Cổ đông nhà nước xin rút lui vì sợ “khủng bố”

“Người đại diện phần vốn nhà nước luôn bị thúc ép, đe dọa… Hiện tại tôi rất lo lắng trước những tình huống xấu có thể xảy ra bất kỳ lúc nào...” -  người đại diện phần vốn nhà nước tại Haiphong Shipchanco viết trong đơn kiến nghị “vượt cấp” gửi  UBND TP.Hải Phòng.

“Người đại diện phần vốn nhà nước luôn bị thúc ép, đe dọa… Hiện tại tôi rất lo lắng trước những tình huống xấu có thể xảy ra bất kỳ lúc nào...” -  người đại diện phần vốn nhà nước tại Haiphong Shipchanco viết trong đơn kiến nghị “vượt cấp” gửi  UBND TP.Hải Phòng.


Đoạt quyền điều hành doanh nghiệp

Như PLVN đã phản ánh, được sự hậu thuẫn của một số cơ quan truyền thông, nhóm cổ đông đại diện cho 21,23% cổ phần trong Công ty cổ phần cung ứng tàu biển (Haiphong Shipchanco) đã tự bầu ra HĐQT, BKS đoạt quyền điều hành doanh nghiệp.

hp.jpg
 

Trở lại với cuộc họp ĐHĐCĐ, bầu HĐQT, BKS của nhóm cổ đông đại diện cho 21,23% cổ phần của Haiphong Shipchanco diễn ra ngày 04/7, theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính Hải Phòng), đại diện cho 38,57% phần vốn nhà nước tại công ty  - do một số cổ đông không tuân thủ sự điều hành của chủ tọa, có hành vi cản trở, gây rối trật tự và  bà Đặng Thị Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT, chủ tọa đại hội bị lăng mạ, đe dọa, nên căn cứ vào Điểm b, Khoản 8, Điều 103 Luật Doanh nghiệp, Chủ tọa cùng Trưởng BKS và nhóm cổ đông đại diện cho 78,77% cổ phần đã lập biên bản quyết định hoãn phiên họp trước sự chứng kiến của cơ quan công an.

Biên bản “giấy trắng mực đen” thế nhưng sự việc vẫn bị một số người cố tình “bóp méo” khi tung dư luận cho rằng cổ đông nhà nước và nhóm cổ đông lớn nắm giữ gần 80% cổ phần trong Haiphong Shipchanco tự ý bỏ về “khi cuộc họp vẫn đang diễn ra tốt đẹp”.

Luật Doanh nghiệp quy định, cuộc họp ĐHĐCĐ do Chủ tịch HĐQT quyết định hay BKS triệu tập họp bất thường theo yêu cầu của nhóm cổ đông nắm giữ trên 10% cổ phần có được coi là hợp pháp hay không phải thỏa mãn các Khoản 1, 2, Điều 102 của luật này. Cụ thể: cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; cuộc họp ĐHĐCĐ lần 2 được tiến hành khi có ít nhất 51% tổng số cổ phần biểu quyết dự họp. Do vậy, căn cứ vào các điều khoản này, cuộc họp ĐHĐCĐ của nhóm cổ đông chỉ nắm giữ 21,23% cổ phần sẽ không có giá trị pháp lý.

 Cổ đông chiến lược bị “đì”

Năm 2008, Haiphong Shipchanco quyết định bán cổ phần cho Công ty cổ phần Daso. Khi đó, UBND TP.Hải Phòng mặc dù chỉ là một cổ đông trong doanh nghiệp nhưng cũng đã phải triệu tập họp, xin ý kiến của các ngành chức năng để định giá cổ phiếu, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, như việc ký quỹ 7 tỷ đồng, cam kết tìm kiếm nhà tài trợ xây dựng Trung tâm thương mại trị giá 140 tỷ đồng.

Từ thời điểm đó, nhóm cổ đông nhỏ trong doanh nghiệp đã khiếu nại và UBND thành phố cũng trả lời bằng văn bản: việc xác định nhà đầu tư chiến lược, thực hiện các cam kết của nhà đầu tư chiến lược thuộc quyền quyết định của Haiphong Shipchanco. Một trong số các thành viên HĐQT “tự phong” cũng đã từng thừa nhận: Việc giải tỏa 7 tỷ tiền ký quỹ đã thực hiện đúng quy định của HĐQT, không làm ảnh hưởng đến tiến trình của Dự án.

Có một thực tế, “đề bài” tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để xây dựng trung tâm thương mại cũng chỉ đề ra có hai điều kiện: ký quỹ và tài trợ vốn xây dựng. Như vậy, sau khi nhà đầu tư chiến lược tìm kiếm được tổ chức tín dụng xem xét cho vay để xây dựng tổ hợp khách sạn cao cấp tại trụ sở công ty, số tiền ký quỹ rõ ràng được giải chấp.

Theo báo cáo của HĐQT, dự kiến sẽ được trình trước ĐHĐCĐ thường niên nhóm họp ngày 04/7 (chưa được thông qua vì ĐHĐCĐ bị hoãn), do trước đó, khu đất chưa có quyết định cho thuê của UBND TP.Hải Phòng nên việc triển khai các bước có sự chậm trễ. Đến nay, thủ tục thuê đất đã hoàn thiện, hợp đồng với tư vấn thiết kế cũng đã được ký, đang tổ chức khoan thăm dò địa chất, báo cáo phương án kiến trúc với cơ quan chuyên môn.

Cổ đông nhà nước bị “khủng bố”

Sau hai cuộc họp ĐHCĐ bất thành, ông Nguyễn Văn Tâm - đã có đơn kiến nghị “vượt cấp”, gửi tới UBND TP.Hải Phòng đề nghị được cho thôi làm người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đơn của ông Tâm viết: “Người đại diện phần vốn nhà nước luôn bị thúc ép, đe dọa… Để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân, hiện tại tôi rất lo lắng trước những tình huống xấu có thể xảy ra bất kỳ lúc nào...”. Trong máy điện thoại của ông Ngô Văn Thẳng, Tổng giám đốc Haiphong Shipchanco cũng hứa đầy tin nhắn với những lời đe dọa “xử tử” ông bất kể lúc nào…


“Haiphong Shipchanco có mâu thuẫn về nội bộ, tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài từ thời kỳ còn là doanh nghiệp nhà nước… Thời kỳ mới thực hiện chuyển đổi, người đại diện phần vốn nhà nước cũng đã bị các cổ đông khiếu nại, khiến cơ quan chủ quản phải điều người khác thay thế” - ông Phạm Thế Nghiêm, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hải Phòng cho biết.

Vụ việc cho thấy, mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm cổ đông Haiphong Shipchanco đã được đẩy lên đỉnh điểm, phán quyết tòa án nếu có cũng chỉ có tác dụng đối với những cổ đông có thái độ tôn trọng pháp luật. Đã đến lúc cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc, vừa phòng ngừa, vừa răn đe, nhằm ổn định trật tự trị an, góp phần bảo vệ  quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các cổ đông chân chính.

Thiên Bình                                                                   

Đọc thêm