Cổ phần hóa bế tắc do vườn chè (!?)

(PLO) - Nghe có vẻ khôi hài nhưng lý do lớn nhất khiến việc cổ phần hóa Tổng Công ty Chè Việt Nam đến nay vẫn chưa thể thực hiện được là do quan điểm giữa Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “đá nhau” quanh chuyện có nên định giá lại các vườn chè đã giao khoán cho nông dân…  
Các doanh nghiệp chè bế tắc cổ phần hóa do vướng mắc chuyện định giá vườn chè đã giao khoán
Doanh nghiệp la ó
Theo TS. Nguyễn Hữu Tài, Phó Tổng Giám đốc TCty Chè Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quan niệm là để nguyên trạng trong khi Bộ Tài chính thì đòi đánh giá lại vườn chè khi xác định giá trị doanh nghiệp (DN) để cổ phần hóa (CPH). Do hai Bộ không thống nhất được quan điểm nên Bộ NN&PTNT làm văn bản cầu cứu  Thủ tướng có biện pháp can thiệp.    
Theo tìm hiểu của PLVN, việc các DN thuộc TCty Chè Việt Nam phải giao khoán các vườn chè cho các hộ gia đình là thực hiện theo Nghị định 01/NĐ – CP ngày 4/1/1995 và Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ. Theo hợp đồng giao khoán, khi người nhận khoán trả hết giá trị vườn chè và giá trị khoán thì vườn chè sẽ thuộc về người nhận khoán. Thời hạn nhận khoán theo quy định kéo dài 20-50 năm nhưng trên sổ kế toán của DN (nông trường) vẫn bắt buộc phải theo dõi giá trị vườn chè, có tính khấu hao giá trị. 
Quy định này bình thường thì không sao, nhưng khi CPH thì lại sinh chuyện. Bởi theo quy định, khi tiến hành xác định giá trị DN để CPH vẫn phải đánh giá lại giá trị vườn chè còn lại mức thấp nhất là 20% nguyên giá. Bắt buộc này làm cho giá trị vốn nhà nước tại DN đột ngột tăng khống lên khiến đồng loạt các DN chè nằm trong diện phải CPH la ó. 
Theo Bộ NN&PTNT, các DN không chấp nhận việc định giá lại vườn chè làm tăng khống vốn nhà nước dẫn đến việc CPH vườn chè rất khó thực hiện và bị chậm trễ. “Cái lý của các ông đòi đánh giá lại  cho rằng vườn chè là tài sản của Nhà nước giao khoán nên họ có quyền định giá lại. Trong khi vườn chè là loại tài sản có tính đặc thù, nó là sinh vật sống nên không thể có quan điểm sở hữu như vậy được”- ông Tài cho biết. 
Trông chờ vào Thủ tướng 
Phó Tổng Giám đốc TCty Chè Việt Nam cho biết ông không đồng tình quan điểm của Bộ Tài chính vì nó phi thực tế và ảnh hướng tới nông dân trồng chè: “100% diện tích chè đã giao khoán cho các hộ gia đình, họ đã ký hợp đồng, đóng tiền với các Cty rồi đầu tư vào vườn chè, nay bắt đánh giá lại vườn chè để tăng vốn nhà nước là cách làm vô cùng sai. Tôi cho rằng, muốn định giá lại thì phải đợi hết thời hạn hợp đồng chứ không thể máy móc như vậy”.
TS.Tài cho biết thêm, trước sự việc rắc rối này, cũng có quan điểm đòi bỏ vườn chè giao khoán ra ngoài sổ sách nhưng ông nói làm thế thì sai lại càng sai. Ông cho rằng, bà con đang chấp hành nghiêm chỉnh hợp đồng đã ký kết thì cần để nguyên trạng theo sổ sách kế toán, Cty cổ phần phải thừa kế các hợp đồng đó. 
Ông Tài so sánh, hợp đồng giao khoán cũng giống như Tổng Cty đang có một hợp đồng bán chè cho nước ngoài, nhưng nếu việc CPH diễn ra khi hợp đồng này vẫn đang thực hiện thì Cty cổ phần phải thừa kế hợp đồng đó chứ không lẽ lại đi phá vỡ hợp đồng, không cung ứng cho đối tác. “Đó là chưa kể ở ta, bà con đang gặp rất nhiều khó khăn về đời sống mà lại đi làm cái việc phi thực tế ấy, theo tôi là không nên. Không chỉ DN họ không chấp nhận mà người dân nhận khoán cũng sẽ phản ứng nếu chuyện định giá lại vườn chè xảy ra”- TS. Tài  nhấn mạnh. 
Theo lãnh đạo TCty Chè Việt Nam, hiện Tổng Cty đã hoàn thành việc kiểm toán và xác định xong giá trị DN. Hồ sơ đã đưa lên Bộ NN&PTNT xem xét trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, những bất cập đang gặp phải khiến CPH DN chè vẫn là bài toán khó gỡ với Bộ NN&PTNN. Nếu chủ trương được tiến hành thuận lợi và nhanh chóng, chắc chắn tình hình kinh doanh nông nghiệp Việt Nam sẽ có bước khởi sắc đáng kể. Nhưng xem ra, cho đến nay bất đồng quan điểm giữa các bộ, ngành liên quan sẽ khiến báo cáo tài chính 2014 của TCty Chè Việt Nam chưa có điểm sáng. 
“Phương án CPH, trong đó có quan điểm để nguyên trạng không định giá lại vườn chè, cuối cùng phải được Thủ tướng duyệt mới tiến hành được nên giai đoạn này lại phải chờ thôi”- Phó Tổng Giám đốc TCty Chè Việt Nam nói. 
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của TCty Chè Việt Nam, doanh thu bán sản phẩm và hàng hóa đạt 233 tỷ đồng (giảm 7% so với năm 2012), khoản giảm trừ hàng bán bị trả lại 2,5 tỷ, khoản này chủ yếu do chè phân phối đi các cửa hàng, đại lý không bán được. Doanh thu ngày càng giảm chủ yếu do thị trường chè nội (tự sản xuất, đóng gói, phân phối) hoạt động mạnh, người dân thường mua chè gói với tâm lý “chè đóng gói là chè có kèm phụ gia, không còn nguyên chất”, như vậy, hệ thống bán lẻ chưa chưa có khả quan. Lợi nhuận năm 2013 đạt 986,75 triệu đồng, giảm 17% so với năm 2013. 

Đọc thêm