Các nhân viên trên tàu quốc tế như lái tàu, trưởng tàu, nhân viên phục vụ toa tàu từ Việt Nam sang Trung Quốc khi trở về dừng tại ga Lào Cai, đều phải xuống ga đến phòng cách ly để bộ phận kiểm dịch y tế kiểm tra các thủ tục và tiến hành cách ly theo đúng quy định.
|
Ông Lê Hùng Cường - nhân viên lái tàu ga đường sắt Lào Cai |
Ông Lê Hùng Cường, lái chính của những chuyến tàu xuyên biên giới Việt – Trung, tâm sự, gia đình ông đều trong ngành đường sắt, cha ông từng có 30 năm trong nghề lái tàu, nên từ nhỏ ông đã có nhiệt huyết muốn gắn bó với công việc này để gìn giữ lại truyền thống gia đình.
“Nhiệm vụ chính của mình là lái tàu thì mình phải đi vì vậy tôi xung phong đi đợt đầu”, ông Cường chia sẻ. Công việc hằng ngày của cả tổ, phụ thuộc đều đặn vào giờ tàu, trung bình mỗi ngày từ 04 chuyến, chuyến nhập – xuất chạy sáng chiều xuất phát từ ga Lào Cai, vượt biên giới sang ga Sơn Yêu cách 09 cây số tại Hà Khẩu- Trung Quốc và ngược lại.
|
Bốn nhân viên trong chuyến tàu hàng đầu tiên xuyên biên giới Việt Trung sinh hoạt tại khu vực cách ly |
Bốn anh em chú cháu nhận nhiệm vụ được hơn chục hôm, đợt đầu xung phong đi 15 ngày, luân phiên đến tổ khác thay, kết thúc chưa được về ngay mà phải cách ly thêm 14 ngày nữa, dù người nhà đều chỉ quanh thành phố Lào Cai. “Trông về nhà chỉ vài bước chân thôi nhưng thành ra lại rất xa. Mọi chia sẻ ngọt bùi với gia đình chúng tôi chỉ biết qua điện thoại, nhưng vì nhiệm vụ chung, tất cả mọi người cùng đồng lòng”, Trưởng tàu ông Đỗ Quang Trung chia sẻ.
Trong tuyến tàu đầu tiên này có ông Đỗ Quang Trung - Trưởng tàu đóng vai trò đứng đầu về mọi mặt, ông Lê Hùng Cường - lái chính, ông Khổng Minh - lái phụ và nhân viên toa xe Nguyễn Văn Hải. Tất cả đều ở khu biệt lập sau khi trở về, được ăn nghỉ tại chỗ và chỉ ra ngoài mỗi khi thực hiện nhiệm vụ, đủ 14 ngày theo đúng quy định mới được phép rời đi.