Làm giả các Video Call, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để lừa đảo: Các đối tượng giả danh các tài khoản trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, nhắn tin cho các nạn nhân để hỏi vay, mượn tiền. Sau đó, để tạo niềm tin, các đối tượng dùng chính Facebook, Zalo giả chủ động gọi điện video call cho các nạn nhân để lừa đảo.
Các cuộc gọi này thường rất ngắn, chất lượng hình ảnh ở mức thấp, nên nạn nhân có thể nhìn thấy mặt, nhưng không thể nói chuyện rõ ràng và xác minh chính xác.
Đối tượng có thể làm giả Videocall khá dễ dàng, bằng cách xâm nhập (hack) vào Facebook, lấy nhiều ảnh chân dung của chủ tài khoản, từ những góc mặt khác nhau, sẽ tạo ra được một đoạn video về cử động mặt của chủ tài khoản Facebook, sau đó chỉ cần ghi vài giây hình ảnh video của người cần giả mạo rồi phát trên một chiếc điện thoại khác có quay mặt vào camera trước của điện thoại đang gọi. Cách này hình ảnh sẽ xấu nhưng đối tượng có thể lấy lý do nói đang ở chỗ sóng yếu để tắt video.
Ngoài ra, các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake (giả lập sâu) trong AI, phần mềm ghép mặt Face App làm giả Video call bằng cách dùng hình ảnh của các chủ tài khoản Facebook, Zalo, sau đó, các đối tượng ghép được giọng nói để tạo thành một video hoàn chỉnh rồi gọi điện cho nạn nhân để vay, mượn tiền.
Nếu nhìn lướt qua, thấy đúng là hình ảnh của người nhà, bạn bè của nạn nhân; nhưng nếu nhìn kỹ, có thể thấy giọng nói không thật sự giống, hoặc lời nói và khẩu hình bị lệch nhau; tuy nhiên, các nạn nhân vẫn dễ bị các đối tượng lừa đảo.
Để tránh bị các đối tượng lừa đảo thông qua Video Call, người dân cần cân nhắc trước khi đăng tải hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội để các đối tượng dễ dàng sử dụng hình ảnh để tạo lập các video; đồng thời, khi nhận được nhắn tin, gọi điện vay, mượn tiền qua các ứng dụng Zalo, mesenger, cần gọi điện cho bạn bè, người thân xác nhận bằng số điện thoại được lưu trong danh bạ điện thoại, tránh để bị các đối tượng lừa đảo.
Làm giả sao kê tài khoản để lừa đảo: Lợi dụng việc nhiều tổ chức, cá nhân cần có các tài liệu như: Cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản, bảo lãnh dự thầu, để chứng minh năng lực tài chính sử dụng vào việc hoàn thiện hồ sơ dự án xin cấp phép đầu tư, ký kết hợp tác kinh doanh hoặc nhu cầu cá nhân,… các đối tượng đã làm giả các tài liệu này nhằm thu lợi bất chính bằng cách đặt mua máy khắc dấu polyme trên mạng Internet để chế tạo con dấu giả của một số ngân hàng có uy tín, sau đó đặt mua các mẫu giấy in màu có biểu trưng của các ngân hàng này để phục vụ việc làm giả tài liệu.
Khi tìm được người có nhu cầu làm các tài liệu này, các đối tượng đề nghị cung cấp thông tin doanh nghiệp, mã số thuế, số tài khoản, thông tin dự án và số tiền cần xác nhận cấp cam kết tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, bảo lãnh dự phòng,... Thỏa thuận chi phí làm giả số giấy tờ, tài liệu xong, các đối tượng in các nội dung nêu trên lên giấy có biểu trưng của ngân hàng, ký giả chữ ký của lãnh đạo ngân hàng và dùng con dấu polyme giả đóng lên tài liệu.
Để tránh bị lừa đảo bằng hình thức này, các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan, khi nghiên cứu thẩm định hồ sơ xin cấp phép dự án, hợp tác, kêu gọi vốn nước ngoài đầu tư,... cần xem xét, thẩm định kỹ hồ sơ, tài liệu về năng lực tài chính của các doanh nghiệp, cá nhân.
Trường hợp thấy nghi ngờ tài liệu giả, cần liên hệ với ngân hàng đã phát hành văn bản để thẩm định về tính hợp pháp của các loại tài liệu này. Lừa đảo khi nhận cuộc gọi từ đầu số quốc tế: Thời gian gần đây, nhiều trường hợp nhận được các cuộc gọi hoặc nháy máy từ các đầu số nước ngoài như: +375 (Belarus); +371 (Lativa), +381 (Xéc-bi-a), +563 (Valparaiso), +370 (Vilnius), +255 (Tanzania)... những cuộc gọi từ số điện thoại quốc tế nêu trên, đều với mục đích lừa đảo.
Cụ thể: Việc nháy máy nhằm lôi kéo các trường hợp gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn (cước gọi đến số điện thoại vệ tinh trung bình 99.000 đồng/phút, cao nhất có thể đến 150.000 đồng/phút và bị tính cước ngay khi đổ chuông).
Đối tượng gọi điện thoại cho nạn nhân tự xưng là nhân viên điện lực thông báo đang nợ tiền điện, nhân viên chuyển phát thông báo có gói quà từ nước ngoài, nhân viên ngân hàng thông báo đang thiếu nợ, cảnh sát thông báo lỗi vi phạm giao thông hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia...
Các đối tượng nhằm vào tâm lý người nghe rồi yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng và tìm cách hù dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Đối với các cuộc gọi nháy máy từ số quốc tế, người dân không nên gọi lại, chỉ nên gọi lại khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài. Cảnh giác đối với cuộc gọi đến từ số điện thoại lạ với những thông tin nghe mập mờ, không chính xác cần bình tĩnh xác minh, tránh bị các đối tượng lợi dụng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Để chủ động công tác phòng ngừa, ngăn chặn đối với các hoạt động lừa đảo trên, Công an tỉnh thông báo để các cơ quan, doanh nghiệp và người dân biết, cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, tránh bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và các vi phạm pháp luật khác.