Công an Vĩnh Phúc cảnh báo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lợi dụng sự chủ quan, cả tin của nhiều người dân, một số đối tượng đã sử dụng các ứng dụng, mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận 39 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2020), thiệt hại về tài sản hơn 39 tỷ đồng.

Nhiều vụ án liên quan đến sử dụng công nghệ cao, trong đó, từ tháng 4 đến tháng 5/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận và đang kiểm tra, xác minh tố giác tội phạm của nhiều công dân về việc họ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc tham gia nạp tiền đầu tư mở gian hàng ảo trên trang website “Webshopping.cc”; tham gia dự đoán thị trường vàng ảo, tiền ảo trên các ứng dụng như APP, Coolcat, App Gian Digger, Sendofpt.cc…

Tháng 11/2021, cơ quan chức năng cũng đã tiếp nhận vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua Zalo với số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Lợi dụng sự chủ quan, cả tin của người dân, một số đối tượng đã sử dụng tài khoản Zalo gọi điện tư vấn cho vay với lãi suất thấp, không phải thế chấp tài sản.

Bằng nhiều thủ đoạn, các đối tượng liên tiếp yêu cầu người vay phải nộp các khoản phí để rút được tiền vay. Chỉ đến khi không liên lạc được với người cho vay, người dân mới biết mình bị lừa đảo và trình báo công an.

Theo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng và có diễn biến phức tạp. Chúng sử dụng nhiều thủ thuật để đánh cắp thông tin cá nhân, từ đó, tung thủ đoạn đánh trúng tâm lý, cách thức lừa đảo phù hợp với từng người.

Các đối tượng hoạt động thường có tính tổ chức và lên kịch bản rất chi tiết, khó phát hiện. Khi điều tra các vụ án liên quan đến lừa đảo, sự phối hợp của các cơ quan chức năng chưa được chặt chẽ, nhanh chóng, khiến tiến độ điều tra bị chậm, thậm chí không ngăn chặn kịp thời nên nhiều người bị lừa đảo tiếp theo.

Lực lượng Công an khuyến cáo mỗi người dân cần tự trang bị các kiến thức về xã hội và pháp luật, không chuyển tiền theo bất cứ yêu cầu của cá nhân xưng danh tổ chức, cơ quan nhà nước nào qua điện thoại (bởi cơ quan tư pháp không triệu tập hoặc tiến hành các hoạt động tố tụng qua điện thoại).

Cùng với đó, người dân không chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của người lạ, cần phải gọi điện thoại trực tiếp cho người thân để xác thực trước khi giao dịch. Không đồng ý kết bạn và làm quen với đối tượng lạ và không nộp bất cứ khoản phí nào qua trung gian. Không tham gia các trò chơi, app kiếm tiền online; không kích vào các đường link lạ; cẩn trọng với các thông tin cá nhân khi đăng trên mạng xã hội…

Đồng thời, lực lượng Công an cũng kiến nghị các đơn vị ngân hàng, viễn thông nên siết chặt tính bảo mật thông tin của khách hàng, nếu không rất dễ bị các đối tượng lợi dụng sơ hở đánh cắp thông tin cá nhân để lừa đảo và phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc ngăn chặn, điều tra các vụ án chiếm đoạt tài sản hiện nay.

Đọc thêm