Chuyện về chàng rể Tây ở làng Sơn Mỹ

(PLVN) - “Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi. Tôi luôn mong muốn tương lai trẻ em ở Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê nói riêng, trẻ em ở Việt Nam có cuộc sống hòa bình và ổn định”, anh Bruno Cerigvat (SN 1965, quốc tịch Pháp) hiện ngụ thôn Mỹ Lai, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ.
Anh Bruno cùng nhóm trẻ mà anh tình nguyện dạy tiếng Anh miễn phí
Anh Bruno cùng nhóm trẻ mà anh tình nguyện dạy tiếng Anh miễn phí

Dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em

Dáng người dong dỏng cao, trên môi luôn nở nụ cười thân thiện, anh Bruno Cerigvat là người Pháp nhưng nói tiếng Anh rất lưu loát, ngoài ra anh có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Bruno từng nhiều năm phục vụ trong quân đội Pháp, sau khi xuất ngũ, anh làm việc ở TP Lyon. 

Năm 2007, Bruno đến Việt Nam du lịch. Càng đi nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S, anh càng cảm thấy thích thú nên quyết định lưu lại lâu hơn. Rồi, anh tham gia dạy tiếng Pháp tại một trung tâm ngoại ngữ ở TP Hồ Chí Minh. Tại đây, anh gặp chị Nguyễn Kiều Chinh và định mệnh đã gắn kết họ lại với nhau. 

Anh Bruno muốn được là một phần của mảnh đất Tịnh Khê
Anh Bruno muốn được là một phần của mảnh đất Tịnh Khê

Trong thời gian yêu Kiều Chinh, Bruno được trải nghiệm cuộc sống ở làng quê Sơn Mỹ - nơi gia đình chị Kiều Chinh sinh sống. Tiếp xúc và trò chuyện với những người từng mang nặng nỗi đau chiến tranh, anh dần thấu hiểu và mong muốn gắn bó với mảnh đất này. Do vậy, anh quyết định rời nước Pháp để định cư lâu dài ở quê vợ. 

Sinh sống ở đây, Bruno thấy các em học sinh không có điều kiện học tiếng Anh vì xã Tịnh Khê chưa có trung tâm ngoại ngữ. Khi gặp người nước ngoài, các em lại rụt rè, nhút nhát, bằng chứng là nhiều lần khi thấy anh, các em đều né tránh. Vì vậy, thông qua các thầy cô ở Trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê, anh thành lập CLB Tiếng Anh Bruno để dạy miễn phí cho các em. 

Các em học sinh Tịnh Khê ríu rít bên "thầy giáo" Bruno
Các em học sinh Tịnh Khê ríu rít bên "thầy giáo" Bruno 

CLB Tiếng Anh Bruno vừa được tổ chức tại nhà cô Cao Thị Bích Lựu (giáo viên Trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê) vừa được tổ chức tại sân Trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê. Giáo trình mà Bruno mang theo chỉ vỏn vẹn hộp nhạc và tờ giấy ghi vắn tắt một số từ vựng. Sau khi được anh dạy từ vựng, ngữ pháp tại nhà cô Lựu, các em sẽ đến sân trường nghe những bài nhạc tiếng Anh vui tươi, chơi những trò chơi trực quan sinh động, nhằm tạo ra tính tương tác mạnh trong việc giao tiếp giữa thầy với trò để phát triển kỹ năng nghe nói tiếng Anh. 

Đến nay, sau gần 9 năm CLB ra đời, Bruno đã tổ chức riêng làm 3 lớp với các khối 3, 4, 5, mỗi lớp khoảng 20 học sinh. Lớp 3 dạy vào thứ 4, lớp 4 dạy vào thứ 6 và lớp 5 dạy vào chủ nhật. Tất cả các lớp đều dạy vào buổi chiều. Nhờ tham gia CLB Tiếng Anh Bruno, nhiều em học sinh đã đạt giải cao tại các cuộc thi cấp trường, cấp thành phố. Tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất đối với các em là được giao tiếp với người bản ngữ, góp phần nâng cao các kỹ năng trong giao tiếp, giúp các em tự tin thể hiện bản thân khi nói chuyện với người nước ngoài. 

Sau những giờ phút bận rộn với công việc, anh Bruno thư thả chơi đàn
Sau những giờ phút bận rộn với công việc, anh Bruno thư thả chơi đàn

Bên cạnh đó, Bruno còn tham gia luyện tiếng Anh miễn phí cho trẻ em ở Nhà thiếu nhi TP Quảng Ngãi, các trường mầm non trong những buổi sinh hoạt. Hàng năm, anh còn tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ở bãi biển, trồng và chăm sóc cây xanh trên địa bàn. Bruno còn là tình nguyện viên tích cực của các CLB thiện nguyện của nhiều trường học ở tỉnh Quảng Ngãi. Anh thường xuyên cùng các nhóm bạn trẻ ở Quảng Ngãi tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghèo vùng cao, gia đình thương binh, liệt sĩ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

“Tôi muốn được là một phần của mảnh đất này”

Tại mảnh đất Sơn Mỹ này, vào một buổi sáng tháng 3/1968, khi các mẹ, các chị xôn xao gọi nhau ra đồng, trẻ thơ chuẩn bị cắp sách đến trường thì từng loạt pháo từ các nơi đổ về làm rung chuyển đất trời. Chỉ trong nháy mắt đã có 504 người bị sát hại, hầu hết là trẻ em, người già và phụ nữ, trong đó có 24 gia đình không còn một ai sống sót. Nỗi đau Sơn Mỹ đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành sự kiện quốc tế, gây chấn động dư luận thế giới và lương tri nhân loại. 

Thời gian trôi qua, màu xanh của sự sống đã đâm chồi, nảy lộc trên những bờ tre, góc xóm vấy máu năm xưa. Người dân Sơn Mỹ đã tươi cười vẫy tay, nói “hello” với du khách quốc tế ghé thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ. Tình người, tấm lòng vị tha, bao dung luôn thường trực trong tim mỗi người dân nơi đây.

Bà Cao Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ cho biết: "Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, Khu chứng tích Sơn Mỹ đón rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, trong đó có cả những cựu chiến binh đến từ nước Mỹ xa xôi. Tất cả họ đều thinh lặng trước nỗi đau quá lớn của người dân Sơn Mỹ.

Đối với người dân Tịnh Khê và các cán bộ Khu chứng tích Sơn Mỹ, anh Bruno là người bạn rất gần gũi, thân thiết. Ngoài việc dạy tiếng Anh cho trẻ em, hàng ngày Bruno đều dành một khoảng thời gian đến Khu chứng tích Sơn Mỹ để làm tình nguyện viên thuyết minh cho khách nước ngoài về nỗi đau chiến tranh và khát vọng hòa bình.

Lần đầu tiên về quê vợ, Bruno được chị Kiều Chinh đưa đến thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ. Tại đây, anh thật sự sốc khi nhìn thấy tên nạn nhân cứ nối đuôi nhau, hầu hết là người già và trẻ em. Rồi, thông qua những tấm ảnh, anh cảm nhận được sự hồi sinh, vươn lên mạnh mẽ của một làng quê Sơn Mỹ thanh bình sau những biến cố đau thương. Từ đó, anh bắt đầu tìm đọc các bài báo, tư liệu về vụ thảm sát này và tình nguyện thuyết minh cho khách du lịch nước ngoài khi họ cần trợ giúp.

“Tôi rất khâm phục khả năng vượt qua gian khổ của người dân Việt Nam. Vết thương chiến tranh của người dân Tịnh Khê là quá lớn nhưng họ sẵn sàng tha thứ bởi họ yêu hòa bình. Thấu hiểu được điều đó nên thông qua việc thuyết minh cho khách nước ngoài về Khu chứng tích Sơn Mỹ, tôi muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế về mảnh đất anh hùng và con người thân thiện, yêu hòa bình nơi đây. Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi. Tôi luôn mong muốn tương lai trẻ em ở xã Tịnh Khê, trẻ em ở TP Quảng Ngãi, trẻ em ở Việt Nam có cuộc sống hòa bình và ổn định”, anh Bruno chia sẻ.

Cuối cuộc chuyện trò với tôi, Bruno lấy cây ghita vừa chơi vừa ngâm những câu thơ trong trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ” của nhà thơ Thanh Thảo: “Sơn Mỹ ơi!/ Hãy nắm tay nhau mãi mãi dưới Mặt Trời/ Cùng băng tới như dòng sông gặp biển/ Cùng vàng rực cánh đồng mùa lúa chín/ Bản đồng ca no ấm của mọi người”, rồi bảo: “Tôi rất vui khi đóng góp một phần kiến thức, công sức của mình cho Tịnh Khê. Tôi muốn được là một phần của mảnh đất này”.

Đọc thêm