Khép lại quãng đời dạy học, cô giáo Nguyễn Thị Thiện có bài thơ Không đề: “Ba tư năm quả vạn ngày/ Chở bao nhiêu chuyến đò đầy sang sông./ Viết bao viên phấn đã mòn/ Nay trang giáo án vẫn còn ngẩn ngơ…”.
Quãng đời dạy học khép lại nhưng một quãng đời mới lại mở ra, “trang giáo án” của cô không còn “ngẩn ngơ” nữa vì đã có những trang bình thơ.
Chỉ trong vòng 2 năm (2018 - 2019), cô cho ra mắt liên tiếp 4 tác phẩm: 3 tập bình thơ (Trang thơ - Trang đời, Tình quê tình người tập 1 và tập 2) và 1 tập truyện ngắn Những bài học đắt giá.
Với 3 tập bình thơ, cô giáo dạy văn xứ Đoài đã cho bạn đọc thấy một trái tim yêu thơ đến nồng nàn. Những bài bình thơ của cô lay động, đánh thức xúc cảm trong mỗi chúng ta trỗi dậy, cùng sống với những nhân vật trong thơ. Đọc tập bình thơ, ta như được sống trong thế giới tràn ngập tình người.
Ba tập sách là những lời bình chân thành như lời giãi bày, tâm sự, sẻ chia, một giọng bình đầy nữ tính của một cô giáo yêu thơ, một người phụ nữ hiểu đời, hiểu người, nên vừa chỉn chu, vừa tinh tế, lại có những suy ngẫm khá sâu, đặc biệt về giới của mình.
Gợi cảm hứng cho cô là những bài thơ viết thơ mộng của không gian “mây trắng xứ Đoài”, hay những bài thơ của các tác giả có tên tuổi như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Trọng Tạo, Phan Thị Thanh Nhàn, Vương Trọng, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Đình Ân, Lê Đình Cánh, Nguyễn sĩ Đại, Nguyễn Thị Mai, v.v…
Tình quê được hiện lên qua nhiều vẻ đẹp. Có vẻ đẹp truyền thống mang sắc thái Việt Nam đậm đà như “dòng sông con đò, cánh cò chao liệng, khói bếp vương vương, cánh võng đong đưa, cánh diều no gió”… (Yêu lắm quê hương – Hoàng Thanh Tâm); có vẻ đẹp thơ mộng nhờ tưởng tượng của nhà thơ như khi Nguyễn Trọng Tạo đã “mặc áo” cho dòng sông quê hương qua từng thời khắc trong ngày cho đến tận sáng hôm sau (Dòng sông mặc áo); lại có nét đẹp đầy ý nghĩa nhân văn của Cây lúa trong thơ Nguyễn Sĩ Đại: “Rưng rưng cây lúa quê nhà / Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời
Tình quê chính là mảnh đất tốt tươi để nảy sinh tình người cao đẹp. Có tình mẹ của Nguyễn Trọng Tạo (Tết này nhớ mẹ), của Lê Đình Cánh (Mẹ ra Hà Nội), của Phan Thị Thanh Nhàn (Tóc của mẹ tôi), Phạm Đình Ân (Tóc mẹ), của Nguyễn Thị Mai (Lòng mẹ ngày con đi lấy chồng).
Một điều đáng chú ý – trong tập Tình thơ - Tình người 2, tác giả đã dám đưa vào những bài thơ “gai góc” với hoàn cảnh éo le, ngang trái từng xuất hiện trong cuộc sống đời thường để góp thêm một tiếng nói cảm thông, một hồi chuông cảnh tỉnh mang ý nghĩa nhân văn. Nếu Nguyễn Thị Mai Nói với con chồng bằng những lời đau xót: “Dì không mang nặng đẻ đau / Đứt dây mà xót thương bầu bí ơi!” thì Vương Trọng kết thúc tấn bi kịch Hai chị em bằng hồi chuông cảnh tỉnh những cặp vợ chồng li tán:
- Nín đi em! Em khản giọng khóc gào/ Chị mếu máo, đầm đìa nước mắt/ Những bố mẹ bên bờ chia cắt/ Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình!
Và, như thế, thơ và người bình thơ đã góp phần điều chỉnh, hoàn thiện, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn./.
Tác giả Nguyễn Thị Thiện quê ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Cô vốn là giáo viên dạy văn, từng giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Thất, Hà Nội.
Năm 2011 cô nhận sổ hưu,
Hiện cô là cộng tác viên của các báo: Giáo dục và thời đại, Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Thủ đô, Người cao tuổi, An ninh Thủ đô, Hà Nội mới cuối tuần, Người Hà Nội, tạp chí Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam)...