Khi trái tim được chữa lành
Hơn một tháng qua, Hometown Cha-Cha-Cha (Điệu cha cha làng biển), phim truyền hình xứ Hàn là nỗi chờ mong hàng tuần với nhiều chị em bạn dì. Sức hút của Hometown Cha-Cha-Cha là những câu chuyện đời thường tinh tế, phim được đánh giá như một sự “chữa lành cho trái tim”.
Yoon Hye Jin là một nha sĩ tài giỏi, xinh đẹp và thành đạt ở Seoul. Một lần cãi nhau với viện trưởng, cô bỏ việc nhưng không thể tìm việc mới, bế tắc vì nợ ngân hàng và các loại hóa đơn. Vào dịp sinh nhật của mẹ, Yoon Hye Jin quay lại vùng biển Gongjin. Nơi này cô từng cùng bố mẹ ghé chơi trước khi mẹ mất thuở ấu thơ. Mắc kẹt ở đây một ngày một đêm vì nhiều sự cố bất ngờ, Hye Jin quyết định rời bỏ thủ đô xa hoa, chọn Gongjin làm nơi dừng chân mới. Hye Jin khai trương phòng nha đầu tiên ở Gongjin. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng như cô tưởng tượng.
Ngày Hye Jin đến Gongjin, địa phương trùng hợp bị cháy trạm viễn thông khiến hòn đảo dường như bị cô lập, không sóng điện thoại, không Internet, cây ATM không rút được tiền và ngân hàng không hoạt động. Hye Jin trùng hợp không một đồng tiền mặt trong người. Xe hơi của cô trùng hợp cán phải đinh…
|
Cảnh trong phim Điệu cha cha làng biển, nơi chữa lành những nỗi đau, sự tha thứ… |
Nam chính Du Sik là chàng trai lớn lên cùng ông nội ở hòn đảo này, anh tốt nghiệp ĐH danh giá, đã từng làm cho một tập đoàn lớn, hiểu biết rộng, sống hòa nhã, cả làng chài yêu mến. Anh làm đủ thứ nghề, không phải kiểu tay ngang kiếm thêm mà có bằng cấp. Trở về làng biển, anh chấp nhận vai trò một thanh niên đa năng, làm việc vặt. Ngoài ăn lương nhà nước nhờ chức vụ tổ trưởng dân phố, anh còn đi biển đánh cá, bán đấu giá ở chợ, làm lễ tân phòng tắm hơi, giao hàng, pha chế cafe, bán xà bông hand-made, môi giới nhà đất, thi công và sửa sang nhà cửa, điện nước... Việc gì cũng đến tay, nhưng nhịp sống của Du Sik khá thư thái. Anh vẫn thường lướt sóng, đọc sách trước biển. Về cuối phim, lý do anh trở về sống yên bình ở làng chài mới được hé lộ, là một tai nạn bất ngờ về người anh kết nghĩa đã đột ngột ra đi, khiến anh suy sụp và từ bỏ tất cả những lấp lánh chốn thị thành để trở về làng biển…
Và đó còn là mối tình ngọt ngào của nữ nha sĩ Yoon Hye Jin và Du Shik. Những câu chuyện cuộc đời giản dị và thân thuộc như bước ra từ cuộc sống. Hình ảnh những con người bình dị tại vùng quê yên bình, bỏ lại những ồn ào của thành phố, là cảm giác yên bình và lắng đọng trong tâm hồn. Phim cũng đề cập tới một lối sống, một xu hướng thịnh hành ở các bạn trẻ thành phố khi họ quyết định từ bỏ sự nghiệp, cuộc sống phồn hoa nơi đô thị để hướng tới những giá trị nguyên bản, cuộc sống giản dị và bình yên tại quê nhà.
Trước đó, Hye Jin là một người trẻ thành phố coi trọng cuộc sống độc lập, thực tế và nguyên tắc không can thiệp vào việc của người khác. Tuy nhiên, sự chân chất của những người dân làng chài cùng sự tử tế, tốt bụng, chân thành của Du Shik đã khiến cô gái thành thị dần hòa nhập với cuộc sống nông thôn. Cô bao dung, cởi mở hơn, biết cảm thông và đồng cảm với những người xung quanh.
Không những thế, ở Hometown Cha-Cha-Cha mỗi nhân vật đều có những câu chuyện và nỗi niềm riêng. Một ca sỹ nuôi con một mình sau khi vợ mất, sống mãi với những phút giây chợt lóe sáng. Một cặp vợ chồng là bạn lớn lên từ nhỏ, lấy nhau, chia tay sau rất lâu mới biết đó là tình yêu, bởi sự quen thuộc tới hiển nhiên. Là người già không dám gọi điện cho con cháu chốn thị thành bởi họ đều… bận, không đủ thời gian cho một cuộc thăm hỏi… Là nơi, người ta có thể tha thứ cho chính bản thân mình, để được hạnh phúc. Là một vùng biển xinh đẹp và mỗi con người sống ở đó đều chan chứa, chứa chan…
|
Cảnh trong phim Điệu cha cha làng biển, nơi chữa lành những nỗi đau, sự tha thứ… |
Và tại sao lại là Hometown Cha-Cha-Cha- theo đạo diễn Yu Je Won: “Cha-cha-cha không phải điệu nhảy bạn có thể thực hiện một mình. Bạn cần phối hợp với người khác. Tôi nghĩ tựa đề này rất phù hợp với mối quan hệ và câu chuyện của những nhân vật có trong bộ phim”...
“Thôi thì mình về quê, nuôi thêm cá và trồng thêm rau”…
Giới trẻ gần đây vẫn hay nghêu ngao câu hát của Đen Vâu: “Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau. Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”... Theo bạn Cao Văn Hoài: “Tôi năm nay 39 tuổi, đã “nghỉ hưu” được hai năm. Tôi sinh sống và làm việc ở Bình Dương được 15 năm, trải qua ba công ty, đều làm ở bộ phận kinh doanh. Quá trình làm việc, tôi cùng vợ kinh doanh phân phối thêm và nhờ chút may mắn nên chúng tôi tích lũy được số tài sản tạm ổn. Tôi có cơ hội được đi rất nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Australia, châu Âu và nhiều nước châu Á. Trong nước, tôi cũng đi tất cả các miền trên cả nước, từ Bắc vào Nam. Qua đó, tôi đúc kết được rằng, không nơi đâu sống sung sướng như ở Việt Nam, không nơi đâu bằng chính quê hương mình (quê tôi ở Hà Tĩnh). Vậy là tôi bàn với vợ bán bớt đất để về quê đầu tư làm một nhà hàng ăn uống, xây dựng lên khang trang, cho vợ quản lý. Tôi cũng mua thêm một trang trại hai hecta gần đó để tiện đào ao nuôi cá, trồng cây ăn trái, trồng rau, nuôi gà.
Ở quê, tôi vẫn chơi chứng khoán, mua bán tiền điện tử với số tiền nhàn rỗi. Nhà đất ở Bình Dương, tôi cho thuê và dùng tiền đó đi du lịch thường xuyên. Sau hai năm kể từ ngày rời Bình Dương, tôi thấy cuộc sống rất tuyệt vời vì được làm những gì mình thích, không phải phụ thuộc bất kỳ ai, không phải lo những chỉ tiêu, doanh số, không phải họp hành liên miên, hay lo lắng về những bản báo cáo, cũng chẳng ngóng trông đầu tháng nhận lương… Khái niệm “nghỉ hưu” là bạn phải đóng đủ năm quy định và đợi tới tuổi mới nhận được lương hưu và khi đó bạn đã hơn 60 tuổi. Lúc bấy giờ, bạn sẽ rất khó để làm được những gì bạn thích, thực hiện đam mê…
|
Và đó là câu chuyện của đôi bạn trẻ bỏ Sài Gòn lên rừng sinh sống. Gặp gỡ nhau vào thời thanh xuân tươi đẹp, cặp đôi Thành An (SN 1995, Tây Ninh) và Mỹ Thuận (SN 1995, Lâm Đồng) đã có một tình yêu đầy lãng mạn từ thời sinh viên. Khi ra trường, Mỹ Thuận và Thành An vẫn động viên nhau cố gắng vì những năm tháng sau này. Thành An chọn làm nghề sale bán lẻ với mức thu nhập 10 triệu đồng. Mỹ Thuận cũng có một công việc Marketing ổn định 15 triệu đồng tiền lương hàng tháng. Cả hai còn nhận thêm việc để kiếm thêm 8 triệu đồng/tháng trang trải và tích cóp cho tương lai.
Đợt ấy có việc gì kiếm được tiền là cả hai đều bàn nhau cố gắng nhận. An và Thuận còn cùng bạn thân tập bán hạt mắc ca.
Việc kinh doanh khá thuận lợi vì hàng bán chạy, thậm chí nhiều lúc, đôi bạn còn không kịp đáp ứng đơn hàng của khách.
Nhưng dù ổn định ở thành phố hoa lệ như Sài Gòn nhưng Mỹ Thuận vẫn luôn khao khát có một căn nhà gỗ chốn bìa rừng, sống một đời an nhiên không phải tranh đua, gồng gánh.
Cuối năm 2018, Mỹ Thuận và Thành An rời Sài Gòn lên rừng, với hành trang chỉ vài bộ quần áo, cùng chú chó Lucky làm bạn đồng hành và hai trái tim tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. “Vạn sự khởi đầu nan”, họ không nhớ hết những khó khăn, thử thách trong buổi đầu bỏ phố lên núi, từ dân công sở văn phòng quen ngồi máy lạnh thành nông dân chính hiệu.
|
Những ngày đầu chưa lắp điện, hai đứa thắp sáng bằng đèn cầy. Đường nước cách nhà hàng km, phải đi đường rừng khó nên nhiều hôm mất nước phải chịu không tắm.
Mỹ Thuận vốn lớn lên từ gia đình nông thôn nên nhanh quen với lao động chân tay nhưng Thành An lại sống ở thành phố từ nhỏ, vậy nhưng chàng trai trẻ vẫn rất quyết tâm, dù nhiều lúc lao động nặng nhọc đến kiệt sức vẫn chưa từng nao núng, nản chí.
Mỹ Thuận chia sẻ: “Có nhiều bạn cho rằng, ở chỗ các bạn cũng thích nhưng lo nhất là y tế”. Quan điểm của tụi mình khi về vườn là người khác sống được, mình sống được. Bọn mình ở đây xa xôi nhưng không phải là không có ai sống. Người dân xung quanh họ vẫn sống khoẻ bao nhiêu năm nay, có bệnh vẫn chạy đi bệnh viện được mà. Đi tầm 30 phút là ra thành phố thì cũng bằng ở Sài Gòn kẹt xe. Với lại sống lành mạnh tự dưng ít bệnh, trước khi về đây, hai đứa mình thường xuyên bị viêm họng, đặc biệt là An. Các bệnh hiện nay thường do lối sống, ăn uống, vận động mà ra. Sống lành mạnh, ăn thực phẩm tươi ngon, không khí trong lành, vận động thường xuyên, vui vẻ mỗi ngày là tốt nhất. Cuộc sống đầy rẫy những nỗi sợ. Đôi khi đổi lại chút an toàn mà chúng ta đánh đổi cả ước mơ của mình, có đáng không”?
Có thể nói, nếu việc hồi hương, trước kia thường xảy ra ở người già, người về hưu, thì nay có một số lượng đông đảo người trẻ làm cho tiến trình hồi hương trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Đành rằng, có những người trở về quê trong đợt dịch này như một sự lánh nạn, cực chẳng đã, sau dịch có một số về lại thành phố. Nhưng cũng sẽ có nhiều người ở lại như một xu thế mới của nhiều bạn trẻ, họ tìm những lối đi, những giá trị và sự thành công cho riêng mình! Không nhất thiết phải là nơi phồn hoa, phố thị…
Phương Uyên