Chuyện về Huyền Thiên Trấn Vũ xây thành Cổ Loa

(PLVN) - Các nghi lễ rước vua, rước chúa cũng như chém ma gà… đã trở thành nét thu hút riêng biệt của lễ hội đền Sài (Đông Anh, TP. Hà Nội), phần nào khiến người từ phương xa cảm thấy vô lý và kỳ lạ khi tận mắt chứng kiến những điều này. 
Đền Sài nơi lưu giữ lễ hội về Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ độc đáo
Đền Sài nơi lưu giữ lễ hội về Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ độc đáo

Cứ vào ngày 11 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm, dân làng Thụy Lôi, huyện Đông Anh (Hà Nội) tổ chức lễ hội Đền Sài để tưởng nhớ Vua An Dương Vương và vị thần Huyền Thiên Trấn Vũ đã xây thành Cổ Loa năm xưa. Người dân nơi đây vẫn tin vào sự hiển linh của Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ.

Từ truyền thuyết về vị thần phương Bắc…

Cũng như nhiều huyền thoại khác, truyền thuyết về một vị thần phương Bắc là Huyền Thiên Trấn Vũ cũng có rất nhiều dị bản. 

Tuy nhiên, các truyền thuyết đều thống nhất rằng, Huyền Vũ xuất hiện vào khoảng đời nhà Tuỳ ở Trung Quốc, tương ứng với khi Đạo giáo phát triển hệ thống thần điện của mình. Đến khoảng năm Nguyên Phong đời Tống thì đổi thành Chân Vũ và tên này được giữ nguyên tại Trung Quốc cho đến nay.

Một trong những sự tích đầu tiên cổ đại nhất ghi chép lại nói, Huyền Vũ mới đầu là một thánh thú sinh ra ở Sơn Hải Giới vào thời đại viễn cổ niết bàn khai thiên lập địa. Sơn Hải Giới được biết đó một thế giới của Thần Ma nơi có rất nhiều dị thú, thần thú và những vị Thần Tiên lớn cũng được sinh ra ở nơi này. 

Sơ khai Huyền Vũ là một sinh vật mang giống như rùa cổ đại, rắn cuốn quanh... Về sau, thần thú hóa thành hình người rồi trở thành một vị Thần lỗi lạc trong chư Thần, trở thành Bắc Đẩu Tinh Quân ở trên Thiên Giới. Tiếp tục gia nhập Tứ Tượng (Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ). Huyền Vũ trở thành một đấng Đế vương trị vì một vùng trời Phương Bắc.

Còn trong tâm thức của nhiều người dân Việt, nhất là ở vùng miền Bắc, Huyền Thiên Trấn Vũ là một vị thần tối cao, có sức mạnh trừ tà sát quỷ, đẩy lùi quân giặc và giữ bình yên cho muôn dân. Chính vì thế, vị thần này được thờ rất nhiều nơi ở Hà Nội như: đền Quán Thánh (Ba Đình), Huyền Thiên Đại Quán (Thụy Lâm - Đông Anh), Huyền Thiên Cổ Quán (Đồng Xuân), đền Trấn Vũ (Thạch Bàn - Long Biên); đền Sài (Đông Anh) ... 

Trong đó, chỉ duy nhất lễ hội đền Sài có nghi thức rước vua, chúa còn sống, cùng nghi lễ chém ma gà. Những nghi lễ này bắt nguồn từ truyền thuyết huyền thoại Bạch Kê tinh trên núi Thất Diệu quấy phá Vua Thục Phán xây thành Cổ Loa vẫn được người dân ở ngôi làng cổ Thụy Lôi lưu giữ. Bấy giờ, Thục Vương đắp thành ở đất Việt Thường rộng nghìn trượng, cuốn tròn như hình con ốc nên gọi Loa Thành.

Thành cứ đắp xong lại đổ, vua lấy làm lo mới trai giới để khấn trời đất và thần sông núi rồi khởi công đắp lại. Vua hỏi nguyên cớ vì sao thành xây lại đổ nhiều lần, Rùa Vàng đáp đó là tinh khí của núi sông vùng này có con quỷ Bạch Kê tinh nấp trong núi Thất Diệu. Sau khi thần Kim Quy trợ giúp vua trừ diệt Bạch Kê Tinh, thành Cổ Loa mới xây xong. Tưởng nhớ công tích đó, nhà vua cho xây đền để thờ Huyền Thiên Trấn Vũ trên đỉnh núi Sái. 

Tới nghi lễ “rước vua giả” có một không hai

Đền Sài là nơi Vua Thục An Dương Vương bái yết Đức Thánh Huyền Thiên. Đôi câu đối tại đền Sài ghi rõ: “Trên đỉnh núi, lầu gác nguy nga, qui hợp lĩnh, thuỵ ứng trời nam sinh Thái Đức. Trước ngũ quan, tướng quan triều bái, hùng bưu quỳ lậy, vang truyền đất Bắc tỏ công thần”. Hàng năm, vua xa giá về đền bái yết.

Sau đó, vua thấy đi lại từ Cổ Loa về đền Sài hao tốn công sức của dân nên cho phép dân làng Thụy Lôi thực hiện việc của thiên tử, xưng quan tước, theo lệ vua mà làm cho quốc thái dân an. Từ đó, làng Thụy Lôi có tục lệ chọn người đóng thế vua, rước vua nên gọi là “rước vua giả” trong lễ hội. 

Những nghi thức trong lễ hội đền Sài được được hình thành có sự liên hệ chặt chẽ với những truyền thuyết, tựa như linh hồn và thể xác. Lễ hội đền Sái được dân Thụy Lôi chuẩn bị rất công phu trong tháng Giêng. Bắt đầu từ mồng 5, dân làng lo sửa đường sá, cầu cống để đón vua về. Mồng 6, dân làng ra đình cắm chỗ dựng dinh cho vua chúa và các quan gọi là lễ dựng dinh.

Mồng 8, dân làng làm làm bánh chưng, bánh giày, bánh tét để làm cỗ thí được gọi là “bánh tiến vua”. Mồng 9, dân làng làm lễ sỉnh sinh tức là làng cho giết trâu, bò, lợn để làm lễ Thánh sau đó khao dân làng và binh lính. Mồng 10, dân làng làm lễ tại đình làng Nhội. 

Nghi lễ rước vua, chúa tại lễ hội đền Sài hàng năm
 Nghi lễ rước vua, chúa tại lễ hội đền Sài hàng năm

Ngày 11, bắt đầu ngày hội chính. Người được chọn đóng vua tự lên Đền Thượng làm lễ tế Đức Thánh Cao Sơn Đại Vương; còn người được chọn đóng chúa lên đền Sái làm lễ thỉnh Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Sau đó, chúa vòng sang Đền Thượng cùng vua làm lễ ướm gươm, chém ba nhát vào tảng đá lớn, tượng trưng cho việc chém đầu gà trắng -Bạch Kê Tinh thuở trước.  

Theo Ths. Nguyễn Thị Hường-Đại học Sư phạm Hà Nội, chi tiết chỉ có Chúa mới tới bái kiến Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ đã gợi cho bà một số suy nghĩ: “Có lẽ, bản chất hành động này đã xác định vị trí của vua độc lập với Huyền Thiên chứ không bị lụy, không chịu khuất phục, vua cảm tạ chứ không hành lễ tế.

Đền thờ Trấn Vũ cũng ở vị trí thấp hơn đề thờ Cao Sơn Đại Vương - một vị thần núi bản địa. Phải chăng đây cũng chính là ngụ ý của dân gian, muốn thể hiện lòng tự tôn cùng vai trò độc lập của mình, bởi dẫu sao, Đức Thánh Trấn cũng vẫn là một vị thần gốc gác từ phương Bắc chứ không phải là vị thần nội sinh”.

Tiếp đó là “lễ mừng tựa, bêu đầu gà” tượng trưng cho Bạch Kê Tinh đã bị tiêu diệt để vua yên tâm xây thành ốc. Công việc chuẩn bị khá công phu. Trước đó, làng phân công cho 4 giáp trong làng chuẩn bị mỗi giáp làm một đầu gà để mang bêu trong lễ mừng tựa.

Đầu gà được làm bằng tre lấy cả phần gốc đẽo thành hình đầu gà, phần dưới sơn trắng toàn bộ, phần trên cùng sơn màu đỏ giả làm mào gà. Cây tre phải được lấy nơi sạch sẽ, gọt đẽo cẩn thận, chau chuốt. Chúa cũng tham gia vào lễ mừng tựa, chúa mặc áo thụng may bằng vải xô màu vàng, thắt lưng, mũ, giày, kiếm cũng màu vàng – màu của Thanh Giang Sứ.

Chiêng trống, kèn nổi lên, chúa diễn xướng bằng bài mừng tựa sau mỗi câu chúa xướng là các quan viên giơ cao đầu gà chạy vòng quanh sân trong tiếng hú, hò reo của người dự hội. Bài mừng tựa không theo một nguyên mẫu chung mà năm nào người được đóng làm chúa thảo ra nhưng nội dung chính là việc chúa diệt Bạch Kê Tinh ở Núi Sái để Vua Thục An Dương Vương xây xong thành Loa. 

Trên tảng đá lớn, chúa làm lễ ướm gươm, chém ba nhát vào tảng đá, tượng trưng cho việc chém đầu gà trắng-Bạch Kê Tinh thuở trước. Sau lễ ướm gươm và mừng tựa, cả đoàn vua, chúa, kiệu, phướn, cờ, quạt… lên đền Sái, bái yết Huyền Thiên Trấn Vũ và làm lễ Thỉnh sinh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người an lành, no ấm.

Sau lễ này, yến tiệc được bày ra để mọi người thụ hưởng lộc. Tiệc tan, chúa vào yết kiến vua theo đúng nghi lễ truyền thống. Chúa phải đi bộ đúng ba vòng quanh đình mới được vào yết kiến.

Lễ bái xong, vua chúa mới được rước trên kiệu. Đám rước đi trong tiếng nhạc của phường bát âm và tiếng chiêng trống trầm hùng trang nghiêm mà vẫn nhộn nhịp tưng bừng. Khi đến cánh đồng Chầu, vua làm lễ bái vọng đức thánh Huyền Thiên trên đền Sái rồi cùng các quan trở về đình. Đình làng trang trí lộng lẫy, cờ xí rợp trời, dinh vua đóng trong sân đình, dinh chúa đặt ngoài đình. 

Vua ngồi trên ngai sơn son thếp vàng đặt trên một sập cao gần chính giữa đình. Thềm đình bên phải là dinh Quan Đề Lĩnh và dinh Quan Tán Lý. Thềm đình bên trái là dinh Quan Thự Vệ. Phía đầu hồi đình bên phải là dinh chúa, phía sau dinh chúa là dinh Quan Trấn Thủ. Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động khác như đấu vật cổ truyền, hát dân ca, thi chọi gà...

Đặc biệt sau lễ rước, “vua” trở về dinh là… nhà mình, ngự trên ngai vàng, bà con làng xóm vui mừng tới dinh “vua” chúc mừng. Theo các cụ cao niên trong làng, những người được phong “vua” phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về đức độ, sức khỏe, tuổi tác (trên 70 tuổi) … 

Phong tục tốt đẹp này và lễ hội rước vua giả được khôi phục từ những năm 80 của thế kỷ XX, đến nay vẫn được UBND xã Thụy Lâm và UBND huyện Đông Anh chỉ đạo tổ chức, duy trì rất đều đặn, đem lại đời sống văn hóa sinh hoạt phong phú, phát huy được giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. 

Đọc thêm