Chuyện về Quốc Tổ Lạc Long Quân ở Bình Đà

(PLVN) - Cách trung tâm Hà Nội 20km, tới Bình Đà (xã Bình Minh của huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) tương truyền có ngôi đền và ngôi mộ của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Chuyện linh dị này vốn dĩ nhiều tranh cãi vì chưa có một công trình khoa học nào cụ thể được công bố về sự tồn tại của mộ Quốc Tổ tại mảnh đất này.
Chuyện về Quốc Tổ Lạc Long Quân ở Bình Đà

Lịch sử Bình Đà cùng bảo vật quốc gia 

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước cùng đất Việt, Bình Đà đã nổi danh là cái nôi của những huyền thoại gắn liền với Quốc Tổ Lạc Long Quân cùng nhiều vị Thánh hiển linh, được tôn thờ qua nhiều thế hệ.

Bình Đà có đền Nội thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân được thờ là Thần Thành hoàng làng. Bia ở đền Nội năm Kỷ Mùi (1919) khắc dòng chữ “Dân thì có tổ tiên, mà có tổ tiên tất có miếu thờ,... Đền làng ta thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân đã có từ lâu đời...”.

Truyền thuyết chép lại chuyện Lạc Long Quân ở Bình Đà như sau: 

Sau khi chia tay với Quốc mẫu Âu cơ, Lạc Long Quân cùng 50 người con còn lại xuôi đường lần ra Nam Hải. Đến đất Bình Đà bây giờ (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, cách biển không xa, sông nước mênh mang, Lạc Long Quân truyền cho các con dừng chân dựng trại, nổi lửa nấu ăn.

Đi dạo khắp vùng một lượt, thấy thế đất nơi đây màu mỡ, sông suối lượn quanh, nhiều thềm đất cao mang dáng long chầu hổ phục, bèn quyết định chọn đất này làm nơi dựng xây cơ nghiệp. Ngày ngày, Lạc Long Quân cùng quần thần văn võ dạy dân trồng dâu nuôi tằm dệt vải, đuổi diệt thú dữ. Lại truyền cho các con lực chọn dân chúng khỏe mạnh, tỏa đi khắp vùng duyên hải khai khẩn đất hoang, lấn biển mở mang bờ cõi... 

Chẳng bao lâu, cả vùng đất với trung tâm là Bảo Cựu cuộc sống dân lành đã trở nên trù phú, mọi thảo khấu trong vùng bị dẹp tan. Ruộng đồng, làng xóm ngày một mở rộng, hình thành nên những làng xóm đầu tiên của châu thổ sông Hồng sau này.

Vào một ngày cuối tháng Hai lịch trăng, trời bỗng nhiên nổi dông gió, sấm chớp lóe sáng cả vùng, Quốc tổ ăn vận trang phục oai phong, lẫm liệt, thân thương nhìn các con cháu và dân làng một lượt rồi hóa trong đêm. Cảm thương và tỏ lòng tri ân với người có công khai hóa vùng đất Bảo Cựu này.

Vua quan cùng dân làng tổ chức lễ tang linh đình, táng ngài tại gò đất cao nhất vùng, lập miếu (nay là Đền Nội Bình Đà) quanh năm thờ phụng.

Điều đáng quý trong đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị. Nổi bật là bức phù điêu trên 1000 năm tuổi, độc nhất vô nhị đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Bức phù điêu tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng của triều đình Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động Giang.

Tục truyền, khi Đinh Tiên Hoàng lên làm vua đã cho xây đền Thượng tại Phong Châu để thờ các vua Hùng với mỹ tự “Hùng Vương sơn nguyên Thánh Tổ”, người đã giao cho Hoàng hậu Đan Gia và Đinh Quốc công Nguyễn Bặc đặc trách, cùng với Bộ Lễ tuyển các thợ giỏi để chế tác bức phù điêu này.

Cùng với đó, khu ao sen, cây quéo cổ thụ, giếng ngọc (có long mạch thông với thủy cung vươn xa về tận đất Thăng Long), nhà bia, miếu ông, gạch hoa văn xây mộ Quốc Tổ là các chứng tích cổ cho sự liêng thiêng của nơi thờ Lạc Long Quân Quốc Tổ.

Còn trong Cổ lôi ngọc phả hiện lưu giữ Đền Hùng (niên hiệu Thái Bình thứ hai - 971) có ghi “Mộ (Lạc Long Quân) táng tại Ba Đống (Ba Gò) đồng thượng Bảo Cựu, hậu cải Bảo Đà”. Đó là dữ liệu duy nhất bằng văn bản hậu thế tin rằng nơi đó là nơi có mộ của Lạc Long Quân.

Mộ của Lạc Long Quân ở Bình Đà

Ngôi mộ được cho là của Quốc tổ được người dân chỉ đường cách đền Nội khoảng 2km. Tương truyền xưa là núi mang tên Tam Thai. Tuy nhiên, do nằm cạnh một nhánh của con sông Hồng nên cứ mùa lũ, sông Hồng lại đem đất, cát bồi vào. Đến giờ núi Tam Thai trong trí nhớ của người xưa chỉ còn là gò đất cao chừng 3-4m.

Nhiều đời người dân cho rằng, khu vực đất ở Ba Gò là nơi bất khả xâm phạm. Là vùng đất thiêng nên các thế hệ sau của làng không ai dám bén mảng tới đào bới gì cả nên khu đất này vẫn hoang sơ cho đến một ngày đặc biệt.

Đó là câu chuyện của 20 năm trước, một người dân trong làng thấy phần đất nghĩa địa tại nghĩa trang đã chật nên tìm đến vùng Ba Gò đào một cái hố để cải táng mộ cha mình. Khi tìm đến đỉnh gò thì đào được một lớp gạch lạ. Và người làng tin rằng đó chính là dấu tích còn lại của khu mộ Quốc tổ Lạc Long Quân.

Tại hội thảo khoa học được tổ chức sau khi tìm thấy viên gạch tại khu Ba Gò, nhiều chuyên gia khảo cổ đã tìm hiểu và xác định viên gạch mà người dân Bình Đà tìm thấy tại khu vực Ba Gò có niên đại trên 2.000 năm. Niên đại này tương ứng với năm 111 trước Công nguyên, là năm nhà Tây Hán đang âm mưu thôn tính nước Việt. 

Dẫu vậy, đến nay khu Ba Gò chỉ còn mỏm đất nhô lên, cao hơn mặt đất chỉ chừng 3m. Mộ được cho của Quốc Tổ Lạc Long Quân nằm ở vị trí cao nhất, nhìn về đền Nội. Điều băn khoăn hơn cả, khu mộ nằm trên khu đất cỏ mọc hoang, hai bền đường cỏ cao đầu gối.

Dưới đó là nhiều những ngôi mộ của người dân chôn cất xung quanh do diện tích nghĩa trang ngày càng thu hẹp. Khu mộ chỉ đặt một nhang hương bằng đá và tấm biển khiêm tốn “Quốc tổ chi mộ”. Sẽ khó nhận ra hoặc nếu ai chưa từng biết về câu chuyện này tin đây là một của Đức Quốc Tổ.

Còn nhiều ý kiến băn khoăn rằng, liệu đây có thực sự là nơi tồn tại mộ của Đức Quốc Tổ Lạc Long. Khi một vị Khai Quốc Thần có ý nghĩa to lớn với huyền sử Việt, cớ sao có thể để mộ của Ngài đìu hiu đến vậy.

Chưa kể, nhiều giả thiết nghi vấn cho rằng, vào thế kỷ XV, có nhiều nhà ghi chép huyền sử và chuyện dân gian cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng ghi lại chuyện sử và chuyện linh dị như Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chích Quái…lại hiếm hoi nhắc đến câu chuyện này.Duy chỉ có Cổ Lôi Ngọc phả chép lại vỏn vẹn “Mộ (Lạc Long Quân) táng tại Ba Đống (Ba Gò)”.

Các tài liệu lịch sử chỉ nhắc đến, đền Nội là nơi thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và sự kiện năm 1032 Vua Lý Thái Tông mở lễ tịch điền tại Bảo Đà (Bình Đà ngày nay) Hiến sắc suy tôn Lạc Long Quân. Bình Đà là một vùng văn hóa cách trung tâm Thăng Long (Hà Nội) chỉ 20 km, nếu đã từng là nơi thác hóa của Quốc Tổ hẳn các nhà sử học, nho sĩ đương thời không thể bỏ qua.

Viên gạch được cho tìm thấy tại Ba Gò có thời gian lịch sử là 2000 năm thời Tây Hán thì chưa thể xác định là nơi chôn cất Lạc Long Quân Quốc Tổ một cách xác đáng nhất.

Có lẽ, còn có nhiều lớp lang huyền tích về Lạc Long Quân và khu thác hóa thi thể của Người tại nơi đây vẫn sẽ là ẩn số. Cần có nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ hơn để tìm ra tường tận thực hư những câu chuyện về Đức Quốc Tổ tại Bình Đà.

Dẫu còn nhiều tranh luận, nhưng từ xưa đến nay nơi đây vẫn là địa phương hiếm hoi có những huyền tích về sự xuất hiện của Lạc Long Quân. Là vùng đất thiêng của những người con đất Việt tìm về cội nguồn. Đặc biệt là nơi có bức phù điêu Đức Quốc Tổ là bảo vật quốc gia.

Đền Nội có từ hàng nghìn năm nay. Người dân Bảo Đà và khách thập phương luôn dành cho ngôi đền sự thành kính nhất tối thượng nhất. Hàng nghìn năm hương hỏa Tổ tiên, cũng chính là giữ gìn lại những dấu tích Thánh thiêng liêng của cha ông để lại để răn dạy hậu thế, che chở cho bách gia trăm họ. 

Đọc thêm