Cởi trói cho doanh nghiệp phát triển

(PLO) - Hôm nay (23/6), Chính phủ sẽ họp phiên chuyên đề để nghe, cho ý kiến và thông qua các văn bản quy định chi tiết thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư nhằm tránh các “lỗ hổng” pháp lý từ ngày 1/7/2016 để triển khai thi hành hai luật này.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Gạt bỏ các quy định không phải là điều kiện kinh doanh

Hiện các bộ đã chuẩn bị 51 nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết 2 luật, trong đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định 49 nghị định. Người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, việc thẩm định các Nghị định đã được thực hiện rải rác, tập trung trong thời gian cuối tháng 4 và tháng 5/2016 và do 03 đơn vị xây dựng pháp luật thực hiện; tiến độ thẩm định được thực hiện trong 7 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đối với từng dự thảo.

Bộ Tư pháp khẳng định, trong quá trình thẩm định từng dự thảo nghị định, Bộ Tư pháp luôn đặt vấn đề về sự cần thiết của các quy định của điều kiện đầu tư kinh doanh theo đúng quy định của Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014. 

Hội đồng tư vấn thẩm định cũng như trong công văn thẩm định luôn quan tâm đến việc kiểm soát thủ tục hành chính - một vấn đề thường đi liền với điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo thống kê, qua thẩm định các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó quy định trung bình hơn 10 thủ tục hành chính/dự thảo nghị định, nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tiến hành đánh giá tác động của các thủ tục hành chính (TTHC) hoặc đánh giá chưa theo đúng yêu cầu. Một số quy định TTHC còn chưa phù hợp, tạo gánh nặng TTHC cho doanh nghiệp. Các nội dung này đã được Bộ Tư pháp có ý kiến chi tiết trong từng báo cáo thẩm định.

Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, một số cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp tích cực với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị định cũng như các hồ sơ, tài liệu kèm theo, qua đó nâng cao chất lượng dự thảo Nghị định theo đúng quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

“Cắt gọt” các yêu cầu về điều kiện đầu tư kinh doanh

Theo Bộ Tư pháp mặc dù các điều kiện đầu tư kinh doanh hầu hết được nâng từ thông tư lên nghị định nhưng không phải vì thế mà công tác thẩm định bị coi nhẹ. “Chúng tôi đã chủ động nghiên cứu, có ý kiến đối với các điều kiện đầu tư kinh doanh nếu không cần thiết, không hợp lý, thiếu minh bạch, không rõ ràng.

Các điều kiện đầu tư kinh doanh mang tính can thiệp hành chính, không phù hợp với việc bảo đảm cạnh tranh, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp hoặc mục tiêu quy định điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp với quy định của Hiến pháp và Điều 7 Luật Đầu tư đều được Bộ Tư pháp quan tâm, có ý kiến trong các công văn thẩm định” - Người phát ngôn của Bộ Tư pháp khẳng định. 

Quan điểm của Bộ là “cắt gọt” các yêu cầu về điều kiện đầu tư kinh doanh, làm rõ ràng, cụ thể, minh bạch các yêu cầu sau “cắt gọt”… Vì vậy, về cơ bản, bảo đảm chất lượng thẩm định.

Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với Lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ về các nghị định, điều kiện đầu tư kinh doanh để phân tích, mổ xẻ và đề xuất biện pháp khắc phục trong các cuộc họp này.

Không những thế, trong các cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ với các bộ liên quan về các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong thời gian vừa qua, đại diện Bộ Tư pháp luôn nêu các bất cập, quan ngại về đề xuất giải pháp cụ thể để khắc phục, hoàn thiện.

Đọc thêm