(PLO) - Trong phiên thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) - Chủ tịch UB Tư pháp QH - lại một lần nữa đưa ra nhận xét xác đáng, những đề nghị thẳng thắn.
Lấy dẫn chứng từ những vụ án khiến dư luận kinh hoàng như vụ Vụ Nguyễn Đức Nghĩa - Hà Nội, Lê Văn Luyện - Bắc Giang; hay gần đây là 3 vụ án giết cả gia đình nạn nhân ở Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga cảnh báo các vụ giết người trong xã hội vừa qua có những đặc điểm không bình thường.
Điểm "không bình thường" mà ĐB nhận xét là thủ phạm trẻ, nhiều vị thành niên, là những người bình thường, không phải băng nhóm xã hội đen. Đáng lưu ý hơn," nguyên nhân gây án lại vụn vặt, bột phát, không có dự mưu nhưng hành động cực kỳ dã man, tàn ác, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng; giết cả những người không trực tiếp mâu thuẫn trong đó có trẻ em, người già", bà nói
Phân tích sâu xa hơn bà đề cập giáo dục nhân cách. Bà nhấn mạnh những thanh niên chưa có tiền án, tiền sự mà gây án với phương thức dã man, tàn ác thể hiện sự không bình thường trong phát triển nhân cách: "Chúng ta đã chưa thành công trong giáo dục nhân cách đối với một bộ phận thanh, thiếu niên dưới cả 3 góc độ: giáo dục xã hội, nhà trường và gia đình".
Về giáo dục xã hội, bà cho rằng những biểu hiện mất công bằng, lối sống thiếu gương mẫu, trục lợi, tham nhũng, chạy chức quyền của một bộ phận người trưởng thành tác động hàng ngày đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến việc hình thành nhân cách lớp trẻ.
Việc giáo dục kỹ năng ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong môi trường sống phức tạp chưa được quan tâm đúng mức cũng đã khiến một bộ phận giới trẻ bế tắc, mất phương hướng. Nhiều người trẻ có xu hướng hành động thiếu kiềm chế, thể hiện bản năng, dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn.
Liên hệ với trường hợp ở Bình Phước, bà cho rằng nhiều người trẻ quá cuồng vọng về cuộc sống, chưa quen với thất bại nên mang tâm lý đầy hận thù khi mục tiêu không đạt được, dẫn đến hành vi tàn ác, giết cả nhà người yêu chỉ vì tình cảm đổ vỡ.
Một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ phạm tội, bà Nga nhận định là do lỗi của gia đình: Không ít gia đình chỉ chú trọng đến nuôi mà ít quan tâm đến giáo dục con, phó mặc cho người giúp việc, cho nhà trường, cho xã hội. Do đó tâm lý, hành vi của con phát triển theo hướng nào cha mẹ không hay. Nhiều vụ cha mẹ bàng hoàng, kinh ngạc, thậm chí ngất xỉu khi biết con mình giết người.
Nguyên nhân tiếp theo là do nhà trường, chưa quan tâm đúng mức đến việc trang bị kỹ năng sống, học để tương tác, dung hòa với các mối quan hệ xã hội ngày càng phức tạp. "Giáo dục đạo đức, giáo dục công dân công thức và xơ cứng, hiệu quả thấp; lại không phải là môn học có tính chất quyết định khi chuyển cấp, tốt nghiệp nên bị ngay cả nhà trường, học sinh và phụ huynh coi nhẹ"...
Bà Nga cũng không loại trừ nguyên nhân của sự bùng nổ thông tin, những luồng thông tin độc hại, game, phim ảnh bạo lực đã tác động xấu vào giới trẻ. Nhiều em sống đời sống tinh thần ảo. Hình ảnh bạo lực tác động thường xuyên, lâu dài đã góp phần đánh thức phần bản năng xấu, khiến các em trơ lì cảm xúc phản ứng với cái ác, hướng các em tới hành vi bạo lực. Nhiều thủ phạm giết người có tiền sử nghiện game bạo lực....
Từ những phân tích của mình, ĐB Nga kiến nghị:
QH cần coi thực trạng xảy ra liên tiếp các vụ giết người dã man, tàn ác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần đưa vào nội dung Nghị quyết. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để có giải pháp chặn đứng và phòng ngừa.
Chính phủ cần chỉ đạo ngay các cơ quan có chức năng nghiên cứu tội phạm, nhất là các Trung tâm tội phạm học của ngành Công an sớm nghiên cứu thực trạng trên để có giải pháp.
Các bộ, ngành cần đề cao trách nhiệm của mình đối với các nguyên nhân trên và đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành sớm có giải pháp.