Công an Quảng Bình kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tội phạm trên không gian mạng

(PLVN) - Thời gian qua, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, do xu thế phát triển của khoa học, công nghệ. Nổi lên là tội phạm lừa đảo và đánh bạc trên không gian mạng với nhiều loại hình đa dạng và nhiều phương thức, thủ đoạn mới.
Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Quảng Bình.

Theo Công an Quảng Bình, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, ngoài việc đem lại lợi ích, không gian mạng cũng có nhiều rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra, gây thiệt hại rất lớn đến người dân và xã hội. Bởi không gian mạng cũng là môi trường hoạt động của các loại tội phạm như: lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng các hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet…

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các đối tượng phạm tội còn lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông qua mạng xã hội facebook, zalo, tài khoản ngân hàng… Đây là những thách thức lớn, cho công tác điều tra, phá án tội phạm sử dụng công nghệ cao trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

Nhiều tang vật, tài liệu liên quan vụ án bóc gở đường dây thu thập, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt gần 1.000 tỉ đồng.

Điển hình là chuyên án TVC6 bóc gỡ đường dây thu thập, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng, 15 đối tượng liên quan với tổng số tiền giao dịch, chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng. Tại thời điểm sau khi xác lập chuyên án, dịch bệnh COVID-19 diễn ra rất phức tạp. Mỗi lần đi các nơi xác minh đều phải có ý kiến của lãnh đạo Công an tỉnh. Mỗi tháng Phòng chỉ dám cử 2 tổ đi, khi về phải xét nghiệm, cách ly… vô cùng vất vả. Phải mất gần 5 tháng ròng rã, Phòng An ninh mạng mới xác định được từng nhóm đối tượng hoạt động ở nhiều tỉnh, thành để đồng loạt phá án thành công. Thật khó để nói hết lời khi những chiến công được đánh đổi bằng hiểm nguy như thế...

Hoạt động lợi dụng không gian mạng để đánh bạc và tổ chức đánh bạc ngày nay được tổ chức rất chuyên nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin bằng cách thiết lập website để người chơi có thể đánh bạc trực tuyến từ các mạng lưới đại lý của các trung tâm cờ bạc lớn trên thế giới vào Việt Nam thông qua mạng Internet… nhằm che giấu thông tin,…gây khó khăn cho sự điều tra, xác minh, xử lý của các lực lượng chức năng.

Để thu hút người chơi, chúng tăng cường quảng cáo đánh bạc, cá độ bóng đá, trò chơi có tính chất cờ bạc trên các website, ứng dụng đông người dùng, ẩn danh để che dấu sự theo dõi của cơ quan chức năng như game lậu, ứng dụng chưa kiểm duyệt, website chứa nội dung vi phạm bản quyền… hay sử dụng các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội ảo lôi kéo hàng nghìn người tham gia đánh bạc nhằm thu lợi bất chính.

Ngoài việc lợi dụng không gian mạng để đánh bạc và tổ chức đánh bạc, các đối tượng phạm tội còn lợi dụng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều hình thức tinh vi, khó nhận biết như: giả lập hệ thống website của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công cho người dân; giả danh công an, quân đội, viện kiểm sát, toà án; dùng kiến thức an toàn thông tin để thực hiện các hành vi phạm pháp như chiếm đoạt tài khoản người dùng mạng xã hội… sau đó xây dựng các kịch bản hoàn hảo, tinh vi đưa người dân vào hoạt động chiếm đoạt tài sản mà không hề có sự nghi ngờ hay phòng bị.

Chị Mai Thị Thủy (SN 1980) trú ở phường Đồng phú, Đồng Hới trình báo chiều ngày 21/3 bị đối tượng lừa đảo nhờ chuyển tiền cho người thân, do Facebook người thân bị hack.

Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Quảng Bình cho biết: Mặc dù đã phá thành công nhiều chuyên án, vụ việc lớn nhưng tôi cảm thấy vẫn chưa đúng với sự kỳ vọng của bản thân. Bởi hằng ngày, hàng giờ nhìn thấy bà con Quảng Bình có thêm người bị hại là điều tôi hết sức trăn trở. Do số lượng người hoạt động trên không gian mạng rất đông, với nhiều thành phần khác nhau. Tuy nhiên do trình độ và nhận thức của một số người còn hạn chế. Bên cạnh đó, không ít người có thói quen tùy tiện trong việc sử dụng các trang mạng xã hội, vô tình đăng nhập vào các đường link chưa được kiểm duyệt, từ đó tội phạm công nghệ cao lợi dung để khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để thực hiện các vụ lừa đảo, thực hiện hành vi chiếm đoạt.

“Sau mỗi vụ án, tôi đều nghiên cứu rất kỷ rồi mới áp dụng cách đi của riêng mình, bởi không phải vụ nào cũng giống vụ nào, cũng có thể chung một hình thức lừa đảo nhưng cách thực hiện hành vi sẻ khác nhau”, Thiếu tá Tuấn đúc rút kinh nghiệm.

Theo dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm hoạt động trên không gian mạng sẽ ngày càng diễn biến phức tạp. Lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình tiếp tục tăng cường lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, các Sở, ngành chức năng để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn thiện các thủ tục, sớm đưa các vụ việc và đối tượng phạm tội ra xử lý, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng tội phạm trên không gian mạng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần có biện pháp tăng cường các hệ thống bảo mật cơ sở quản lý dữ liệu. Đặc biệt, người dân phải hết sức thận trọng khi sử dụng các trang mạng xã hội, tránh để lộ lọt thông tin cá nhân sau mỗi lần đăng nhập, có vậy mới hạn chế được tội phạm công nghệ cao lợi dụng khai thác để thực hiện các hành vi phạm tội, Thiếu tá Trần Anh Tuấn cho biết thêm.

Đọc thêm