“Trạng nguyên tám tuổi thơm trời Việt”
Tương truyền, vào thời Trần, ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung có một người họ Tống, tên gọi Thiệu Công thuộc dòng dõi thi thư, trong gia đình rất hiếu lễ, ngoài xã hội khoan hoà. Tống Thiệu Công lấy vợ người xã Phù Oanh cùng huyện tên là Đào Thị Cuông, vợ chồng sống rất nhân từ, tu nhân tích đức, hay làm việc thiện và việc làm của họ đã thấu trời xanh, nhà trời đã sai thiên sứ xuống đầu thai.
Đến tuổi lục tuần hai người mới có con. Bà Cuông mang thai hơn 11 tháng đến giờ dần ngày 15 tháng 4 năm Bính Ngọ (556) mới sinh hạ một cậu bé khôi ngô, tuấn tú và đặc biệt trong suốt ba ngày, ba đêm trong nhà luôn tỏa ánh hào quang nên hai cụ đã đặt tên con là Tống Trân.
Tống Trân lớn nhanh như thổi, lên 3 tuổi đã tinh thông hết âm luật. Cha mất, ngài đã cùng mẹ đi cầu thực, cầu tài khắp nơi rồi ngài lấy được người vợ mang tên Cúc Hoa nhân hậu, hiền thảo. Vốn có khí chất thông minh, học một biết mười nên khi 5 tuổi đã trên thông văn, dưới tường địa lí.
Năm Tống Trân lên 7 tuổi, Vua Lý Nam Đế (544-548) mở khoa thi chọn nhân tài và ngày 29 tháng 9, Tống Trân vào kinh ứng thí, cả ba kỳ đều đỗ thủ khoa. Đến ngày mồng 1 tháng 2 đỗ đệ nhất Giáp Cập đệ nhất danh Trạng nguyên và được Vua khen là “Quốc sĩ vô song, tướng tài quả nhị” nghĩa là ” kẻ sĩ cả nước chỉ có một Tống Trân, tướng tài không có người thứ hai”. Mồng 10 tháng 4 vua ban cờ, gấm lụa, vàng cho trạng nguyên về vinh quy bái tổ. Trở về làng bái yết tổ tông, thăm hai bên nội ngoại, khao vọng làng trong một tháng.
Sau 3 tháng Vua cử đi Bắc Quốc, Vua sứ Bắc thấy trạng ít tuổi, tỏ ý khinh thường nên muốn thử tài của trạng nước Nam và Ngài Tống Trân đều đối đáp đâu ra đấy Vua Bắc khen là nhân tài thứ nhất trong 18 nước chư hầu và phong làm “lưỡng quốc trạng nguyên”.
|
Đền Phượng Hoàng - nơi đặt cốt của bà Cúc Hoa |
Vua tàu muốn gả con gái cho trạng nhưng Tống Trân từ chối nên Vua sứ Bắc đã nhốt ngài cùng quân sĩ vào Linh Long 100 ngày không cho thức ăn, nước uống nội bất xuất, ngoại bất nhập và ngài đã lệnh cho quân sĩ ăn tượng phật được làm bằng chè lam, uống nước cúng phật (nước lã).
Sau 100 ngày Vua thấy Trạng và quân sĩ vẫn béo tốt khỏe mạnh Vua Tàu càng phục tài trạng rồi phong cho làm “Phụ quốc thượng tể đẩu nam Tống đại vương”. Bài thơ ở đền Tống Trân có viết:
“Giữa huyện Phù Hoa nổi một gò
An Đô sớm nảy bật cờ Nho
Trạng nguyên tám tuổi thơm trời Việt
Sứ sự mười đông khét đất Ngô”.
Đây chính câu chuyện nổi tiếng trong các văn bản truyện nôm Việt Nam và truyện kể dân gian.
“Trăm năm nhớ tình nàng Cúc Hoa”
Xưa Tống Trân vốn mất cha từ sớm, tám tuổi, chàng phải dắt mẹ đi xin ăn. Một hôm, Tống Trân đưa mẹ tới một ngôi nhà quý phái, Cúc Hoa (con gái nhà này) thương tình đem gạo ra cho và sinh lòng yêu thương Tống Trân. Không cản ngăn được, cha Cúc Hoa đuổi nàng ra khỏi nhà. Cúc Hoa đi theo Tống Trân, lấy chàng làm chồng. Kể từ đó, Cúc Hoa vừa lo phụng dưỡng mẹ chồng, vừa lo cho chồng ăn học.
Trong khi đó, Cúc Hoa ở nhà một dạ nuôi mẹ, chờ chồng. Được 7 năm, cha nàng thấy Tống Trân không về nên ép nàng lấy viên Đình Trưởng trong làng. Cúc Hoa không nghe, bị cha nhốt lại, đánh đập tàn nhẫn và bắt mẹ Tống Trân phải xuống ở trong chuồng trâu.
Quá đau khổ và để thủ tiết với chồng, Cúc Hoa đến núi Sơn Vi định quyên sinh. Thần Sơn Tinh thấu rõ tình cảnh, hóa phép thành mãnh hổ sang nước Tần để đưa thư của Cúc Hoa cho chồng. Tống Trân dâng bức thư ấy lên Vua Tần, Nhà Vua cho chàng về nước trước kỳ hạn.
Bấy giờ, thời gian ba năm ở rể của Đình Trưởng cũng đã hết, cha Cúc Hoa bèn tổ chức đám cưới thật linh đình. Giờ phút cuối, Cúc Hoa định quyên sinh thì Tống Trân xuất hiện, đám cưới tan vỡ. Mẹ con, chồng vợ gặp lại nhau xiết bao mừng tủi, còn cha Cúc Hoa thì bị vạch mặt nhục nhã.
|
Câu chuyện Tống Trân - Cúc Hoa nổi tiếng trong huyền sử |
Quá thương yêu Tống Trân, Công chúa nước Tần xin với vua cha sang nước Việt để gặp chàng. Ra đến biển, thuyền gặp bão lớn, Công chúa bị sóng đánh trôi dạt vào bờ, được hươu nai cứu sống rồi nuôi nấng. Tống Trân đi săn trong rừng gặp Công chúa nước Tần rồi đưa nàng về nhà. Cúc Hoa vui lòng để Tống Trân cưới thêm Công chúa làm vợ thứ.
Câu chuyện cảm động về nghĩa tình vợ chồng Tống Trân – Cúc Hoa đã được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật như phim, đặc biệt là chèo. Tôi có dịp về một số lễ hội tại Phù Cừ, vở chèo này ai cũng thuộc làu làu. Mỗi dịp địa phương lễ hội bà con dân Tống Trân lại đem tác phẩm này đi diễn khắp các lễ hội xa gần cho mọi người cùng thưởng thức. Câu chuyện về sự thủy chung, hiếu nghĩa của Tống Trân và nàng Cúc Hoa nhắc nhở chúng ta về chữ tình trong cuộc sống. Hằng trăm năm sau, hậu thế vẫn nhắc đến như một thiên tình sử bất hủ của dân gian khiến bao thế hệ cảm động.
“Lăng từ thiên tải lữu”
Con đường dẫn vào đền Tống Trân được bao trùm bởi một rừng cây xanh tốt càng làm tăng thêm không gian thoáng đãng và linh thiêng cho ngôi đền. Đền Tống Trân còn có một cái tên gọi khác là (đền thờ lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân).
Là chỗ nghỉ chân của người lao động sau những giờ làm việc ngoài cánh đồng vất vả. Đền nhìn ra cánh đồng làng, bao bọc bởi hào đất tách biệt với khu dân cư nên lại càng làm thêm vẻ u tịch linh thiêng.
Ở Tống Trân có tục xin chữ và rút quẻ. Cũng chính vì danh tiếng linh thiêng của Quan Trạng mà rất nhiều người về đây xin chữ lấy may, cầu mong cho con cháu công danh được tươi sáng và đỗ đạt như Tống Trân khi xưa. Có điều đặc biệt, hậu cung là tượng Tống Trân lúc ông đã về già, làm thầy đồ nổi tiếng. Còn cung giữa chính là tương ngài khi còn trẻ, lúc hiển vinh đỗ đạt làm quan. Sự bài trí Thánh tượng theo nếp thời gian cũng chính là điều đặc biệt của ngôi đền này.
Tại đền vẫn còn lưu giữ rất nhiều câu đối cổ, thể hiện đặc trưng ngôi đền thờ Thánh nhân có tài văn thư như:
“Khoa hoạn ức niên tiền, Phù địa thượng truyền giang mạn bút
Lăng từ thiên tải lữu, An Đô trường ngưỡng quốc châu phê”
Nghĩa là: Khoa cử nhớ năm xưa, đất Phù còn truyền cây bút thần tỏa khắp trên sông.
Lăng miếu lưu nghìn thuở, An Đô mãi ngưỡng việc sắc phong ngọc báu nước nhà.
Cách đền Tống Trân chừng 2km là đền Phượng Hoàng nơi thờ bà Cúc Hoa, tương truyền là một khu đất đẹp, có hình chim phượng hoàng. Đền tọa lạc trên một khu đất thoáng đãng ngay đầu thôn Phù Oanh, xã Minh Tiến, hiện nay đền tọa lạc chính là khu gò mộ của bà Cúc Hoa. Trong hậu cung có ghi chữ: “Chính cốt từ”.
Theo bà con kể lại, xưa đền là ngôi miếu nhỏ, một cô gái họ Lương được bà Cúc Hoa phù trợ nên phát tâm xây đền khang trang. Đến nay, bên trái hậu cung có ban thờ Bà tổ cô họ Lương như một sự ghi nhận ơn đức lập đền, kề cạnh chính Cúc Hoa Thánh Bà.
|
Quần tiên vũ bút sinh tiền sự, bút đá cổ bại đền Tống Trân |
Nơi đây vẫn giữ tục lệ từ xưa, ngày hội của ông Tống Trân, nhân dân thường lên đền Phượng Hoàng rước bà về dự hội. Trước đền có tượng ông mãnh hổ, tương truyền tích bà nhớ thương mà lên núi khóc than chờ chồng đi sứ. Sau mãnh hổ nghệ thấy, cầm phong thư đến cho quan Trạng nơi Bắc Quốc.
Hàng trăm năm sau, hậu thế vẫn nhắc đến câu chuyện Tống Trân như một niềm tự hào vì nước ta có những anh tài lừng lẫy. Không chỉ là bậc toàn tài về chữ nghĩa, ông còn là người trọng tình nghĩa, tạo nên chuyện tình đẹp với bà Cúc Hoa. Lưu truyền trong đời sống dân gian những ý niệm đẹp về nghĩa tình thủy chung, về sự cố gắng, về ước mơ tri thức.