Chuyện ở đỉnh Thất Diệu Sơn

(PLVN) - Trên đỉnh núi Thất Diệu Sơn huyền bí có một ngôi miếu thiêng phụng thờ thần Bạch Kê (Gà Trắng). Truyền thuyết về vị thần ấy gắn liền với nhiều bậc thần nhân thuở sơ khai dựng nước như Hùng Vương, An Dương Vương, thần Kim Quy,… và đặc biệt là tòa Ốc thành Cổ Loa nổi tiếng trong lịch sử

Vị thần trong miếu Bạch Kê

Yên Phụ là một làng Việt cổ nằm ở trung tâm lỵ sở của huyện Yên Phong, xứ Kinh Bắc (nay là Bắc Ninh) từ hơn hai ngàn năm trước. Theo Yên Phong văn phái bi ký, tên gọi cổ xưa của Yên Phong là Yên Phú và tên của Yên Phụ xưa là An Khang hay Yên Khang. Nghĩa của chữ Phụ theo giải nghĩa của Từ nguyên thì phụ là gò đồi, là rộng lớn, và còn có nghĩa là thịnh vượng.

Ôm gọn lấy làng Yên Phụ cổ là 7 ngọn núi thiêng liêng, kỳ bí mang tên Thất Diệu Sơn. Trong sách Mẫn Hiên Thuyết Loại, Cao Bá Quát đã miêu tả “Thất Diệu Sơn là núi đất nối liền nhau, nổi lên bảy cái gò”. Bảy gò đồi ấy mang những cái tên khác nhau: núi Rụp hay núi Đụp, núi Giữa, núi Đồn, núi Đền, núi Chùa, núi Tuần Phiên và núi Đụp Mác. Theo quan niệm dân gian đó là tiêu biểu cho bảy vì tinh tú trong hệ thiên hà còn gọi là thất tinh gồm mặt trời, mặt trăng và 5 ngôi sao: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Miếu Bạch Kê nằm trên đỉnh núi Thất Diệu, bên cạnh Đền Núi (trên Núi Đồn) thuộc địa phận thôn An Ninh ở khu vực trung tâm xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Đây là ngôi miếu cổ, đã bị phá hoại trong thời kỳ chiến tranh và nay được khôi phục lại. Ngôi miếu ấy thờ phụng một vị thần cổ xưa, chính là thần Bạch Kê (Gà Trắng), mà trước kia nhân dân địa phương thường gọi là Bà Chúa Núi. 

 

Có nhiều truyền thuyết lưu lại về vị thần trong ngôi miếu linh thiêng ấy. Ngay cả Đại Việt Sử ký Toàn thư - bộ quốc sử danh tiếng, trong phần Ngoại Kỷ cũng có ghi chép lại câu chuyện về vị thần Bạch Kê (Gà Trắng) này. Chuyện kể rằng bấy giờ An Dương Vương đắp thành ở Việt Thường, rộng nghìn trượng, cuốn tròn như hình con ốc, cho nên gọi là Loa Thành. Thành này cứ đắp xong lại sụt, vua lấy làm lo, mới trai giới khấn trời đất và thần kỳ núi sông, rồi khởi công đắp lại…

Mùa xuân, tháng 3, chợt có thần nhân đến cửa thành, trỏ vào thành, cười mà nói rằng: "Đắp đến bao giờ cho xong!". Vua mời vào điện hỏi, thần nhân trả lời: "Cứ đợi giang sứ đến". Rồi cáo từ đi ngay. Sáng hôm sau, vua ra cửa thành, quả thấy có con rùa vàng bơi trên sông từ phía đông đến, xưng là giang sứ, nói được tiếng người, bàn được việc tương lai. Vua mừng lắm, để vào mâm vàng, đặt mâm lên trên điện. Vua hỏi về nguyên do thành sụp, rùa vàng đáp: "Đó là do tinh khí núi sông vùng này bị con vua trước phụ vào để báo thù nước, nấp ở núi Thất Diệu. Trong núi có con quỷ, đó là người con hát thời trước chôn ở đấy hóa làm quỷ. Cạnh núi có cái quán, chủ quán tên là Ngộ Không, có một đứa con gái và một con gà trắng, đó là dư khí của tinh, phàm người qua lại ngủ đêm ở đấy đều phải chết vì bị quỷ làm hại. Chúng có thể gọi nhau họp đàn lũ, làm cho sụp thành. Nếu giết con gà trắng để trừ tinh khí ấy, thì thành tự nhiên được bền vững. Vua đem rùa vàng đến quán ấy, giả làm người ngủ trọ. Chủ quán nói: "Ngài là quý nhân, xin đi ngay, chớ lưu lại đây mà bị họa". 

Nghe vậy, An Dương Vương mới cười nói: "Sống chết có mệnh, ma quỷ làm gì nổi?". Rồi ngủ lại quán. Đến đêm, nghe tiếng tinh quỷ từ ngoài đến gọi mở cửa, rùa vàng liền quát mắng, quỷ không vào được, đến khi gà gáy thì lũ quỷ tan chạy hết. Rùa vàng xin vua đuổi theo. Tới núi Thất Diệu thì tinh khí biến mất, vua trở về quán. Sáng sớm, chủ quán tưởng vua đã chết rồi, gọi người đến để khâm liệm đem chôn. Thấy vua vẫn vui vẻ cười nói, chủ quán liền sụp lạy nói: "Ngài làm sao được như thế, tất phải là thánh nhân!". Vua xin con gà trắng giết để tế. Gà chết, con gái chủ quán cũng chết theo. Vua liền sai người đào núi, thấy có nhạc khí cổ và xương người, đem đốt thành tro, rải xuống sông, yêu khí mới mất hẳn. Từ đấy, đắp thành không quá nửa tháng thì xong”.

Sách Tân đính Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh thời Lê Sơ còn viết rõ hơn về thần Bạch Kê: “Ở đây có Sơn tinh, chính là linh hồn vốn dòng dõi Hùng Vương trước kia hiện lên báo thù. Linh hồn đó nhập vào con gà trống trắng, khi bị An Dương Vương giết chết thì biến thành con cú vọ: mỏ xanh, mào đỏ, sáu chân, bốn cánh. Con cú vọ này mỏ ngậm phong thư đã cũ”. Khi thần Kim Quy giết được nó thì thấy phong thư đã bị mối mọt đến nửa rồi.

Tuy nhiên, còn có một truyền thuyết khác về vị thần Bạch Kê (Gà Trắng) được lưu truyền phổ biến trong dân gian, và được ghi lại trong thần tích của làng Yên Phụ. Tương truyền về thời vua Hùng có một nàng công chúa vào loại quốc sắc thiên hương, lại đàn ngọt, múa giỏi, hát hay. Công chúa sống chan hoà với đám thị nữ, thường cùng họ đi chơi các danh lam thắng cảnh trong nước và đến đâu cũng tổ chức ca múa vui vẻ, ngợi ca đất nước thanh bình. Công chúa được vua cha vô cùng yêu dấu. Một hôm, công chúa cùng đoàn thị nữ mang đàn, sáo du ngoạn cảnh đẹp Thất Diệu Sơn. Không may, trời nổi cơn phong ba bão táp, công chúa bị cảm mạo qua đời. Tin cấp báo về triều, nhà vua vô cùng thương xót. Vua Hùng sai quan về Thất Diệu Sơn tra xét, rồi truyền dụ an táng công chúa ở đó, cho dân lập miếu thờ.

Miếu Bạch Kê trên đỉnh Thất Diệu Sơn.
Miếu Bạch Kê trên đỉnh Thất Diệu Sơn. 

Công chúa qua đời khi còn ít tuổi nên rất linh thiêng, thường hoá thành "gà mái trắng" (Bạch Kê tinh) trà trộn trong đám quần tiên hội thánh cứu giúp nhân gian. Thời Hùng Duệ vương, công chúa nhiều lần hiển hách âm phù quân tướng nhà Hùng dẹp giặc. Khi quân Thục lấy được nước Lạc Việt xây thành Cổ Loa thì công chúa sai ngàn vạn âm binh phá thành. Sau nhờ thần Kim Quy, vua Thục mới xây xong được thành. Tới khi Thục An Dương Vương ăn thề sẽ tiếp nối, bảo vệ giang sơn nhà Hùng thì ở đây lại có truyền tích: Công chúa cho hàng đàn tiên nữ gánh đất ở Thất Diệu Sơn để đắp Loa thành. Các nàng tiên còn gánh nước giếng "Tiên" ở Thất Diệu Sơn đổ vào hào quanh thành Cổ Loa làm cho hào thêm sâu, thành càng vững chắc, bao lần Triệu Đà tới đánh mà không sao hạ nổi. Nhớ ơn âm phù đánh giặc, vua Thục An Dương Vương ban tặng bà mỹ tự "Mẫu nghi" (Mẹ của nước), quốc đảo, dân cầu đều rất linh ứng.

Trải qua hàng nghìn năm, dân làng Yên Phụ vẫn thờ "Mẫu nghi" cùng với "Cao Sơn Đại vương" làm thành hoàng làng, mọi điều dân cầu đều linh nghiệm. Bức Hoành phi khắc 4 chữ "Mẫu nghi thiên hạ" (Mẹ của nước) tại miếu Bạch Kê nhắc nhở mọi người nhớ ơn người phụ nữ thời Hùng Vương hết lòng vì dân vì nước. Hiện miếu Bạch Kê vẫn còn hai câu đối thờ: “Mẫu nghi chung cổ chiêm như tại/ Tổ quốc thiên thu hữu sở y”. Nghĩa là: “Mẹ nước ngàn xưa trông như còn đó/Non sông muôn thuở có chỗ cậy nhờ”.

Truyền thuyết Gà Trắng hay là cuộc giao tranh giữa các bộ lạc cổ?

Lý giải về truyền thuyết Bạch Kê (Gà Trắng), cố Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng cho rằng khi vua Thục thay thế nhà Hùng, dời đô về đồng bằng, chung quanh đầy đầm vực. Khi Thục Vương xây thành Cổ Loa, thì bị tinh vua cũ – hay là tinh Gà Trắng (Bạch Kê) quấy rối, phá hoại. Gà Trắng sống ở hang núi. Nhờ Rùa Vàng (hay thanh giang sứ) từ Nước hiện lên, giúp vua Thục trừ tinh Gà Trắng, thành Cổ Loa mới xây xong. Rùa Vàng còn dâng móng cho vua Thục lấy làm nỏ thần. Khi Triệu Đà xâm lược Âu Lạc, vua Thục chạy về biển, Rùa Vàng lại hiện lên chỉ rõ đâu là giặc và rước vua về biển làm Nam Hải Vương. Huyền thoại này xây dựng vua Thục thành biểu tượng của nước, người phò tá chính là Rùa Vàng cũng là biểu tượng của thế lực Nước. Thế lực chống đối Thục là Gà Trắng, cũng tức là chim (chim cú) đều ở núi, rõ ràng là biểu tượng của thế lực Núi – Chim.  Quan hệ Hùng – Thục được huyền thoại diễn tả thành quan hệ Núi – Chim (hay gà); Nước – Rùa.

 

Khi bàn về hai bộ lạc người Việt cổ: Âu Việt và Lạc Việt, giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng Tây Vu (Tây Âu) là miền bộ lạc từ nam sông Cà Lồ đến phía Tả Ngạn sông Đuống, trung tâm là Cổ Loa. Biểu tượng của thủ lĩnh miền này (Thục Phán An Dương Vương) là Rùa Vàng (Thần Kim Quy), sau khi trừ tinh Bạch Kê là biểu tượng của con vua cũ, chính là vua Hùng, cũng là biểu tượng của miền bộ lạc Mê Linh (sau tên chữ Hán Việt của biểu tượng đó là Bạch Hạc – đồng đẳng với Bạch Kê).

Còn theo Tiến sĩ Hán Nôm Mai Hồng câu chuyện Bạch Kê (Gà Trắng) lại có liên quan đến truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh vốn rất quen thuộc. Theo ông, chính tại mảnh đất thiêng liêng “long bàn hổ cứ” này đang chứa đựng bao huyền thoại về nền văn hoá văn minh của các thời đại Hùng Vương, Thục An Dương Vương; dấu ấn về cuộc chiến tranh Hùng - Thục nổ ra vào cuối thời Hùng Duệ Vương, khơi nguồn cảm hứng cho truyền thuyết dân gian về cuộc chiến tranh Sơn Tinh và Thuỷ Tinh. Dẫn tới việc thờ các vị thần mang đậm dấu ấn của thời đại ấy như: Đức Vua Bà Ma Vương, Cao Sơn Đại Vương và thần Mẫu Bạch Kê với biểu tượng Mẫu nghi, Khuê nghi, Khôn nghi (mẹ của thiên hạ). Các vị thần này là đại biểu cho Sơn Tinh, đại biểu cho tinh thần của bộ tộc Lạc Việt chống lại thế lực của Thuỷ tộc: Thục An Dương Vương, thần Kim Quy (Rùa Vàng). Từ đó hình thành một trào lưu đối kháng giữa Thất Diệu Sơn và Cổ Loa trong buổi đầu tạo lập nền thống nhất giữa hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt thành nhà nước Âu Lạc với các truyền thuyết về Bạch Kê tinh, truyện kể về các nàng tiên hiện lên từ Thất Diệu Sơn đi đạp đổ thành Cổ Loa. Theo truyền thuyết, về sau lại chính các nàng tiên hiện lên từ Thất Diệu Sơn gánh đất ở đây đắp thành Cổ Loa và gánh nước tại giếng tiên Yên Phụ đổ vào hào quanh thành Ốc trong thời đánh giặc Bắc - đưa tới sự hoà hợp dân tộc tài tình.

Một minh chứng cho truyền thuyết thần Bạch Kê (Gà Trắng) là hóa thân của con gái vua Hùng còn được thể hiện ở hai câu đối trước nghi môn của miếu Bạch Kê mà đến nay vẫn còn. Hai câu đối ấy như sau:  “Thiên thu hỏa điền tiền vương trạch/Bách Việt sơn hà cố quốc ân”. Nghĩa là: “Hỏa điền ngàn năm lộc vua trước/Núi sông Bách Việt ơn nước xưa”. 

Có thể thấy, dù nhìn ở góc độ nào đi chăng nữa, chuyện vua Thục An Dương Vương với truyền thuyết Bạch Kê (Gà Trắng) vẫn luôn mãnh liệt một tinh thần yêu nước, với tầm nhìn xa trông rộng và công lao to lớn của những vị anh hùng buổi đầu dựng nước!

Đọc thêm