Chuyện trường khiếm thính học trực tuyến trong mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việc học trực tuyến do ảnh hưởng dịch bệnh vốn đã khó khăn. Với cô trò trường Khiếm thính Lâm Đồng, vất vả khi học online càng tăng gấp bội.
Cô giáo Mỹ Phương đang giảng bài trực tuyến.
Cô giáo Mỹ Phương đang giảng bài trực tuyến.

Những học sinh đặc biệt

Đã hơn 6 tháng, quán cà phê “Lặng” đóng cửa do dịch COVID-19. Quán mở từ năm 2017, nằm trong khuôn viên Trường Khiếm thính Lâm Đồng, do các em khiếm thính tự trang trí, phục vụ khách hàng. Đây cũng là nơi trưng bày những sản phẩm thủ công của các em như: tranh thêu, đồ lưu niệm, bình sen đá, hoa khô,...

Trường Khiếm thính Lâm Đồng hơn 40 năm qua là nơi nuôi dưỡng những học sinh kém may mắn, giúp các em phát triển thể chất, phục hồi chức năng nghe nói, củng cố ngôn ngữ đọc viết, giao tiếp và hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, trường có 16 lớp với 125 học sinh khiếm thính được dẫn dắt bởi 20 cán bộ, giáo viên tâm huyết.

Học sinh của trường là những em mất khả năng nghe, nói, độ tuổi từ 5 đến ngoài 20. Học sinh được xếp lớp theo trình độ, không phụ thuộc lứa tuổi. Mới nhập học, các em bắt đầu từ lớp mầm non, những kí hiệu ban đầu được lồng ghép trong tất cả các tiết học, vừa học ngôn ngữ kí hiệu, vừa học kĩ năng, học tất cả mọi thứ, nói một cách đơn giản là các em học “giao tiếp xã hội”.

Song song với việc dạy văn hóa, trường còn chú trọng đến công tác đào tạo nghề, kết hợp với các nhà tài trợ, đầu tư nhiều trang thiết bị giúp các em tiếp cận nhiều công việc khác nhau như đan, thêu, may, học làm bánh, học pha chế, làm tiểu cảnh, làm hoa khô, học nấu ăn, may quần áo...

Đối với các em khiếm thính, việc học tập hết sức khó khăn, trước hết là trong giao tiếp. Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh đã gắn bó với trường được 31 năm chia sẻ: “Với hoàn cảnh của các em thì việc đến trường đặc biệt khó khăn, không chỉ vấn đề về khiếm khuyết của bản thân, mà còn cả hoàn cảnh gia đình, phần lớn các em đều có gia cảnh nghèo khó”.

Các em học sinh khiếm thính làm đồ trang trí thủ công.

Các em học sinh khiếm thính làm đồ trang trí thủ công.

Gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công của học sinh khiếm thính.

Gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công của học sinh khiếm thính.

Giáo trình đặc biệt

Việc giảng dạy các em khiếm thính mang tính chất đặc thù. Các em bắt buộc phải nhìn cô thì mới hiểu nội dung giáo viên đang trình bày. Mặc dù giáo trình học của các em vẫn đảm bảo tiêu chuẩn của bộ giáo dục nhưng phải cô đọng lại các phần kiến thức một cách tinh gọn, linh hoạt nhất để thuận tiện cho việc giảng dạy. Đặc biệt trong mùa dịch này, các cô và học sinh nhà trường phải đầu tư chuẩn bị giáo án thật nhiều, để đảm bảo các em học sinh nắm chắc các kiến thức cần thiết.

Theo cô Minh, dạy online với học sinh bình thường đã khó, huống chi là học sinh khiếm thính. Hơn nữa, nhiều gia đình không có thiết bị cho con học trực tuyến, 60-70% các em từ vùng sâu, vùng xa, thiết bị mạng không đáp ứng đủ nhu cầu cho học tập. Có trường hợp một nhà cả 3 người con đều học khiếm thính, 3 anh em phải học chung một máy, rất bất tiện.

Những học sinh bình thường, cha mẹ có thể giúp đỡ hướng dẫn con cái trong việc học tập, nhưng với các em khiếm thính, điều này gần như không thể. Các môn học ở trường đều dùng bằng ngôn ngữ kí hiệu, hầu hết phụ huynh đều không biết.

“Trong quá trình dạy online, ngoài môn Toán, một số môn khác như Tiếng Việt, làm Văn,... rất khó để nắm bắt. Giao tiếp với các em khiếm thính chủ yếu phải dùng trực quan, việc không gian bị hạn chế qua màn hình điện thoại, máy tính gây cản trở trong việc trao đổi rất nhiều”, cô Nguyễn Thị Lợi - Phó Hiệu trưởng nhà trường nói.

Để giúp các em hoàn thành bài học, giáo viên phải sắp xếp thời gian linh hoạt, tùy thuộc với điều kiện của mỗi em. Hầu hết các em học không theo giờ giấc như các trường khác, bởi các em phụ thuộc vào bố mẹ, có khi phụ huynh đi làm 7-8 giờ tối về, khi đó mới có thể bắt đầu giờ học. Thậm chí có lúc giáo viên phải gọi điện năn nỉ phụ huynh dành thêm thời gian cho cô trò trao đổi nhiều hơn.

Giáo viên trong trường còn áp dụng cách quay video gửi cho phụ huynh, từ đó các em học sinh làm bài, trả bài và cũng bằng cách quay video nộp về cho cô giáo bộ môn.

Có lẽ phải tận mắt chứng kiến cách thức các cô giáo ở trường Khiếm thính giảng dạy mới biết tinh thần giáo dục của các cô mạnh mẽ dường nào. Không như những giáo viên bình thường, các cô giáo ở trường Khiếm thính chủ yếu dùng kí hiệu tay và khẩu hình để giảng bài.

Cô Hoàng Thị Mỹ Phương (giáo viên dạy toán) vừa hướng dẫn học trò thực hiện phép nhân một cách rất tỉ mỉ vừa tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp sư phạm, mình cũng giảng dạy các em học sinh bình thường, đến năm 2018 thì mình mới xin về trường Khiếm thính giảng dạy”.

“Việc giảng dạy online bằng ngôn ngữ kí hiệu gặp rất nhiều khó khăn, đôi khi mình múa dấu nhanh hay chậm quá thì các em không nhìn kịp, chưa kể nhiều khi mạng của cô hay của các em không ổn định, mình lại phải làm lại cho các em, cái nào các em chưa hiểu thì các em lại nhắn tin cho cô để hỏi lại. Nhiều lúc học sinh không theo dõi được bài, giáo viên lại quay video bài học gửi lại cho các em”, cô Phương cho hay.

“Học sinh khiếm thính đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi, các em không phải là người khuyết tật, các em chỉ khác hơn so với những người bình thường một chút thôi. Học sinh khiếm thính nếu dạy đúng phương pháp, đầu tư đúng, thì các em sẽ phát triển như người bình thường”, cô Minh trăn trở và cho biết cô luôn nhắc nhở các em: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”.

Đọc thêm