Khám vô sinh, nhận kết quả HIV dương tính
Sau nhiều ngày đắn đo, anh Trần Văn Hạnh (42 tuổi, ngụ Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã đồng ý chia sẻ hoàn cảnh sống chung với “H”. Anh lập gia đình vào đầu năm 2004, khi đó anh là nhân viên một xưởng in ở TP Hồ Chí Minh, vợ là công nhân, trẻ hơn chồng đến hơn chục tuổi.
Cuộc sống tuy không giàu sang nhưng ấm êm, vợ chồng luôn thương yêu nhau. Chỉ có điều, cưới nhau hơn ba năm nhưng mọi nỗ lực để có đứa con sao quá khó khăn. “Tự thân vận động” không được, vợ chồng dắt nhau đi khám chữa vô sinh.
Một ngày cuối tháng 11/2007, vợ chồng Hạnh đến bệnh viện lấy phiếu, làm các thủ tục xét nghiệm như thông thường. Đúng bảy ngày sau, anh một mình chạy xe đến bệnh viện lấy kết quả xét nghiệm vô sinh. Vị bác sĩ trầm giọng nói, ông rất muốn bản xét nghiệm mắc lỗi, anh có thể đến các trung tâm khác xét nghiệm lại. Phải đến lúc bóc gỡ bì thư, anh mới xây xẩm mặt mày nhìn ô kết quả “dương tính” ở mục xét nghiệm HIV.
Tâm trạng rối bời, anh nổ máy lao xe vào làn đường đông nghẹt một cách vô thức, không biết đi về đâu. “Chiều hôm đó trời mưa ngập nửa bánh xe nhưng tôi vẫn chạy. Hồi lâu sau, tôi dừng lại ở một nhà thờ thuộc quận Bình Thạnh”, Hạnh kể lại. Người đàn ông thừa nhận, ngay thời điểm biết mình nhiễm bệnh đã nghĩ đến cái chết như lối thoát duy nhất. Đầu óc anh dồn dập những suy nghĩ tiêu cực.
Bất giác anh nghĩ đến vợ, nghĩ đến bố mẹ. Cùng lúc này, gia đình đoán biết sự việc đã không ngừng gọi điện động viên. Nghị lực và tình thương của người thân đã kịp thời níu chân chàng trai bên bờ tuyệt vọng.
Sống chung với “H”
Những ngày sau đó, Hạnh buồn rượi chẳng buồn nhấc chân khỏi giường. Anh cố an ủi mình: “Có thể kết quả xét nghiệm nhầm lẫn chăng?”, rồi đến ba trung tâm nữa kiểm tra nhưng kết quả không thay đổi, Hạnh càng rơi vào trạng thái hoảng loạn cực độ.
Suốt gần tháng trời anh không dám bước chân khỏi nhà bởi sợ tiếp xúc với mọi người. “Lúc đó tôi rất sợ chết bởi nghe nói nhiễm HIV sẽ chết sớm. Trong giấc mơ cũng thấy mình chết. Thân tôi như đeo án tử hình chỉ còn đợi ngày ra trường bắn”, Hạnh khẽ lắc đầu.
Anh bất mãn từ bỏ tất cả công việc, tự dằn vặt bản thân trong phòng kín, khước từ mọi sự quan tâm. Chính anh cũng không thể biết mình bị lây nhiễm trong hoàn cảnh nào. Có thể là một trong những mối tình chớp nhoáng thời sinh viên?. Nhưng giờ chuyện đó không còn quan trọng.
Chừng gần năm sau, khoảng tháng 8/2008, những triệu chứng bệnh lý bắt đầu phát lộ. Đầu tiên là trận sốt li bì hơn 40 độ trong lúc anh đang thực hiện chuyến hành hương về miền Trung. Tuy vậy Hạnh kiên quyết không bỏ cuộc mà tự mua thuốc hạ sốt uống, mãi hơn một tuần mới tạm ổn định.
Hạnh trầm giọng não nề: “Chưa bao giờ tôi thấy mình yếu đuối đến thế. Ra tắm biển chỉ cần va chạm nhẹ vào đá, ngay hôm sau vết thương sưng mủ bởi sức đề kháng không có”.
Từ thời gian này, anh tự tìm tòi và ý thức ít nhiều về căn bệnh mình đang mang, tự mua thuốc điều trị tại nhà qua những lời chỉ dẫn của chuyên gia, tham khảo sách vở. Nhưng quy trình điều trị chưa phù hợp nên không lâu sau, anh dính thêm trận sốt “thập tử nhất sinh” nữa, lại “dính” thêm bệnh viêm phế quản. Mãi lúc này, Hạnh mới tìm đến một cơ sở từ thiện để được điều trị miễn phí.
Nhờ được can thiệp bằng các biện pháp y tế, sức khoẻ dần ổn định. Trong kí ức người đàn ông này, anh nhớ chính xác cả ngày uống viên thuốc kháng sinh đầu tiên, mở đầu cho quá trình trị liệu căn bệnh HIV dai dẳng suốt đời.
Hạnh niềm nở chia sẻ: “Đó là ngày 16/4/2009, tôi được phát viên kháng vi rút HIV đầu tiên. Sau 10 ngày uống thuốc, cơ thể dị ứng nổi mẩn đỏ như da thịt lợn quay. Tuy nhiên 3 tháng sau, chỉ số CD4 của tôi đã tăng từ 35 lên 569, cơ thể cảm thấy vô cùng khoẻ mạnh”. Để đáp ơn trung tâm từ thiện, Hạnh xin ở lại góp công, hàng ngày đảm nhận công tác chăm sóc những người bệnh ốm yếu hơn mình.
Động lực lớn nhất giúp Hạnh vươn dậy sống chung với “hát” như lời anh bộc bạch chính là người vợ chung thuỷ. Là người đầu tiên biết tin chồng nhiễm bệnh nhưng chị không hề nản chí, không tìm cách trốn chạy, ngược lại quyết chăm chồng đến suốt đời. Hạnh trải lòng, nếu không nhờ vợ kề cận săn sóc, có lẽ anh đã từ giã cuộc đời lâu rồi.
Bận rộn nắm giữ “đường dây nóng”
Trở lại hành trình vượt lên “căn bệnh thế kỉ”, khoảng thời gian công tác tại trung tâm từ thiện đã giúp Hạnh có cái nhìn lạc quan hơn. Hạnh trở thành một trong những thành viên ưu tú của trung tâm. Anh tiếp tục theo học lớp tham vấn viên và được đào tạo kĩ năng chăm sóc người nhiễm bệnh; ngoài ra, còn mạnh dạn tham gia vào các diễn đàn HIV để chia sẻ tâm tư cũng như kinh nghiệm bản thân. Hơn năm nay, anh là thành viên ban điều hành diễn đàn “sống chung với HIV”.
Anh thường trải lòng với những người cùng hoàn cảnh: Trước tiên cần giữ tinh thần lạc quan, giàu niềm tin vào cuộc sống. Bị nhiễm HIV không hẳn tất cả đã chấm dứt.
Khoa học đã chứng minh, nếu điều trị đúng phương pháp có thể kéo dài tuổi thọ thêm hàng chục năm, không hề thua kém tuổi thọ người bình thường. Người bệnh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tuân thủ tuyệt đối phác đồ trị liệu do bác sĩ vạch ra.
Đặc biệt cần tạo nếp sống lành mạnh, từ bỏ quan điểm bi quan bất cần đời, quan hệ tình dục bừa bãi. Bằng kiến thức chuyên môn và thực tế bản thân, Hạnh khuyên những ai đang mang HIV phải biết cất giữ “của để dành”, chính là phác đồ điều trị: “Một khi điều trị đúng cách, thời gian duy trì mỗi phác đồ sẽ kéo dài hơn. Tức tuổi thọ người nhiễm HIV tăng lên đồng thời tiết kiệm chi phí đáng kể”.
Cuộc trò chuyện của tôi với anh thường xuyên bị gián đoạn bởi chuông điện thoại của Hạnh reo liên hồi. Anh cho biết đó là những bạn trẻ gọi đến “đường dây nóng” của diễn đàn để “cầu cứu” vì nghi ngờ bị lây nhiễm.
Thậm chí nhiều người không hề có nguy cơ nhưng vẫn liên tục gọi điện đòi tư vấn bằng được. Thành viên diễn đàn vẫn gọi vui đấy là “khủng bố” qua điện thoại. Anh cười, tự tin cho biết hiện tại cuộc sống vô cùng hạnh phúc với người vợ thuỷ chung nguyện sẽ cùng chồng “sống chung với HIV” trọn đời.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)