Bà Trần Thị Trác (76 tuổi), khi ấy là nữ dân quân cùng bộ đội trên đảo tham gia bảo vệ an ninh trật tự trong buổi đón Bác, rưng rưng kể lại: “Tôi nghe tin Bác ra thăm đảo ngày 9/5/1961, rất phấn khởi, lúc nào cũng mong Bác đến để mình được gặp mặt. Thời gian Bác ở đây rất ngắn nhưng ai ai cũng vui mừng. Người đi thăm đồng muối, ruộng khoai cùng nông dân, tới thăm hỏi gia đình thuyền chài. Người dặn dò từng ngư dân, chiến sĩ”.
Lời Người vẫn văng vẳng: “Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo, mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”. Xúc động nghẹn ngào, dân đảo xin phép được dựng tượng Bác và Người đã đồng ý. Cô Tô vinh dự trở thành nơi duy nhất được đặt tượng Bác Hồ khi người còn sống, trở thành biểu tượng, điểm tựa tinh thần cho người dân đảo trước sóng gió biên cương.
Đền thờ Hồ Chủ tịch |
Bà Trác lúc nào cũng nghĩ đến tình cảm ấy nên làm gì cũng nhớ đến Bác. “Mình không có đi đâu hết, cứ yên tâm ở đây bám đảo, vì có tượng Bác ở đây”, bà Trác phấn khởi chia sẻ.
Năm 1968, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế và đồng nghiệp dựng tượng Bác bán thân bằng thạch cao. Đến năm 1976, tượng được thay bằng tượng toàn thân với chất liệu bê tông cốt thép. Đến năm 1996, nhân kỷ niệm 106 năm sinh nhật Người, tượng được thay bằng tượng đá granit cho tới ngày nay. Hình ảnh Người giơ tay vẫy chào, lưng tựa vào núi với trang phục bộ quần áo kaki và đôi dép cao su, mắt hướng ra biển Đông ở Cô Tô được coi là tượng Bác đẹp nhất vùng Đông Bắc.
Phía sau tượng Bác là tấm bia ghi lại địa điểm máy bay Bác đáp xuống Cô Tô. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của khu di tích, năm 2005, nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Khu mỏ Quảng Ninh, khu đền thờ Bác Hồ đã được xây dựng trong khuôn viên theo lối kiến trúc truyền thống, giản dị để cán bộ, nhân dân và du khách đến Cô Tô có thể tới dâng hương tưởng niệm Bác.
Cách Khu tượng đài Bác không xa là Nhà lưu niệm Hồ Chủ Tịch, nơi Bác từng gặp gỡ cán bộ Cô Tô năm xưa. Nhà lưu niệm trưng bày hiện vật, hình ảnh Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm đảo cùng với những hình ảnh về thành tựu chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa... của quân dân trên đảo.
Nhà lưư niệm được xây 5 gian cấp 4, lợp ngói. Gian giữa đặt tượng bán thân Bác, tượng được đặt trên bục, khung xếp ly vải đỏ, hàng chữ tráng nổi nền đỏ: Không có gì quý hơn độc lập tự do, bên dưới đặt đỉnh hương. Khu di tích lịch sử Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 2000 m2, là một quần thể những dấu tích lưu niệm về Bác Hồ khi Người đến thăm đồng bào và chiến sĩ nơi đây. Đây là điểm tham quan thu hút đông đảo khách du lịch và người dân đến dâng hương, tưởng nhớ về Người trước khi thực hiện hành trình khám phá du lịch trên đảo.
Hình ảnh quý giá của Bác Hồ khi Người về thăm Cô Tô |
Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Trần Như Long cho biết, giờ đây, đến Cô Tô, Khu di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch thuộc hệ thống Di tích lịch sử đã được xếp hạng di tích lịch sử,văn hóa cấp quốc gia năm 1997, với tượng Bác, đền thờ, nhà bia, nhà lưu niệm, là điểm tham quan không thể thiếu đối với người dân và du khách trong và ngoài nước. Công trình này đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, nơi thăm viếng đầy tôn kính để mỗi người Cô Tô dặn lòng mình học tập theo tấm gương, phong cách của Người. Ngày sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh và những ngày lễ lớn, bà con đều ra thắp hương tưởng nhớ, mọi người khi đi qua cũng bỏ mũ, nón kính cẩn chào Bác.
Khắc ghi lời Bác, Cô Tô ngày nay đã vươn mình trên sóng, trở thành huyện đảo về đích nông thôn mới đầu tiên của cả nước, điểm đến du lịch biển đảo hàng đầu của miền Bắc. Cô Tô không chỉ có sóng biển mà còn có sóng wifi, không chỉ có tàu cá mà còn có tàu du lịch, những nhà hàng, khách sạn, homestay, mọc lên san sát. Cùng với nông dân, ngư dân là du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước, với những dự án đô thị sinh thái biển. Người dân trên đảo Cô Tô ra sức thi đua hăng say lao động sản xuất, cùng các chiến sĩ bộ đội cụ Hồ ngày đêm chắc tay súng, bảo vệ bình yên vùng biển Đông Bắc thiêng liêng của Tổ quốc.