đình họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc dựng tạm căn nhà lá, sau đó căn nhà xây bê tông, gạch, đá, mái lợp ván gỗ thông phủ nhựa đường. “Vào thời điểm năm 1944, thời cuộc không yên, việc xây nhà trên núi cao cực kỳ khó khăn về mọi mặt, phải là người rất quyết tâm và yên thiên nhiên Ba Vì, bố tôi mới có thể vượt qua để dựng nên căn nhà cho gia đình mình”, ông Trịnh Lữ nhớ lại.
Cũng theo ông Trịnh Lữ, tuy sống giữa rừng và được hổ thỉnh thoảng “viếng thăm” để lại những bãi thải nóng hổi ngay vườn rau gần nhà, nhưng bố ông tuyệt đối không dùng súng săn và không cho phép mọi người mang súng săn lên núi. Cuộc sống của gia đình trôi qua êm đềm trên đỉnh Ba Vì với vườn rau, trại gà tự cung tự cấp, nước lấy ngay ở con suối chảy qua trước nhà trong vắt. Hai người vợ của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã lần lượt sinh con ngay chính tại ngôi nhà trên núi này.
“Sang năm 1948, tình hình chiến sự khiến bố tôi phải đưa vợ con trở lại Hà Nội. Vì thế “cuộc sống Suối Hoa” trên đỉnh núi chìm dần vào ký ức thời gian cho đến ngày như một mối duyên tôi cùng cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Vì tìm lại được bức tường đổ nát rêu phong của căn nhà mình đã từng ở tuổi ấu thơ sau rất nhiều lần đi tìm dấu vết xưa. Lần đó, sau 3 tiếng đồng hồ len lỏi trong rừng, chúng tôi gặp một con rắn xanh tuyệt đẹp trên thân cây như đang chăm chú nhìn, đi theo hướng có con rắn, khi từ lòng một con suối cạn bước lên quãng rừng thưa, chúng tôi thấy trong sương mù một góc tường đá rễ cây bao bọc sừng sững ngay trước mắt. Linh tính cho tôi biết mình đã tìm được “Nhà Ba Vì” xưa kia. Mười giờ sáng, sương mù bỗng tan đi, nắng chiếu lấp lánh khiến toàn bộ ngôi nhà hiện ra, như thức dậy cùng cây lá. Trưởng trạm kiểm lâm Đỗ Hữu Thế bảo: “Bây giờ cháu mới biết có phế tích này, cháu sẽ vào sổ ghi chép ngay…” – họa sĩ Trịnh Lữ bồi hồi.
Ước mơ đánh thức “người đẹp ngủ trong rừng”. |
Cách nào để phát huy giá trị phế tích tại Vườn quốc gia Ba Vì?
Đây là những câu hỏi mà các diễn giả đặt ra về kho tài nguyên Ba Vì tại tọa đàm khoa học “Phát huy giá trị phế tích của Vườn quốc gia Ba Vì, Hà Nội” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Tập đoàn Melia tổ chức mới đây với sự tham gia của đại diện Bộ NN và PTNN, Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL; nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, bảo tồn, kiến trúc, cảnh quan, đại diện chính quyền địa phương và Vườn quốc gia Ba Vì.
Núi Ba Vì (Sơn Tây, Hà Nội) không chỉ là khu rừng nguyên sinh nhiệt đới và ôn đới bảo vệ khí quyển và điều hòa khí hậu là lá phổi của vùng Hà Nội mà còn có giá trị rất lớn về văn hóa, lịch sử, đặc biệt là sự tồn tại của khoảng 200 phế tích của một khu đô thị và nghỉ dưỡng do người Pháp xây dựng từ hơn 90 năm trước tại các điểm cao 400m, 600m, 700m, 800m, 1.000m.
Gần thế kỷ dầm mưa dãi nắng, các phế tích rêu phong giữa rừng già xanh ngắt của Vườn Quốc gia Ba Vì ẩn chứa nhiều câu chuyện kỳ thú, bí ẩn. Cũng tại Ba Vì, các công trình văn hóa, tâm linh như Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Vua, Tháp Báo Thiên, Đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên, cùng với các địa danh như Ao Vua, Khoang xanh, K9, Suối Tiên ở chân núi làm cho toàn bộ khu vực này trở thành khu du lịch đa dạng, hấp dẫn cho Thủ đô và vùng Thủ đô.
Chính vì thế, tại tọa đàm, câu chuyện của họa sĩ Trịnh Lữ về một “cuộc sống Suối Hoa” trên đỉnh Ba Vì đã thu hút sự chú ý của rất nhiều đại biểu cùng với suy nghĩ việc phục dựng và phát huy các giá trị phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì sẽ giống như dùng tình yêu để đánh thức “người đẹp ngủ trong rừng”. Song song với vấn đề phục dựng, phát huy phế tích thì việc bảo vệ, tôn tạo để tài nguyên phát triển bền vững và làm tăng giá trị của tài nguyên cũng cần được quan tâm.
Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam thì do thời gian và biến cố lịch sử, các khu nghỉ tại Ba Vì đã bị tàn phá và chỉ còn lại là những phế tích. Bởi vậy, nội dung khoa học về phát huy hiệu quả giá trị các công trình phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì rất cần có sự chung tay của giới quy hoạch và kiến trúc nước nhà, đóng góp cách nghĩ, cách làm, từng bước phục dựng và phát huy giá trị để tạo dựng lại các khu nghỉ mát vùng núi có giá trị cao cho sự nghiệp phát triển du lịch và phục vụ tốt nhất nhu cầu nghỉ mát của người dân.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nêu quan điểm, giải quyết giữa câu chuyện bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng Ba Vì chắc chắn là bài toán khó. Tuy nhiên, trên thế giới đã có lời giải hiệu quả, họ phát triển cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng. Phương thức này cũng đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp cho việc duy trì và bảo vệ di tích.
Ở góc độ pháp lý, vấn đề bảo vệ rừng quốc gia nói chung và rừng quốc gia Ba Vì nói riêng nằm trong nội dung của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó đề cập việc quản lý, bảo vệ và phát triển và sử dụng rừng với tư tưởng đảm bảo phát triển bền vững dựa trên kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ và phát triển với khai thác hợp lý để phát huy hiệu quả tài nguyên rừng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và chủ rừng. Do đó, để khai thác tài nguyên của Vườn Quốc gia Ba Vì, gắn liền bảo vệ rừng, tôn tạo, giữ gìn di sản văn hóa, cảnh quan và phế tích để lại, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm, năng lực, kinh nghiệm và cả đạo đức của nhà đầu tư.
Để phát triển được Vườn Quốc gia Ba Vì đúng luật pháp, đúng tầm và bền vững theo KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cần có 4 yếu tố. Đó là chính sách quản lý, phát triển phù hợp và kịp thời; nhà đầu tư và nhà quản lý khai thác thông minh, có tâm, có tầm, chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm; kiến trúc sư tâm huyết, có tài năng để có đồ án kiến trúc, cảnh quan tương ứng với quỹ tài nguyên đó; sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hội của cộng đồng để phát triển bền vững.
Nhất cao là núi Ba Vì
Dù rằng đỉnh Ba Vì chỉ cao chưa đầy một ngàn ba trăm thước, nhưng trong tâm tưởng người Việt luôn “Nhất cao là núi Ba Vì”. Bởi lẽ, trú ngụ trong danh xưng ấy là cả một kho huyền tích về một vùng đất thiêng gắn với Đức Thánh Tản Viên, một đấng thượng đẳng thần trong quan niệm “tứ bất tử” về bốn vị thần uy linh nhất bào trợ cho dân tộc Việt Nam.
Ngày 16/10/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 17/CT phê duyệt luận chứng kinh tế thành lập khu rừng cấm quốc gia Ba Vì. Ngày 18/12/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 407/CT về việc đổi tên rừng cấm quốc gia Ba Vì thành Vườn Quốc gia Ba Vì. Tháng 5/2003, Vườn Quốc gia Ba Vì được Chính phủ quyết định mở rộng quy hoạch sang tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, tổng diện tích của Vườn là 10.814.6ha thuộc địa giới hành chính của 16 xã thuộc 3 huyện của TP.Hà Nội và 2 huyện của tỉnh Hòa Bình. Mục tiêu của Vườn Quốc gia Ba Vì là trồng, bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, nghiên cứu khoa học kết hợp với tham quan, học tập, du lịch. Vườn Quốc gia Ba Vì trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN và PTNT.