Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Tư pháp; các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; công tác tư pháp năm 2016 đã được triển khai thực hiện bài bản, khoa học, trọng tâm, trọng điểm và có giải pháp thực hiện phù hợp, góp phần phục vụ tốt yêu cầu và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Công tác xây dựng thể chế, điều hành phát triển kinh tế -xã hội; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đạt yêu cầu về chất lượng và tiến độ; công tác kiểm tra, rà soát văn bản pháp luật được tiến hành thường xuyên, có chất lượng, qua đó đã loại bỏ hoặc kiến nghị loại bỏ những văn bản pháp luật đã hết hiệu lực, văn bản trái quy định, góp phần tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế -xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tham gia ý kiến vào 25 dự thảo văn bản QPPL của Trung ương, tham gia ý kiến vào các văn bản của địa phương…
Công tác hành chính tư pháp đã triển khai thực hiện tốt, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia các dịch vụ công trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp ngày càng được tăng cường. Ngành đã chủ động thực hiện nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Hộ tịch năm 2014; thực hiện rà soát các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, con nuôi thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, UBND cấp huyện, Sở Tư pháp… Tiếp nhận 6.931 thông tin án tích; lập 986 mã số lý lịch tư pháp (LLTP); cung cấp 779 mã số LLTP và 1.418 thông tin bổ sung LLTP cho Trung tâm LLTP quốc gia; cung cấp 826 thông tin án tích cho các Sở Tư pháp khác; tiếp nhận 30 thông tin chứng tử; đề nghị cơ quan Tòa án cung cấp bổ sung 91 bản án; lập danh mục hồ sơ LLTP đưa vào lưu trữ 4.500 hồ sơ. Tiếp nhận, cấp 1.483 phiếu LLTP.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) triển khai có trọng tâm, trọng điểm, có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, mở rộng về đối tượng tuyên truyền, hình thức truyền thông đa dạng, phong phú; việc triển khai phổ biến giáo dục về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được triển khai đến toàn thể người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt năm 2016, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tuyên truyền, phổ biến và giáo dục chính sách pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường, đề điều, giao thông đường thủy và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi, Ngành đã phối hợp với UBND huyện Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc để mở 9 lớp tại cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường, đê điều, giao thông đường thủy và các văn bản pháp luật liên quan… Bên cạnh đó, giúp UBND tỉnh tổ chức thành công cuộc thi “Hòa giải viên giỏi lần III”, cuộc thi “Nông dân với pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường” (phối hợp cùng Hội Nông dân).
Công tác kiểm soát TTHC thực hiện kịp thời, kiểm soát tốt chất lượng thủ tục hành chính đề nghị công bố; công tác trợ giúp pháp lý đã có nhiều đổi mới cả về phương pháp và cách thức thực hiện, chất lượng trợ giúp pháp lý được nâng cao, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của người dân. Trên toàn tỉnh đã tổ chức được 34 cuộc TGPL lưu động cho 2.026 người dân trên địa bàn tỉnh; tại các cuộc lưu động đã tiến hành tư vấn tại chỗ 318 vụ việc cho 318 đối tượng có yêu cầu TGPL.
Những kết quả nêu trên đã góp phần thiết thực vào những thành tựu chung của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Nhờ đó, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng được khẳng định; vị trí của ngành Tư pháp ngày càng được củng cố, tăng cường; Ngành được tin tưởng giao thêm nhiều nhiệm vụ mới.
Trong điều kiện nhiều nhiệm vụ mới, khó được giao thêm, nhiệm vụ cũ yêu cầu đòi hỏi cao hơn, chuyên môn sâu hơn, toàn diện hơn, trong thời gian tới Tư pháp Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện tốt những giải pháp: Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu qủa công tác tham mưu giúp Cấp ủy, Chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp ở địa phương. Đổi mới công tác chỉ đạo theo phương châm hướng công tác tư pháp về cơ sở; triển khai và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với mọi mặt công tác tư pháp theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp; tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thẩm định văn bản QPPL, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; đồng thời từng bước nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, nâng cao chất lượng, đề cao trách nhiệm trong hoạt động thẩm định ban hành văn bản QPPL… Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành.