Có một… “chú chó đen” trong tâm hồn

(PLVN) - Rất nhiều đứa trẻ, nhìn thì hạnh phúc bởi sự đủ đầy về vật chất, chăm nom của gia đình, nhưng đằng sau đó là cả một khoảng tối tâm hồn, nơi mà trẻ nhiều tổn thương, cô đơn và lạc lối…
Trẻ bị trầm cảm muốn tự sát, muốn tự đày đọa mình… Ảnh minh họa.
Trẻ bị trầm cảm muốn tự sát, muốn tự đày đọa mình… Ảnh minh họa.

Đơn độc trong hào nhoáng

Người ta vẫn thường nghĩ, trầm cảm là bệnh của người lớn. Chỉ có người lớn chịu nhiều vấn đề, áp lực trong cuộc sống, từ công việc đến chuyện tình cảm, tiền bạc mới bị stress và dẫn đến trầm cảm. Còn trẻ con, tuổi ăn, tuổi chơi, vô tư hồn nhiên, có phải lo toan gì đâu mà vướng phải căn bệnh này? Ấy thế mà, sự thực là có không ít trẻ bị trầm cảm từ lúc nào mà cha mẹ chẳng hề hay biết. 

Theo PGS, TS Đặng Hoàng Minh, Trung tâm Thông tin hướng nghiệp và Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý (Đại học Quốc gia Hà Nội), Việt Nam đang có khoảng 2.000.000 trẻ em vị thành niên cần trị liệu tâm lý. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến những vấn đề tâm trí ở trẻ gồm sự cô lập về cảm xúc khiến thanh, thiếu niên lựa chọn không chia sẻ cảm xúc với ai, sử dụng quá nhiều mạng xã hội cũng như internet, gia đình quá nghiêm khắc, kỳ vọng cao của cha mẹ, áp lực học tập, thiếu sự hỗ trợ, bị bắt nạt, sống xa gia đình…

Theo báo cáo của nhiều nghiên cứu trong nước, 87% số trẻ em trong mẫu nghiên cứu có vấn đề về tâm lý. Nghiên cứu với 202 trẻ em, trong đó có 22,8% số trẻ em trầm cảm; 23,7% số trẻ muốn tự tử; 10,4% tâm thần; 4% tự kỷ và 2,5% lo âu.

Ước tính tại Việt Nam có ít nhất ba triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết, do gia đình không phát hiện bệnh, hoặc chủ quan, coi thường những triệu chứng của bệnh. Nhiều trường hợp cha mẹ vì bận rộn hay nhiều nguyên nhân khác, biết con bất ổn nhưng vẫn phó mặc.

Nguyên nhân của bệnh trầm cảm thì rất nhiều, như sự phân tích của PGS, TS Đặng Hoàng Minh nói trên. Điều đáng nói là những áp lực của trẻ thường vô hình, được núp dưới vỏ bọc thông thường, khiến trẻ dù có bắt đầu mắc bệnh, gia đình, người thân cũng không dễ dàng phát hiện ra, lâu dần dẫn đến bệnh nặng.

 Chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga chia sẻ, thực tế, có rất nhiều trẻ sống trong gia đình đủ đầy, bên ngoài có vẻ rất hạnh phúc, nhưng vẫn bị trầm cảm. Nguyên nhân sâu xa bên trong chỉ có trẻ mới biết được. Như trường hợp một học sinh cấp 2 ở Phú Nhuận, TP HCM. Em là con gái đầu của một gia đình có cha là doanh nhân thành đạt, mẹ là nhân viên kế toán.

Gia đình em là gia đình “kiểu mẫu” mà nhiều người mơ ước, nhìn hạnh phúc, giàu có. Hai chị em em được học ở trường quốc tế, có xe riêng đưa đón, muốn gì có nấy. Em cũng có nhiều bạn bè, sống vui vẻ. Thế nhưng, một hôm bỗng nhiên em mua thuốc ngủ về uống, tự sát. May mắn là người giúp việc phát hiện kịp thời. Sau khi tỉnh dậy, hỏi mấy em cũng không trả lời lý do.

Gia đình đưa em đi khám tâm lý thì dần dà được tháo gỡ, em mới chia sẻ là nửa năm gần đây em tình cờ phát hiện cả cha lẫn mẹ đều có người tình bên ngoài. Người lớn giấu giếm, tưởng trẻ con không biết gì, thực ra em biết cha mẹ sống không hạnh phúc, không còn yêu thương nhau và “ông ăn chả, bà ăn nem”.

Em thất vọng, coi thường cha mẹ và dần mất đi mục tiêu sống, học hành sa sút, trên trường không chơi với bạn bè, nhà trường có phản ánh nhưng vì cha mẹ bận rộn với công việc và các mối quan hệ riêng quá không nhận ra, cho đến khi sự việc không hay xảy ra…

Nhiều trẻ em cô đơn dưới vỏ bọc hạnh phúc, vì cha mẹ chỉ đáp ứng đầy đủ những nhu cầu về vật chất, đời sống mà không quan tâm đến đời sống tinh thần, tâm tư, tình cảm của con cái. Họ để mặc con với suy nghĩ riêng của mình, chơi vơi trong thế giới của internet, khiến trẻ càng lúc càng lạc lối. Ngược lại, có không ít đứa trẻ, vì sự chăm sóc, theo sát quá mức của cha mẹ mà ngộp thở.

Đó là sự chăm nom bằng tình thương nhưng sai cách, đặt những kì vọng, áp lực lên vai trẻ, khiến đứa trẻ đánh mất đi tuổi thơ hay mơ ước của chính mình. Dù ở thái cực nào thì đều không tốt cho con, có thể đẩy con vào con đường trầm cảm.

Đừng để con bệnh rồi mới chữa

Năm 2014, ngay trước ngày phòng chống tự sát thế giới, WHO đã phát hành một video có tên “Tôi có một chú chó đen và tên nó là Trầm Cảm”. Bệnh trầm cảm được ví như một con chó đen, bởi, người bị bệnh nuôi dưỡng con chó ấy mỗi ngày, trong tâm tưởng của mình. Từ từ, chó đen sẽ ăn dần những điều tốt đẹp trong tâm hồn người chủ nó: Niềm vui, tích cực, lạc quan, yêu đời...

Cho đến khi chó đen ăn sạch tất cả những điều tốt đẹp, người bệnh sẽ rơi vào bóng tối hoàn toàn và trước mắt chỉ còn cái chết để giải thoát. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tự sát hàng đầu. Và thực tế trên thế giới, hàng ngày người ta vẫn chứng kiến những cái chết thương tâm của thanh, thiếu niên vì căn bệnh này. 

Điều đáng tiếc, trầm cảm là căn bệnh hoàn toàn có thể ngăn chặn được từ đầu, nếu người ta chú ý đến nó. Theo Chuyên viên Lê Thị Minh Nga, nếu quan tâm, chú ý đến con, phụ huynh có thể nhận diện được những dấu hiệu chớm nở của căn bệnh trầm cảm. Khi bị bệnh, trẻ sẽ bước đầu cảm thấy mất hết hứng thú đối với mọi việc chung quanh, chán ăn, mất ngủ, sụt cân, giảm khả năng suy nghĩ, tập trung và lựa chọn. Cạnh đó còn có các dấu hiệu khác như dễ kích động, rối loạn cảm giác, hay khóc, hay buồn vô cớ hoặc cảm thấy tự ti, kém trí nhớ, thích cô lập bản thân…

Thực ra, sự thay đổi cảm xúc liên tục đối với trẻ là chuyện bình thường, vì trẻ con vốn có cảm xúc phong phú, đa dạng và ít điều khiển được cảm xúc của mình. Nhưng một khi sự thay đổi cảm xúc diễn ra đột ngột, thường xuyên, cộng với các dấu hiệu nói trên kéo dài, lặp lại thì cha mẹ cần phải cân nhắc cho con đến một cơ sở khám về tâm lý, thần kinh sớm, nhận diện bệnh.

Tuy nhiên, cách tốt nhất không phải là để cho con chớm bệnh, bệnh nặng rồi mới chữa. Trầm cảm là căn bệnh nguy hiểm và khó chữa trị, nhất là đối với trẻ. Rất nhiều trường hợp, dù đã chữa khỏi rồi nhưng vẫn tái phát nhiều lần. Tốt hơn hết là cần nuôi dạy, chăm sóc trẻ làm sao để con không bao giờ bị chú chó đen ấy gặm nhấm, xâm chiếm tâm hồn.

Theo chuyên gia tâm lý, với cả hai trường hợp cha mẹ quá bận rộn, bỏ mặc, không quan tâm đến đời sống tinh thần của con hoặc quan tâm, chăm sóc quá mức, tạo nhiều áp lực và kì vọng đều dễ dẫn đến trầm cảm ở trẻ. Tốt nhất, cha mẹ dù bận đến đâu cũng nên dành một khoảng thời gian trong ngày để quan tâm, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của con.

Lắng nghe ước mơ, nguyện vọng trẻ, nuôi dạy con đúng với sở trường chứ đừng áp đặt, ép buộc con, vì áp lực là nguyên nhân lớn dẫn đến chứng trầm cảm và những tổn thương thần kinh thường thấy ở trẻ.

Hai “bí quyết” được đưa ra để giúp trẻ không bao giờ bị trầm cảm chạm đến, đó là “thường xuyên trò chuyện cùng con” và “cho con kết nối với thiên nhiên”. Việc trò chuyện, chia sẻ cùng con thường xuyên sẽ giúp con trẻ có thể dễ dàng bộc bạch nỗi niềm, tâm sự, những vấn đề khó giải quyết đối với cha mẹ và như thế, trẻ không giữ chúng trong lòng, gây khó chịu và mệt mỏi nữa. Cạnh đó, việc trò chuyện cũng giúp con trẻ hình thành thói quen dễ dàng bày tỏ cảm xúc - một yếu tố rất quan trọng chống lại chứng trầm cảm. 

Sự kết nối với thiên nhiên có thể thực hiện bằng những chuyến đi chơi, ngắm cảnh, dã ngoại của gia đình, cho trẻ về quê mỗi dịp nghỉ hè, hoặc đơn giản, ngay trong nhà có thể trồng cây, trồng hoa và cha mẹ dạy con cái cách chăm bón chúng. Các nghiên cứu quốc tế về bệnh trầm cảm đã cho thấy, sự kết nối với thiên nhiên là liều thuốc tốt nhất chống lại bệnh trầm cảm.

Dù thế nào đi nữa, chỉ cần các bậc cha mẹ có sự quan sát, có thời gian dành cho con mình và nuôi dạy con bằng tình thương, trách nhiệm cũng như kĩ năng đúng đắn, đó sẽ là cách để có thể bảo vệ con khỏi “chú chó đen” nguy hiểm của bệnh trầm cảm, đem đến cho trẻ một tuổi thơ đẹp, một tương lai tươi sáng.

Đọc thêm