Cơ quan, doanh nghiệp Đà Nẵng có 4 giờ để giao ca, đổi lao động vào sáng 26/8

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều tối 25/8, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, các công ty, doanh nghiệp tại thành phố sẽ được tranh thủ từ 5h đến 9h ngày mai (26/8) để giao ca, đổi nhân lực, sau đó tiếp tục thực hiện nghiêm quyết định phong tỏa.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng).
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng).

Theo đó, ngày 26/8, Đà Nẵng sẽ triển khai một số biện pháp phòng chống dịch mới, tuy nhiên, về cơ bản thì tinh thần, nội dung vẫn giống với những quyết định trong thời gian qua. Nhưng sẽ có 2 mục tiêu lớn cần thực hiện là đảm bảo cung ứng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân và để những hoạt động có tính chất cơ bản của thành phố được vận hành.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết thêm, từ 5h đến 9h ngày mai, 26/8, là thời gian để các công ty, doanh nghiệp, cơ quan đổi người, đổi ca kíp, nhân lực. Do đó, ông Quảng yêu cầu các lực lượng tuần tra nhắc nhở người dân, công nhân từ các nhà máy về nhà và từ nơi ở đến nơi công tác để thực hiện việc đổi ca.

Trong ngày 26/8, Văn UBND thành phố Đà Nẵng sẽ thành lập các tổ kiểm tra các công việc trong thời điểm chuyển giao, công nhân thay ca. Đặc biệt, tại các địa phương như quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà, có lượng công nhân tương đối lớn nên sẽ được lực lượng chức năng quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

“Phải kiểm soát chặt chẽ để thực hiện tốt việc 1 cung đường 1 điểm đến, tuyệt đối không được tập trung buôn bán, mua hàng ở siêu thị, cửa hàng. Từ 5-9h duy trì kiểm tra đột xuất, không tổ chức chặn ở các chốt để kiểm tra. Sau 9h thực hiện tuyệt đối kiểm tra, xử lý nghiêm tất cả những người còn ngoài đường, ngoài các cơ sở được phép hoạt động, kể cả các cơ quan”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu.

Bí thư Nguyễn Văn Quảng cũng đề nghị từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường tập trung, chủ động xây dựng phương án cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân địa phương mình. Đồng thời, lưu ý phương án cho mở lại cửa hàng tạp hóa, chỉ cho phép ở các khu vực rộng rãi, thông thoáng, tuyệt đối không cho mở ở các kiệt, hẻm vì nguy cơ ở đây là rất lớn.

“Riêng chợ thì nghiên cứu mô hình chợ tạm ở các phường như quận Sơn Trà, tuy nhiên đảm bảo tốt hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các điều kiện phòng chống dịch", ông Quảng nói và yêu cầu lực lượng công an, quân đội phối hợp tham gia hỗ trợ cung ứng lương thực cho người dân. Các lực lượng khác cũng phải tham gia phối hợp để hỗ trợ để phục vụ nhu cầu thiết yếu người dân một cách hiệu quả hơn.

Đọc thêm