Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết với vùng đất lưu dấu nhiều chứng tích và truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của quân và dân cả nước, việc xây dựng một sân bay xứng tầm tại Côn Đảo còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm chính trị và mong muốn đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nhất là trong bối cảnh sân bay nơi đây đã quá tải.
Đồng thời, ông Nguyễn Hoàng Anh cũng yêu cầu ACV phải tiếp tục làm việc với bên đơn vị tư vấn để đánh giá lại tổng thể mọi khía cạnh, nhanh chóng báo cáo Bộ GT-VT và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về phương án cuối cùng. Tránh tình trạng đầu tư xong lại điều chỉnh, nâng cấp gây lãng phí.
Theo quy hoạch được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt, sân bay Côn Đảo được quy hoạch là cảng hàng không nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự; được quy hoạch cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Sân bay này cũng được quy hoạch công suất 2 triệu hành khách/năm và 4.400 tấn hàng hóa/năm, có thể khai thác máy bay code C hoặc tương đương. Sân bay có tổng số 8 vị trí đỗ tàu bay.
Tổng mức đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo ước tính là gần 4.000 tỷ đồng. Một phần sử dụng vốn ngân sách (kéo dài đường băng, mở rộng sân đỗ, hệ thống đèn), một phần sử dụng vốn doanh nghiệp (nhà ga hành khách, công trình quản lý bay). Dự án có thể khởi công đầu năm 2023 và hoàn thành trong 8 tháng thi công.
Trước đó, Cục Hàng không đã đệ trình lên Bộ GTVT phương án đóng cửa sân bay Côn Đảo từ tháng 4-12/2023 để phục vụ công tác nâng cấp, mở rộng.