Chuyện tình của cô gái làng Đông
Tây Thiên (cách Hà Nội chừng 70km) nằm trong thung lũng được ba ngọn núi cao nhất trên dẫy Tam Đảo bao bọc. Khu đền thờ Mẫu nằm ở lưng núi Thạch Bàn (cao 1.420m). Bên trái là núi Phù Nghĩa (cao 1.300m), còn bên phải là núi Thiên Thị (cao 1.357m).
Tương truyền Hùng Chiêu Vương (đời thứ bảy) hay tin ở vùng Tây Thiên thường có các nàng tiên hạ giới. Họ ca múa vui chơi bên thác suối trong biển mây bồng bềnh. Đến nơi Hùng Chiêu Vương bị thu hút bởi cảnh trí gấm hoa thơ mộng. Vua chợt thấy trên núi có một am nhỏ đề “Tây Thiên cổ tự” nên đã lập đàn dâng hương làm lễ trong bảy ngày, bảy đêm.
Ai ngờ sau đó Vua đã gặp một nàng tiên đúng như trong mộng ước. Nàng tiên ấy không phải ai xa lạ mà là một cô gái ở ngay dưới chân núi. Cô tên là Lăng Thị Tiêu (hiệu là Nhược Cẩm) xinh đẹp, dịu dàng. Nàng là con của vợ chồng tù trưởng Lăng Phiêu và Đào Thị Liễu ở thôn Đông Lộ (xã Đại Đình). Thôn nữ miền sơn cước ở tuổi trăng rằm đẹp tựa hồng đào, thơm như hoa lan, hoa bưởi. Tình yêu trở nên đắm say. Lăng Thị Tiêu đã được Hùng Chiêu Vương tuyển về cung làm Hoàng phi.
Từ nhỏ Lăng Thị Tiêu được học hành thông văn giỏi võ nên đã giúp Vua làm nhiều việc. Khi có loạn giặc Thục (257-208 TCN) bà về quê chiêu mộ binh sĩ. Những trai tráng quanh vùng nô nức đến đầu quân. Bà chỉ huy hàng vạn binh sĩ cùng góp sức với quân tướng Vua Hùng xông pha trận mạc.
Chiến thắng trở về bà tiếp tục giúp Vua Hùng mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn. Sau đó bà trở về quê dậy dân trồng lúa nuôi tằm, quay tơ dệt vải. Hoàng phi Lăng Thị Tiêu không màng danh lợi đã trở về làng và mất tại đây. Vua Hùng phong cho bà là Tam Đảo Sơn trụ Quốc mẫu Đại vương (hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn).
Và dấu xưa còn lại
Chúng ta đều biết câu chuyện Hoàng tử Lang Liêu có hiếu với Vua Hùng đã nghĩ ra bánh chưng, bánh dày và đã được chọn truyền ngôi báu. Cũng là Lang Liêu, vị Vua Hùng thứ 7, còn được kể là vị Vua đã lên núi Tây Thiên ở dãy Tam Đảo để cầu trời cho gặp tiên và đã gặp được nàng tiên Lăng Thị Tiêu ở đây. Nhưng truyền thuyết này là có thật không, có chứng tích gì để lại tới ngày nay không?... Đều là những hư thực ảo huyền khó lý giải…
Khảo cổ ở nước ta đã từng tìm thấy vết lá bánh chưng trên một chiếc nồi đồng thời Đông Sơn, chứng thực cho chuyện bánh chưng, bánh dày. Còn câu chuyện về Lang Liêu gặp tiên nay lại được xác thực bởi một hiện vật khác cùng thời.
Một chiếc mâm đồng 4 chân thời Tây Chu (quãng thế kỷ 10 - 9 TCN) được thấy ở miền Bắc Việt. Dạng mâm này là đồ tế tự, dùng để đựng các vật phẩm hiến tế trong các dịp lễ quan trọng của triều đình. Trong lòng chiếc mâm có đúc chìm một bài minh bằng chữ Kim văn. Nội dung bài minh này có thể được tạm dịch như sau: “Vua tế cầu cho Hoàng Tổ hầu của ta được mệnh trời vạn năm. Không quốc dân nào phối tế với Hoàng Cao tổ. Công thất là U ban lệnh tế, làm lễ dâng Vua, mãi nhớ tới Mục Vương trị chính, theo mệnh của các vị vua tổ khảo.
Vua cầu cho chính sự của Hoàng Á của ta. Dùng lễ tế lớn để được thành, dùng riêng tế các vị tổ khảo Giáp, khảo Ân. Có người cháu Vua làm lễ tế trăng, cầu cho Thiên tử vạn năm thống lĩnh thành công, được lâu dài như vị khảo Giáp trước đây. Thiên tử vạn năm, cùng các quan thần tử vậy”.
Chữ “Mục Vương” trong lòng chiếc mâm đồng thời Tây Chu
Bài minh văn nói về việc vị vua đương thời làm lễ cầu tế các vị vua tổ, các vị tiền vương đời trước (tổ khảo) và cầu chúc cho Thiên tử (vua đương thời) vạn năm với cùng các quan thần. Điểm đặc biệt trong bài văn này là nhắc tới Mục Vương, một vị Vua thời Tây Chu.
Chu Mục Vương (chữ Nho: 周穆王; 1027 TCN – 922 TCN) là vị vua thứ 5 của nhà Tây Chu, trị vì từ năm 976 TCN đến năm 922 TCN. Mục Vương từ nhỏ đã rất thích tu luyện phép thuật thành tiên. Lớn lên ông học theo Hoàng đế ngồi xe ngựa đi thăm thú các danh lam thắng cảnh trên khắp thiên hạ. Vì vậy, ông ngồi xe do 8 con ngựa kéo thẳng tới vùng đất của người Nhung ở Tây Bắc (thực ra thì đây là chuyện kể về sự kiện Chu Mục Vương đã Tây chinh đánh dẹp Khuyển Nhung).
Tương truyền, Mục Vương đã đến núi Côn Lôn, phát hiện ra cung điện bằng ngọc của Hoàng đế. Cũng tại đây, truyền thuyết kể rằng ông đã gặp Tây Vương Mẫu ở Dao Trì, được đãi yến tiệc. Mục Vương uống nước tuyết ngọt trên núi Côn Lôn, ăn cao tương chế từ ngọc thạch, còn có tố liên, táo đen, ngó sen ngọc và rất nhiều tiên quả… Sau đó Chu Mục Vương đã thành tiên thuật, cưỡi mây mà bay về trời.
Có thể thấy cốt truyện của truyện Vua Hùng lên núi tế trời gặp Tiên ở Tây Thiên cũng chính là sự kiện về Chu Mục Vương lên núi Côn Lôn gặp Tây Vương Mẫu. Mọi chi tiết đều trùng khớp trong 2 chuyện, từ việc một vị vua thời Chu- Lang Liêu lên núi Côn Lôn - Tam Đảo, tế Hoàng thiên - Hoàng đế, đến việc gặp Tây Thiên quốc mẫu - Tây Vương Mẫu, rồi Vua cùng với tiên phi học thành tiên thuật, hóa sinh bất diệt.
Trở lại cuộc nhân duyên của bà Lăng Thị Tiêu với Hùng Chiêu Vương ở núi Tam Đảo mở ra thời kỳ thịnh trị của quốc gia Văn Lang, phát triển văn hóa và đổi mới phong tục, xứng đáng là thời kỳ cực thịnh trong các đời vua thuộc 18 chi Hùng Vương. Với công lao to lớn với Tổ quốc và nhân dân, Quốc mẫu Tam Đảo kết tập vào hệ thống Hùng Vương, không chỉ là nhân vật huyền thoại kỳ vĩ mà còn trở thành nhân vật lớn của lịch sử. Khi hóa, bà cũng hội nhập vào thế giới thần linh mang tư chất là vị nhân thần của quốc gia Đại Việt, được thờ cúng theo thể chế bách thần.
Đến với nơi đây du khách còn được chiêm ngưỡng Cây Đa Chín Cội, nằm ngay tại sân đền Thõng đã có niên đại hàng trăm năm tuổi, là biểu tượng linh thiêng, làm tôn lên vẻ đẹp của khu danh thắng. Vẫn tại nơi đó nay còn lưu giữ tấm bia đá được bảo tồn nguyên vẹn, có nội dung “Tam Đảo Linh Sơn” là một chứng tích lịch sử - văn hoá rất giá trị, khẳng định danh thắng Tây Thiên đã được nhiều triều đại hết sức quan tâm và coi trọng, là nơi “địa linh” bậc nhất của cả nước.
Khu bàn cờ tiên rộng chừng hơn mẫu là nơi các tiên ông hạ giới chơi cờ và thưởng ngoạn phiêu du. Có ai đó đã khắc họa bài thơ để lại trên vách đá rằng: “Lên đỉnh núi đánh cờ/Cùng tiên ông mây trắng/ Pháo - ngựa - xe… mấy chặng/Chợt giật mình cuối thu”. Tiếng chuông thỉnh lên không gian u tịch mênh mông huyền bí. Dưới những rặng cây cổ thụ đoàn người chầm chậm bước đi như trôi trong những làn mây. Đàn bướm giật mình bay vụt ra từ khe đá tung tỏa như những cánh hoa muôn sắc trên cao.
Khu di tích danh thắng Tây Thiên với hệ thống đền thờ có tự ngàn năm nay tại tỉnh Vĩnh Phúc được lập để tưởng nhớ công ơn của bà. Bên cạnh đền Thượng thờ vị Quốc mẫu Tây Thiên, tại đây còn có nhiều ngôi đền thờ các vị Mẫu thần nổi tiếng cai quản trời, đất, núi, rừng như: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Thoải, Mẫu Thượng Ðịa và Mẫu Thượng Ngàn. Ðây là lý do khu danh thắng Tây Thiên luôn được du khách ví như chuyến về nguồn hoan hỉ: “Đến với Phật, về với Mẫu”.
Quốc mẫu Tây Thiên là một trong hai vị Quốc mẫu của Việt Nam được sắc phong từ thời Hùng Vương dựng nước. Người dân ở đây cho rằng, Quốc mẫu là người có thật. Đó là sự kỳ diệu của sự tín ngưỡng thờ mẫu ở Tây Thiên. Bởi thường các đền phủ khác thờ mẫu đều có gốc tích con nhà trời.
Do vậy, hành trình “Đến với Phật, về với Mẫu” ở đây có sự hòa quyện giữa tâm linh và hiện thực sinh động. Những di tích ở quanh vùng rất chi tiết từ ngàn năm xưa về nơi mẫu luyện quân, mẫu sinh, mẫu hóa. Người đến lễ luôn có sự ấm áp chở che bởi tình cảm thân thiện. Đền thờ Quốc Mẫu trên đỉnh núi Tây Thiên thu hút du khách quanh năm chứ không riêng ngày lễ hội đầu năm (15/2 âm lịch).
Hầu hết những chầu văn giá đồng diễn ra ở Tây Thiên đều có sự góp mặt của những nghệ sĩ làng. Họ hát với lòng thành để diễn tả tình cảm của Quốc Mẫu đối với dân lành. Núi non Tây Thiên luôn rộn ràng giữa lời ca tiếng hát cùng âm thanh của suối reo thác đổ. Đúng với hình ảnh: “Chim bay phấp phới mọi nơi/Cá treo ngược nước/ Lượn bơi vẫy vùng trên ngàn trùng gió rung/ Xao xác đỉnh sườn non đá vách cheo leo…” (Cô đôi thượng ngàn).
Sống chung quanh chân dãy núi Tam Đảo chủ yếu là người dân tộc Sán Dìu. Lễ thờ Mẫu luôn gắn bó với đời sống tâm linh của họ. Quốc Mẫu Tây Thiên chính là thành hoàng làng của Đông Lộ. Do vậy, người Sán Dìu ở đây hàng năm đã cùng khách thập phương về dâng lễ.
Lễ hội dân tộc hòa chung với những hoạt động tâm linh của những bản làng người Sán Dìu chạy dọc chân núi Tam Đảo. Những cô gái Sán Dìu hiện trong lễ hội luôn mang đậm nét riêng của vùng đất Tây Thiên cổ tự. Nét đẹp hồn nhiên như hoa thơm cỏ lạ trên núi cao của những cô gái Sán Dìu đã làm lễ Mẫu trở nên lung linh huyền ảo.