Trong số những người yêu sách, có những người có mối quan tâm rất đặc biệt đối với sách cũ. Sách cũ nghĩa là sách không còn mới nữa, từng được sử dụng. Đồ cũ, chẳng mấy ai thích mặc lại. Nhưng sách cũ thì không ít người mê. Bởi sách cũ không giống như đồ cũ. Sách cũ có linh hồn riêng của nó.
Tất nhiên, người ta có nhiều lý do để mê sách cũ. Sinh viên thích, vì rẻ hơn nhiều so với sách mới. Người mê sách, nhà nghiên cứu, khảo cứu thì tìm được những quyển sách “độc lạ” mà giờ đây không còn xuất bản nữa. Riêng tôi, thích sách cũ, chỉ vì thích. Những trang giấy màu nâu sậm nham nhám. Những quyển sách mà bìa giấy mỏng đã sờn với lối in cổ xưa. Mùi âm ẩm, ngai ngái của giấy cũ. Không hiểu sao, chúng lại thu hút tôi đến thế.
Thời mới ra trường, tôi có cái thú đi săn sách ở những hiệu sách cũ trong thành phố. Sài Gòn có hai con đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Nhân Tôn thời ấy nổi danh là “đường sách cũ”, thời điểm thịnh vượng có đến vài chục cửa hiệu trên mỗi con đường, khách khứa ra vào tấp nập. Tôi còn nhớ, một hiệu sách ở Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn gần đối diện Bệnh viện Từ Dũ, đó là nơi của giới yêu sách thường lui tới. Ở đấy thật sự là thiên đường của sách cũ với các thể loại sách chất cao như núi. Bước vào là choáng ngợp với lượng sách, với mùi của sách xưa. Có những lúc, không có tiền trong túi mà thèm sách quá, chỉ cần bước vào đấy ngắm, thấy tâm hồn mình cũng đã no nê thỏa thuê rồi.
Cái cửa hiệu sách ấy, thoạt nhìn có vẻ quá nhiều sách, gây ra lộn xộn, nhưng đó là cái lộn xộn trong trật tự. Và ông chủ tiệm là chiếc trục cân bằng giữ cho những quyển sách quay đều trong quỹ đạo của thiên đường sách này.
Trong kí ức mơ hồ của mình, tôi chẳng còn nhớ người đàn ông ấy tên gì, bao nhiêu tuổi. Chỉ nhớ rằng, bao giờ ông cũng làm cho người mua ngạc nhiên. Người mới thì kinh ngạc. Có người không tin nổi. Bởi trong hàng tấn sách, hỏi ông một bìa sách, ông có thể trả lời ngay rằng quyển ấy ông có bán hay không. Thậm chí, nếu có sách, ông còn có thể đến ngay đúng vị trí mà lấy quyển sách ra một cách nhanh chóng. Ông chủ tiệm lạ lùng chính là linh hồn của hiệu sách. Không hiểu sao, thời ấy tôi thường hình dung, một lúc nào đó, khi mình bước sâu vào cửa hiệu hun hun đầy thần bí, xuyên qua những chồng sách cũ, biết đâu lại chẳng bắt gặp một thế giới khác, đầy huyền diệu được mở ra từ những trang sách cũ?
Ở hiệu sách cũ này, tôi đã tìm ra những quyển sách quý báu. Đó là những quyển truyện thiếu nhi tôi từng say mê thời thơ ấu, mà lớn rồi không tái bản nữa, tìm hoài không thấy. Những quyển sách mà tôi từng đến nhà người bạn nhỏ chơi, mượn đọc ngấu nghiến, in vào những năm một nghìn chín trăm tám mấy. Mỗi lần mua được một quyển sách cũ mà mình ưng ý, mở sách ra, lật từng trang sách nâu cũ, lòng lâng lâng. Cái vui ấy theo mình đến tận mấy tuần liền.
Cũng ở hiệu sách cũ, tôi nhiều lần mua được những quyển sách khá đặc biệt. Sách còn nguyên chữ kí, nguyên lời đề tặng. Có những người bạn tặng nhau. Có những người tình gửi sách cho nhau như món quà kỉ niệm. Có cha mẹ tặng con sách vào ngày đặc biệt trong đời… Tôi còn nhớ, có lần bắt gặp lời đề tặng như thế này: “Thương tặng con trai của cha. Quyển sách này cha đã tìm rất lâu mới thấy, cha nghĩ nó thực sự là quyển sách dành cho con. Cha không mong con sau này thành đạt hay giàu có lớn lao, cha chỉ mong con làm một người tử tế. Mong rằng sách sẽ là người bạn trung thành và tin cậy theo con trong suốt cuộc đời”.
Còn có cả những ghi chú nhỏ của người đọc khi đọc đến dòng mình tâm đắc. Mỗi một dòng chữ đem theo tình thương yêu, sự gửi gắm, lời cầu chúc... Và như vậy, với tôi, những quyển sách cũ ấy thật diệu kì. Tôi thường mường tượng, không biết những người như thế nào đã từng cầm trên tay quyển sách này? Quyển sách cũ kĩ nhỏ bé đã gắn liền với những chủ nhân ra sao, từng chứng kiến số phận của họ, chứng kiến bao bể dâu, bao đổi dời của lịch sử?
Với tôi, sách cũ không chỉ đơn thuần là sách. Nó là nơi chứa đựng lịch sử, số phận và kí ức. Phải chăng vì thế mà tôi yêu sách cũ đến thế?
Nhưng giờ đây, Sài Gòn đã bặt bóng các cửa hiệu sách cũ đi nhiều lắm. Những con phố Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Nhân Tôn hầu như không còn mấy hiệu sách cũ nữa. Vài năm trước, ông chủ hiệu sách cũ nổi tiếng, lâu đời nhất Thủ Đức cũng tuyên bố phá sản vì bị lấy lại mặt bằng. Nay, ông chuyển về một kiot ở đường sách Nguyễn Văn Bình.
Giờ đây, có lẽ đường sách Nguyễn Văn Bình là nơi tập trung nhiều hiệu sách cũ nhất Sài Gòn, với 3 cửa hiệu. Nhưng với riêng tôi, những hiệu sách cũ đầy ngăn nắp, sắp đặt, sách được bao bọc cẩn thận và đôi khi giá còn cao hơn sách mới ấy, vẫn thiếu thiếu đi cái gì đó thân thương của sách cũ mà tôi không cắt nghĩa được.
Giờ đây, con người có quá nhiều thú giải trí để mà lựa chọn. Ngay cả sách mới cũng chật vật trong cuộc đua thời thế, còn phải đổi mới mình hằng ngày, hàng giờ thì sách cũ còn mấy ai để tâm đến. Tôi có một chị bạn say mê sưu tầm sách cũ. Đặc biệt là những quyển sách của những tác giả Việt Nam xưa. Có những quyển còn nguyên chữ kí của tác giả. Thú vui ấy thật hiếm hoi và lạc loài với thời đại, nhưng thật đáng quý làm sao.
Có lần, một người bạn thành đạt của tôi đến Sài Gòn chơi. Tôi đã năn nỉ anh từ nhiều lần trước để lần ấy, anh từ chối những chầu nhậu triền miên, theo tôi đi vào một hiệu sách cũ. Anh say mê mua rất nhiều quyển về phong tục, văn hóa của Việt Nam. Anh bảo, anh như tìm được thời thanh xuân lâu rồi để lạc mất.
Có lẽ, trở về, anh sẽ để quên những quyển sách ấy trên kệ, vì không có thời gian đọc. Có thể, anh sẽ không lúc nào còn có thể đi lang thang các hiệu sách cũ, vì công việc cuốn đi. Nhưng giây phút được sống lại tuổi trẻ trong một hiệu sách cũ sẽ còn mãi trong trái tim anh.
Như tôi giờ đây, hiếm khi đọc sách cũ. Những dòng chữ quá nhỏ, màu sách nâu buồn và khiến tôi khó khăn khi thưởng thức. Nhưng thói quen mua sách cũ vẫn còn. Tôi vẫn mua, trân trọng đặt chúng lên kệ sách của mình, cùng với những quyển thơm mùi giấy mới. Vì cái cảm giác sung sướng, bồi hồi khi cầm trên tay quyển sách cũ mà mình yêu thích.
Vì kí ức thì bao giờ cũng cần được lưu giữ, nâng niu.