“Cơ hội vàng” cho du lịch Hải Phòng bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhằm tìm kiếm các giải pháp đánh thức tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại TP Hải Phòng, ngày 20/4, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hải Phòng và một số đơn vị đã tổ chức Hội thảo “Du lịch Hải Phòng cơ hội vàng bứt phá”.
Hội thảo do Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hải Phòng và một số đơn vị tổ chức.
Hội thảo do Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hải Phòng và một số đơn vị tổ chức.

Nhiều tiềm năng nhưng chưa hút khách

Nằm ở trung tâm vùng Duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng là một trong số ít địa phương trên cả nước hội tụ đủ 5 loại hình giao thông gồm đường biển, đường sông, đường bộ, đường sắt, đường hàng không được kết nối đồng bộ, thông suốt.

Hải Phòng cũng được biết đến là một TP Cảng lâu đời, với các điểm du lịch nổi tiếng như Đồ Sơn, Cát Bà... Trong đó quần đảo Cát Bà hội tụ 5 danh hiệu quốc gia và quốc tế: Danh lam thắng cảnh - Di tích quốc gia đặc biệt, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn Biển và là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Hải Phòng được xác định là điểm đến có vị trí quan trọng, là động lực đặc biệt để phát triển du lịch vùng duyên hải.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Nguyễn Thị Thương Huyền cho biết, giai đoạn trước đây, TP tập trung phát triển dịch vụ cảng, công nghiệp và đã đạt được những bước phát triển quan trọng. Những năm gần đây, cùng với nhu cầu thị trường du lịch tăng nhanh và định hướng chiến lược trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế TP, ngành du lịch đang nhận được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong đó, về phát triển sản phẩm du lịch, du lịch biển đảo là cốt lõi, lan tỏa và phát triển các loại hình du lịch thể thao, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch văn hóa tâm linh nhằm mở rộng không gian, phát triển đa dạng loại hình sản phẩm du lịch của TP Cảng.

Theo bà Huyền, so với lợi thế, tiềm năng và yêu cầu đặt ra đối với mục tiêu phát triển, du lịch Hải Phòng vẫn còn nhiều hạn chế so với các trung tâm du lịch lớn của cả nước. Hiện Hải Phòng chưa có cơ chế, chính sách trực tiếp để thu hút nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch. Đây là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thiếu hụt nguồn lực đầu tư, tạo đột phá cho du lịch Hải Phòng.

Ngoài ra, Hải Phòng cũng chưa có khu vui chơi giải trí cao cấp có khả năng thu hút và hấp dẫn khách du lịch. Sự thiếu hụt này là nguyên nhân cơ bản làm giảm tính hấp dẫn, thu hút của du lịch Hải Phòng trong lợi thế so sánh với các địa phương có cùng tiềm năng nhưng được đầu tư chiều sâu, có những sản phẩm đặc thù, được khẳng định về thương hiệu như: Quảng Ninh có Tổ hợp vui chơi giải trí Hạ Long Marina, Sun World Halong Complex; Ninh Bình có Quần thể danh thắng Tràng An; Đà Nẵng có Sun World Ba Na Hills…

Ông Nguyễn Lê Phúc, Tổng cục phó Tổng cục Du lịch nhận định, tốc độ phát triển hạ tầng du lịch của Hải Phòng chưa đáp ứng nhu cầu của khách; vấn đề môi trường du lịch chưa được xử lý dứt điểm nhất là vào dịp cao điểm khách du lịch nội địa; tình trạng quá tải điểm đến đã diễn ra gây bức xúc cho khách du lịch. Các dịch vụ bổ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu mua sắm đẳng cấp quốc tế, khu triển lãm, hội nghị... còn thiếu chưa đáp ứng điều kiện tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế. Mặc dù có nhiều tiềm năng du lịch, lượng khách du lịch quốc tế đến Hải Phòng hạn chế, mới chỉ đạt gần 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế (chiếm 1/18 lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam) năm 2019.

Hải Phòng cần phát triển khu du lịch Cát Bà thành trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại.

Hải Phòng cần phát triển khu du lịch Cát Bà thành trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại.

Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao.

Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao.

Loạt giải pháp “đắt giá”

Ông Phúc cho rằng, để triển khai tốt chủ trương mở cửa trở lại du lịch từ 15/3, Tổng cục Du lịch đề nghị ngành du lịch TP tập trung cho một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thu hút du khách, trong đó có phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hoá, khai thác lợi thế, tiềm năng của TP, kết nối với các tỉnh/thành liên kết, tạo ra các nhóm sản phẩm du lịch phục vụ cho nhiều đối tượng khách khác nhau; phát triển các sản phẩm du lịch mới và nâng chất lượng các sản phẩm du lịch hiện tại. Tăng cường phát huy thế mạnh du lịch của Hải Phòng, khai thác kết nối tuyến điểm du lịch của Hải Phòng với các tỉnh khu vực miền Trung; đặc biệt kết nối với Hà Nội, Quảng Ninh và với các địa phương khác tạo nên hành lang du lịch an toàn nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách và hình thành tour du lịch trọn gói.

Hải Phòng cần định hướng, hỗ trợ DN xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của TP; đầu tư phát triển các khu vui chơi, giải trí, các dịch vụ bổ trợ nhằm tăng khả năng chi tiêu và đa dạng hóa các hoạt động của khách du lịch; phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch cộng đồng - sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực trên cơ sở liên kết các DN lữ hành, khách sạn, vận chuyển và các điểm tham quan; quan tâm phát triển một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch như kinh tế chia sẻ, kinh tế du lịch ban đêm…

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, Hải Phòng cần xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch trên cơ sở phát triển các sản phẩm ưu tiên với một số định hướng cụ như phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại, sản phẩm du lịch khác biệt; huy động nguồn lực nhằm xây dựng Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm du lịch MICE hàng đầu của vùng và cả nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Phát triển sản phẩm du lịch MICE gắn với đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo quốc tế lớn kết hợp du lịch mua sắm…

Đọc thêm