Có thể hết tháng 9/2021, TP HCM mới cơ bản kiểm soát được dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới trong phòng chống dịch đối với biến chủng Delta, có thể nói rằng khó có thể “quét sạch F0” trong một thời gian nhất định trên một địa phương, một địa bàn lớn có đặc điểm phức tạp như TP HCM.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thăm các tiểu thương Chợ đầu mối Bình Điền trong ngày hoạt động trở lại.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thăm các tiểu thương Chợ đầu mối Bình Điền trong ngày hoạt động trở lại.

Theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội, Chính phủ yêu cầu TP HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9.

Bởi lẽ, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư có tốc độ lây rất nhanh, ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn TP HCM. Điều này khiến cho số người bị nhiễm rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe và đời sống nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trên yêu cầu đó, bắt đầu từ cuối tháng 8/2021, TP HCM đã tập trung thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”. Đồng thời, Thành phố cũng thực hiện phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch.

Việc thần tốc xét nghiệm diện rộng đã giúp phát hiện sớm các trường hợp F0 để theo dõi, chăm sóc và điều trị; công tác tiêm chủng vắc xin vượt tiến độ ban đầu đề ra. Từ ngày 7/9 đến nay, Thành phố ghi nhận những kết quả ngày càng sáng sủa hơn hai tuần trước qua từng con số thống kê ở 21 quận huyện và TP Thủ Đức.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên trong cuộc họp vào chiều tối 11/9, có thể TP HCM không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9 theo nghị quyết 86 của Chính phủ, mà chỉ có một số quận, huyện hoàn thành. Bởi từ kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới trong phòng chống dịch đối với biến chủng Delta, có thể nói rằng khó có thể “quét sạch F0” trong một thời gian nhất định trên một địa phương, một địa bàn lớn có đặc điểm phức tạp như TP HCM.

Đường phố TP HCM vắng lặng trong những ngày giãn cách.

Đường phố TP HCM vắng lặng trong những ngày giãn cách.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Nên đã giao Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố thảo luận để có văn bản sớm xin ý kiến của Chính phủ, xin thêm một thời gian nữa, có thể tới hết tháng 9/2021 để tập trung thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết 86.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy TP HCM yêu cầu tất cả các lực lượng phải bám sát những trụ cột chính trong phòng chống dịch để TP HCM từng bước khôi phục hoạt động “bình thường mới” ở từng lĩnh vực vì việc áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt cũng không thể kéo dài đến quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Nên xác định, chiến lược y tế là một trong những trụ cột khi mở cửa trở lại. Ông yêu cầu phải củng cố lại hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở và đến trung tâm y tế cấp quận, cấp thành phố. Cần có cơ chế, chính sách thu hút, quy tụ y tế tư nhân và không chỉ tây y mà cần phát huy, kết hợp với đông y, y học dân tộc tham gia phòng chống dịch.

Mặt khác, về vấn đề xã hội, ông Nguyễn Văn Nên chỉ đạo, phải có chính sách nhà ở cấp tốc cho người dân, công nhân, người lao động trên địa bàn TP HCM để “chia lửa”, giảm tải các khu nhà trọ chật hẹp hiện nay. Ông Nên nhấn mạnh, việc giãn cách hay nới lỏng đến mức độ nào còn phụ thuộc vào chuyển biến tình hình dịch bệnh và nguy cơ của từng khu vực, từng địa bàn. Phương châm chung của TP HCM phải an toàn trên hết. “Phải đảm bảo an toàn mới hoạt động và sản xuất phải an toàn”, ông Nên khẳng định.

Trước đó, tại Hội nghị tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, hoàn thiện dự thảo kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn sau ngày 15/9, UBND TP HCM đã đưa ra ba giai đoạn phục hồi.

Cụ thể, Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 - 31/10), cá nhân, lao động có Thẻ xanh COVID có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại)…

Giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10/2021 đến 15/1/2022), Thành phố sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có Thẻ xanh COVID gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).

Đến giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022), Thành phố lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có Thẻ xanh COVID.

Về vấn đề Thẻ xanh COVID, hiện nay Thành phố đang tính toán quy định Thẻ xanh COVID đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine, Thẻ vàng COVID với người đã tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19, dự kiến áp dụng trong việc kiểm soát giãn cách xã hội cho giai đoạn phục hồi kinh tế từ sau ngày 15/9.

Đọc thêm