Chuyện vị Đế Sư bị hàm oan và truyền thuyết Mả Nàng

(PLVN) - Đỗ Kính Tu là vị đại thần có công phò tá ba đời vua Lý xây dựng cơ nghiệp. Thế nhưng, chính ông lại phải chịu nỗi oan khiên thấu trời để rồi phải chấp nhận một kết cục vô cùng nghiệt ngã. Nỗi oan ức này còn có liên quan đến một câu chuyện đã lưu truyền trong dân gian từ xa xưa - Truyền thuyết về Mả Nàng…
Di tích Mả Am – Mộ thờ thành hoàng làng Đỗ Kính Tu.

Vị Đế sư được phong quốc tính

Hậu Ái là một làng ven đô, nằm phía Tây thành Thăng Long xưa – ngày nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội. Làng Hậu Ái xưa còn có tên là Nhân Ái, thuộc huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, Trấn Sơn Tây, là một vùng đất cổ nổi tiếng văn vật có từ hàng ngàn năm trước.

Bước vào đình làng, bao trùm lên tất cả là một không gian thiêng liêng, cổ kính, phảng phất màu sắc huyền thoại. Đình làng Hậu Ái chính là nơi thờ Đức thành hoàng Đỗ Kính Tu, một vị đại quan đầu triều nhưng lại phải chịu nhiều oan ức. Người từng được sử thần Phan Huy Chú tiếc thương, là người: “Vỗ về dân xã, dẹp yên giặc giã, dự hàng công lớn mà bỏ mình vì bọn quyền thần tàn bạo”.

Trên tấm bia ghi tiểu sử được đặt nơi mộ thành hoàng Đỗ Kính Tu, có thuật lại rằng ông sinh năm 1172 (Nhâm Thìn) tại làng Hậu Ái, trong một gia đình có truyền thống nho học. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, có trí nhớ tài tình, mẹ bảo gì nhớ đấy, thậm chí còn biết nói chữ với mẹ. Lên năm tuổi mẹ ông cho đi học thầy, lên tám tuổi lại theo nhà sư về chùa học.

Bởi sự ham học, 13 tuổi ông đỗ tú tài kỳ thi hương; 18 tuổi khi triều đình mở khoa thi võ, ông trúng tuyển bậc võ quan; 23 tuổi ông đỗ đầu khoa thi tam giáo được phong Hàn Lâm Viện Đại Học Sỹ. Ông đỗ Thái học sinh thời Lý Anh Tông (1138-1175) và  nhờ lập nhiều công trạng, ông được nhà vua ban quốc tính (họ vua) là Lý Kính Tu.

Năm 1175, cuối đời Lý Anh Tông, Đỗ Kính Tu được thăng chức Lịch điển khu tào, cùng Thái úy Tô Hiến Thành phụ chính trông coi việc nước. 

Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi vào năm 1182, sau khi Tô Hiến Thành mất vua liền “lấy Lý Kính Tu làm Đế sư (thầy của vua), trong thì hầu việc giảng sách, ngoài thì dạy dân trung hiếu…”. Từ đó, ông cùng các vị trung thần chèo chống giữ vững cơ đồ nhà Lý, được phong đến chức Thái bảo phụ quốc, Thái phó, rồi Thái úy.

Trong thần tích của làng Hậu Ái còn ghi lại một sự tích về cuộc nổi dậy của nhân dân vùng Đại Hoàng do Phí Lang khởi xướng năm 1204. Nguyên Phí Lang cũng là quân trong triều đình nhưng do ông từng tâu với vua về tội đục khoét thậm tệ của quan đầu triều Đàm Dĩ Mông, mà vua bỏ ngoài tai, lại thêm bị Đàm Dĩ Mông đàn áp, nên đã cùng dân chúng Đại Hoàng nổi dậy.

Khi Đỗ Kính Tu được vua giao đem quân đến hỏi tội thì Phí Lang mới dám phân trần rõ ràng sự việc. Cảm thông với hoàn cảnh của Phí Lang, Đỗ Kính Tu chỉ giao chiến lấy lệ rồi coi như không thắng được, mà cho rút quân.

Từ đó, uy danh Đỗ Kính Tu càng nức tiếng gần xa, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, văn võ kiêm toàn, có công giúp ba đời vua trị vì đất nước.

Đại Việt Sử ký Toàn thư cũng ghi chép lại: “Năm 1210, mùa đông, tháng 10, vua không khỏe, gọi Đỗ Kính Tu vào nhận mệnh ủy thác”.  Đó chính là sự kiện trước khi vua Lý Cao Tông mất đã triệu ông vào ủy thác trao cố mệnh phò giúp thái tử Sảng, tức vua Lý Huệ Tông sau này.

“Tất cả khu vườn Mả Am (mộ ông Đỗ Kính Tu) là đất của nhà thánh. Xưa kia, những ngày nghỉ là quân lính của ngài thường xuyên luyện tập ở đấy, luyện tập không ngưng nghỉ. Xong lại để đi ra kinh thành làm việc, để đi dẹp loạn chỗ nọ chỗ kia”, ông Thao – người phụ trách trông nom đình Hậu Ái kể lại.

Cái chết oan của người thầy dạy vua 

Tài năng là vậy, nhưng Đỗ Kính Tu lại phải chấp nhận một kết cục vô cùng nghiệt ngã. Theo ông Thao: “Nguyên làng Hậu Ái của ông vốn là vùng đất trũng. Xưa kia, cứ mỗi mùa mưa là cả làng bị ngập, cánh đồng Trầm hơn trăm mẫu đành phải bỏ hoang.

Với lòng nhân ái, trong một lần rút quân về quê nhà, thấy cảnh dân làng Hậu Ái và các vùng xung quanh bị ngập lụt mất mùa triền miên, ông Đỗ Kính Tu liền đứng ra lấy ruộng của dân làng, đào con ngòi thoát nước từ đồng Trầm (Hậu Ái) qua Hòe Thị, Kiều Mai, Thị Cấm đổ ra sông Nhuệ chỉ trong vòng có một đêm.

Nhờ con ngòi đó, Hậu Ái và các vùng xung quanh không bị mất mùa bởi nạn ngập lụt, có thể cấy được hai vụ lúa tốt tươi”. Có người làng lại nói chính ông Đỗ Kính Tu đã lấy hàng chục mẫu ruộng mà vua ban đổi cho điền chủ các làng khác để lấy đất đào mương. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Thỉnh, trong cuốn sách “Địa chí vùng ven Thăng Long”, con ngòi cổ ấy xưa nằm ngay cạnh ngôi chùa của làng Hòe Thị (Hương Đỗ Tự), đến nay vẫn còn dấu tích.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thao, có một điều kỳ lạ rằng: “Những đất mà ông Đỗ Kính Tu đền bù lại ấy, dân làng khác không tài nào canh tác được, trâu xuống không cày được, người cấy lúa thì bị đau tay. Người ta đành phải trả lại, không dám lấy đất ấy về nữa.”.

Lại nói lúc bấy giờ triều chính suy đồi, dân tình đói kém, loạn lạc khắp nơi. Các thế lực đối lập âm mưu chiếm đoạt vương quyền, các bậc trung thần đều bị cô lập. Trong đó, Đỗ Kính Tu là mục tiêu số một mà đám quyền thần muốn loại bỏ.

Mượn cớ ông tổ chức đào mương, chúng đã vu cho ông là đào hào luyện binh âm mưu tạo phản, lợi dụng đường thủy chuyển quân để cướp ngôi vua. Không những thế, chúng còn nhắc lại chuyện Đỗ Kính Tu không dẹp được loạn ở Đại Hoàng để đơm đặt thêm tội. Lý Huệ Tông nhu nhược, bỏ bê triều chính lại bị lũ gian thần che mắt, đã vội khép tội ông và buộc ông phải tự liệu.

Lòng trung thành không thể tự giãi bày, lẽ ngay việc nghĩa không chịu nhục, Đỗ Kính Tu đã tự vẫn tại bãi quần thần sông Hồng (nay thuộc xã Thượng Cát, Hạ Cát) để tỏ rõ tấm lòng trung nghĩa. Được tin ông mất, dân làng Hậu Ái liền đưa thi thể ông về cố hương an táng và tôn ông làm thành hoàng làng.

Xung quanh cái chết của ông Đỗ Kính Tu, còn rất nhiều chuyện li kỳ mà ít ai biết đến. Ông Thao chậm rãi kể: “Theo các cụ cao niên trong làng, sau khi bị vua khép tội, Đỗ Kính Tu liền cưỡi ngựa bạch, cùng một chú lính hầu, ra bến sông Chèm (nay thuộc xã Thượng Cát) tự xử.

Trước khi tuẫn tiết, ông đã có lời khấn, nếu ông đúng tội, cả người và ngựa sẽ rời nhau và bị nước cuốn trôi mất, còn nếu như ông vô tội thì cả người và ngựa sẽ không rời nhau và nổi lên. Ngay khi Đỗ Kính Tu khấn xong, thì mây đen vần vũ, mưa bão cuồn cuộn, ông ung dung thúc ngựa, lao xuống sông tự vẫn.

Nhưng thật lạ, cả người và ngựa ấy đều nổi lên giữa dòng nước xoáy, tất cả vẫn uy nghi như lúc sống. Lúc này trong kinh thành thì mịt mù mây gió, triều đình và dân chúng không hiểu nguyên cớ tại sao, mãi sau mới biết là quan đại thần Đỗ Kính Tu chết oan.

Dân làng Chèm vội vã ra vớt ông lên nhưng không tài nào mang lên nổi. May sao, có một nhà sư mới chỉ cho vua Lý Huệ Tông rằng muốn đưa được ông lên, thì phải dải lụa đào từ bờ sông cho đến tận chân ngựa bạch của ông. Nhà vua phải làm theo mới đưa ông lên được. Đó là câu chuyện xưa được các cụ truyền lại từ đời này đến đời khác!”.

Theo nhà sử học Nguyễn Vinh Phúc, câu chuyện đó là huyền tích nhưng có một cốt lõi thực. Đó là thời kỳ Lý Huệ Tông mới lên ngôi, 17 tuổi ông say đắm cô gái họ Trần ở Tức Mặc, binh quyền ban đầu ở trong tay Đàm Dĩ Mông là một tên quan mọt nước hại dân sau chuyển sang tay Trần Tự Khánh là người có chí cướp ngôi họ Lý về cho họ mình. Ở ngoài dân chúng loạn lạc tơi bời, trong triều bọn quyền gian gầm ghè nhau và hãm hại người hiền. Có thể Đỗ Kính Tu đã bị trừ khử trong thời gian đó.

Truyền thuyết “Mả Nàng”

“Thủy chung nhảy xuống hố sâu

Lời truyền mộ vẫn còn đây Gò Nàng”

Đọc xong hai câu thơ, ông Thao chỉ cho chúng tôi một khoảnh đất nhỏ, gần Mả Am (mộ ông Đỗ Kính Tu), xung quanh  la liệt những ngôi mộ. Dấu hiệu nhận biết địa danh Gò Nàng xưa kia là một gốc cây cổ thụ ngả bóng xuống mặt ao. Trên Gò Nàng hay Mả Nàng ấy chính là ngôi miếu thờ ba bà vợ và tì thiếp của ông Đỗ Kính Tu. Ít ai biết rằng, khoảnh đất nhỏ ấy lại ghi dấu một câu chuyện cảm động giữa vị đại quan đầu triều Đỗ Kính Tu và những người vợ thủy chung tình nghĩa.

Theo ông Thao: “Câu chuyện này trong sách vở không có ghi đến, nhưng theo truyền thuyết từ xưa lưu lại, khi ông Đỗ Kính Tu bị gian thần hãm hại, vua khép tội ông và buộc ông phải tự vẫn. Về nhà, ông liền khuyên các bà vợ rằng họ còn trẻ ông cho họ về để đi lấy chồng khác (tái giá). Còn với người hầu, ông đều cho tiền, cho vàng để về nhà làm ăn. Tất cả hãy để một mình ông đi mà thôi. Thế nhưng tất cả mọi người đều nhất thiết không nghe, và nói: “Ngài chết, chúng tôi chết, chứ cũng không thể sống được!”.

Lúc ấy, ông mới bảo các bà rằng: “Nếu cứ cố không về quê hoặc không tái giá nữa thì hãy cùng chết!”. Không chịu về quê tái giá, ba bà vợ cùng tì thiếp của ông đã sẵn lòng đào hố sâu tự vẫn, tự chôn sống mình. Còn một người hầu kia thì không về, xin đi theo Đỗ Kính Tu đến bến sông Chèm để cùng nhau tử tận”.

Câu chuyện tình xúc động ấy lưu truyền cho mãi về sau. Ông Thao kể: “Mộ các bà xưa kia dân làng gọi là Gò Nàng, bây giờ thì người ta gọi đó là Mả Nàng. Nhưng gọi là Gò Nàng thì hay hơn, đúng hơn, bởi các cụ ngày xưa giỏi chữ nho. Đáng lẽ, khi gọi tên Gò Nàng cần phải kiêng những từ kị húy”. Đường vào Gò Nàng ngày nay vẫn là con đường đất, cây cối um tùm che khuất lối đi. Ấy là vào năm 2003, có một cụ bà đã xin công đức để xây dựng đường vào và tôn tạo xung quanh di tích Gò Nàng.

Ngày nay, người làng Hậu Ái vẫn nhắc đến truyền thuyết “Gò Nàng” như biểu trưng của tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt. Còn tại đình làng, dân làng vẫn treo hai câu đối thờ ông Đỗ Kính Tu của Tiến sĩ Nguyễn Bá Đôn (cũng người thôn Hậu Ái, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Hợi -1851) để tưởng nhớ về một danh thần trung nghĩa: “Thánh địa đốc sinh hiền văn võ tài du vi quốc bảo – Đăng sơn nan vãn nhật anh hùng phá giang lưu”.

Nghĩa là: Nơi thánh địa ắt sinh ra người hiền, mưu tài văn võ là của quý cho đất nước – Trèo lên núi cũng không kéo được mệnh trời buổi chiều trở lại, người anh hùng chỉ còn biết tâm sự với dòng sông.

Đọc thêm