Còn nhiều bất cập về cơ chế lồng ghép nguồn lực các Chương trình mục tiêu quốc gia

(PLVN) - Mặc dù chính sách phát triển nông thôn có đóng góp quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt nông nghiệp nông thôn, từng bước nâng cao đời sống người dân, song các văn bản hướng dẫn vẫn còn nhiều bất cập về cơ chế lồng ghép nguồn lực các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), cơ chế phân cấp, phân quyền, cơ chế quay vòng.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục KTHT&PTNT

Sáng 9/4, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (KTHT&PTNT) (thuộc Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 .

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục KTHT&PTNT nhấn mạnh, với quan điểm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, trọng tâm, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch. KTHT&PTNT đã cơ bản thiết lập được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách ở hầu hết các lĩnh vực.

Một số lĩnh vực như phát triển trang trại, cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay cũng đã trình hoặc đang xây dựng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành cũng đã được Cục KTHT&PTNT kịp thời tham mưu cho Bộ ban hành các Kế hoạch hành động hoặc Văn bản hướng dẫn để các địa phương làm cơ sở, căn cứ triển khai thực hiện.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn về hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Cục KTHT&PTNT đã tham mưu cho Bộ ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Sản phẩm của các địa phương giới thiệu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Thanh)

Đến nay đã có một số kết quả, đó là: 48/48 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình đã ban hành quy định mức vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; có 45/48 tỉnh đã ban hành cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; 63/63 tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 và năm 2023; 42/48 tỉnh ban hành quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

“Các địa phương đã chủ động tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, thực hiện các cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh…” - bà Nguyễn Thị Hoàng Yến cho hay.

Theo báo cáo của 56 tỉnh thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã thực hiện được 682,051 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp trên 1.100 dự án cho khoảng 37.520 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, trung bình từ 300 - 500 triệu/dự án; 100% hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức 371 lớp tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị với 17.245 người tham gia.

Ngoài ra, một số địa phương như Bắc Kạn, Cao Bằng, Nghệ An, Ninh Bình, Thái Nguyên… cũng đã tổ chức các hoạt động về truyền thông, tuyên truyền và tập huấn, hội nghị, hội thảo nhằm góp phần tuyên truyền phổ biến các điểm mới trong cơ chế chính sách, giúp đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã giải đáp các thắc mắc trong công tác triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến hỗ trợ phát triển sản xuất.

Sản phẩm địa phương giới thiệu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Thanh)

Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Cục KTHT&PTNT, giai đoạn 2021 - 2025, có nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng thời trên cùng một địa bàn; các Chương trình lại do các cơ quan khác nhau chỉ chỉ đạo, triển khai thực hiện dẫn đến dàn trải về nguồn lực; cơ chế lồng ghép các nguồn vốn giữa các Chương trình MTQG khó thực hiện.

Đặc biệt, hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình từ Trung ương chậm, chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Tại địa phương do quan điểm trông chờ hướng dẫn của Trung ương dẫn đến công tác tham mưu, đề xuất ban hành của địa phương còn chậm.

Các văn bản hướng dẫn còn nhiều bất cập về cơ chế lồng ghép nguồn lực các Chương trình MTQG, cơ chế phân cấp, phân quyền, cơ chế quay vòng. Các Văn bản của TW phải sửa đổi, bổ sung nhiều, khó khăn cho việc triển khai của địa phương (Nghị định 38/2023/NĐ-CP; Thông tư 55/2023/TT-BTC).

Đặc biệt là dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng giao cho cộng đồng không đủ năng lực để thực hiện theo hồ sơ hướng dẫn; dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị khó tìm được chủ trì liên kết.

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương cũng chia sẻ những kết quả đạt được cũng như những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách và mong muốn sớm được tháo gỡ.

Theo Lãnh đạo Cục KTHT&PTNT, trong năm 2024 đơn vị sẽ hoàn thiện và trình Bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.

Đồng thời đề nghị Văn phòng Chính phủ quan tâm, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; Nghị định về cơ giới hoá, cơ giới hoá đồng bộ trong nông nghiệp.

Đọc thêm